Theo
đại diện Bộ GD và ĐT, điều thuận lợi trong ứng dụng CNTT vào công tác
quản lý, giảng dạy là đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề
án Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và
học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT giai
đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Thống kê của Cục CNTT (Bộ GD và
ĐT) cho thấy, cả nước hiện có hơn 40 tỉnh, thành phố đã ban hành kế
hoạch thực hiện đề án nêu trên. Các địa phương còn lại đang gấp rút ban
hành kế hoạch thực hiện. Hiện nay, ngành GD và ĐT đã triển khai đồng bộ,
hiệu quả phần mềm quản lý trường học (từ mầm non đến THPT). Nhiều cơ sở
giáo dục đã triển khai các phần mềm quản lý học sinh, quản lý đội ngũ
cán bộ, giáo viên, nhân viên xếp thời khóa biểu; tăng cường sử dụng sổ
điểm điện tử trong quản lý, lưu trữ; tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức
trực tuyến; thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua tin
nhắn OTT (từng bước hạn chế sử dụng hệ thống tin nhắn thu phí)… Tại kỳ
thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2017, Bộ GD và ĐT đã triển
khai thành công hệ thống phần mềm đăng ký dự thi, xét tuyển, lọc ảo trực
tuyến gần một triệu thí sinh, 3.000 trường phổ thông, 250 trường đại
học và 63 sở GD và ĐT, góp phần quan trọng giảm chi phí, tạo thuận lợi
cho thí sinh.
Cục trưởng CNTT Nguyễn Sơn Hải cho biết, cả nước hiện có khoảng 45
nghìn trường học có nhu cầu ứng dụng CNTT. Nhu cầu của mỗi trường khác
nhau cho nên Bộ GD và ĐT không quy định giải pháp “cứng”, mà đưa ra mô
hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông một cách linh hoạt. Căn cứ
điều kiện thực tế, các trường được quyền xác định mục tiêu, lựa chọn
công nghệ, giải pháp phù hợp. Việc ứng dụng CNTT trong đổi mới phương
pháp dạy và học được thực hiện theo hướng giáo viên chủ động tích hợp
CNTT vào từng môn học để nâng cao hiệu quả bài giảng; sử dụng phần mềm
trình chiếu, kết hợp các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và phần mềm
dạy học. Bộ GD và ĐT khuyến khích giáo viên sử dụng trang Trường học kết
nối để trao đổi chuyên môn, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.
Ngành GD và ĐT triển khai giải pháp trường học điện tử, lớp học điện tử
(các giải pháp giáo dục thông minh) ở những nơi có điều kiện, nhằm ứng
dụng những công nghệ tiên tiến, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy
học.
Nắm bắt xu thế đổi mới giáo dục trong bối cảnh cuộc cách mạng công
nghiệp 4.0, một số địa phương đã triển khai mô hình lớp học tương tác,
lớp học thông minh (sử dụng công nghệ mới, giải pháp mới). Quảng Ninh là
một trong những địa phương đã và đang triển khai hiệu quả trường học
thông minh, lớp học thông minh, góp phần nâng cao công tác quản lý, điều
hành cũng như chất lượng giáo dục. Có được kết quả đó, nhiều trường học
đã đầu tư trang thiết bị CNTT cho các phòng học thông minh, phòng học
ngoại ngữ và để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Theo cô
giáo Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Khê (thị xã Đông
Triều, tỉnh Quảng Ninh), thông qua trường học thông minh, ngay cả khi
ngồi tại phòng làm việc, hiệu trưởng cũng có thể quán xuyến nền nếp học
tập đến tận từng giờ dạy của giáo viên. Để tăng cường ứng dụng CNTT
trong trường học, năm học 2017-2018, Bộ GD và ĐT đã khuyến khích giáo
viên, học sinh khai thác kho bài giảng e-learning của Bộ, nhằm đổi mới
nội dung, phương pháp dạy và học. Kho bài giảng trực tuyến e-learning có
tính tương tác cao, hỗ trợ học sinh tự học, tự ôn tập để nâng cao kiến
thức.
Đáng chú ý, ngành giáo dục tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về mạng
lưới trường học, lớp học, giáo viên, nhân viên. Theo đó, cơ quan quản lý
giáo dục các cấp không phải mất nhiều thời gian mà có thể xem chi tiết
hồ sơ của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên cả nước, cũng như
thông tin về các hoạt động giáo dục để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời
trong việc dạy và học. Bộ GD và ĐT yêu cầu các sở tiếp tục rà soát, kiện
toàn bộ máy cán bộ phụ trách CNTT ở các cơ quan quản lý giáo dục,
trường học; có kế hoạch bồi dưỡng bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn đội
ngũ; có cơ chế phối hợp chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ CNTT giữa các cấp
quản lý một cách khoa học, hiệu quả; ban hành các bộ tiêu chuẩn, cơ chế
chính sách về ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý để làm cơ sở để
định hướng đầu tư, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT một cách chuyên nghiệp
và hiệu quả.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét