Thứ Sáu, 30/11/2018, 02:30:11
|
Việc một học sinh lớp 6, Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được cho là nói tục nên đã bị cô giáo chủ nhiệm phạt bằng cách yêu cầu các bạn trong lớp tát vào má hàng trăm cái, phải nhập viện điều trị đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Dẫu rằng đây là vụ việc cá biệt, nhưng thật sự đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo. Bởi trước đó cũng đã từng xảy ra một số vụ việc giáo viên phạt học sinh mang tính phản giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, bị xã hội lên án như: bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng (ở Hải Phòng); bắt học sinh quỳ hàng giờ đồng hồ (ở Long An); bắt học sinh ngậm bút (ở Thừa Thiên - Huế); phạt học sinh bằng cách không giảng bài suốt ba tháng ở TP Hồ Chí Minh…
|
Có nhiều cách để giáo dục những học sinh vi phạm các quy định của trường, lớp. Nhưng dù nguyên nhân có như thế nào thì việc giáo viên phạt học sinh bằng bạo lực, bằng các biện pháp phản giáo dục là hoàn toàn sai và không thể chấp nhận được. Vụ việc đã được cơ quan chức năng tại địa phương khởi tố để xử lý theo trình tự pháp luật. Thực tế thời gian qua, mặc dù ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Ðiều đó đòi hỏi toàn ngành cũng như mỗi cơ sở giáo dục cần quyết liệt hơn trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học; có biện pháp kiểm tra, kiểm soát đồng thời thường xuyên rà soát và bổ sung nội dung thực hiện đạo đức nhà giáo trong quy chế hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hằng năm theo quy định. Những trường hợp giáo viên vi phạm, cần được xử lý nghiêm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, có thể tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, giáo viên, nhân viên và người lao động phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ; khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục theo kiểu "quyền uy", áp đặt đối với học sinh. Ðặc biệt, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự người thầy; luôn "tự soi", "tự sửa"; thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, một trong những yêu cầu đối với giáo viên hiện nay cũng như để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cần nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nhà giáo. Ðể làm tốt điều đó, các cơ sở đào tạo giáo viên cần tiến hành rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên. Tăng cường tổ chức các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm.
Theo một số chuyên gia, việc giáo dục học sinh chăm ngoan, lễ phép là cần thiết. Tuy nhiên, lựa chọn phương pháp giáo dục như thế nào cho phù hợp lứa tuổi, tâm lý, sinh lý học sinh là vấn đề đặt ra. Việc giáo dục học sinh cần trách nhiệm, sự quan tâm, phối hợp từ cả nhiều phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Tất cả là để hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức, năng lực, sở trường của mỗi em. Vì vậy, bên cạnh việc lên án các hành vi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, cha, mẹ học sinh cũng cần quan tâm hơn tới con cái, nhất là các em trong độ tuổi mới lớn để có biện pháp giáo dục phù hợp.
|
QUÝ TÙNG |
29 thg 11, 2018
Nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét