Theo
Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Bộ GD và ÐT), thời gian qua, công tác phát
triển GDDT được các địa phương quan tâm, triển khai đồng bộ; các chế độ,
chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện theo đúng
quy định. Ngành giáo dục các địa phương đã tăng cường đào tạo, bồi dưỡng
đội ngũ giáo viên; tăng cường dạy tiếng dân tộc ở 715 trường với 4.812
lớp và hơn 113 nghìn học sinh phổ thông... Công tác rà soát, quy hoạch
và phát triển mạng lưới trường học, lớp học cũng được chú trọng. Thực
hiện đề án của Chính phủ về củng cố trường phổ thông dân tộc nội trú
(PTDTNT), nhiều địa phương đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất trường,
lớp học. Các trường PTDTNT cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh
dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực đặc biệt khó khăn. Thống kê của Bộ
GD và ÐT cho thấy, cả nước hiện nay có 314 trường PTDTNT ở 50 tỉnh,
thành phố với hơn 91 nghìn học sinh. Mặc dù, nhiều trường PTDTNT còn khó
khăn về cơ sở vật chất, nhưng đã cố gắng tổ chức dạy học hai buổi/ngày
theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS,
THPT. Ngoài việc dạy văn hóa, nhiều trường còn tổ chức các hoạt động
như: Công tác nội trú, nuôi dưỡng, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,
giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề nhằm phát triển toàn diện
cho học sinh.
Cũng như các trường PTDTNT, mạng lưới trường phổ thông dân
tộc bán trú (PTDTBT) có quy mô, tốc độ phát triển nhanh. Toàn quốc hiện
có 28 tỉnh có trường PTDTBT với 1.013 trường và gần 160 nghìn học sinh;
29 tỉnh có trường phổ thông có học sinh bán trú với 2.033 trường,
119.350 học sinh. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của
các địa phương, đến nay, chất lượng giáo dục tại các trường PTDTBT có
nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp
tăng; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt, góp phần duy
trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS.
Tại tỉnh Hà Giang, mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất trường, lớp,
trang, thiết bị dạy học, nhưng hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT đã và
đang được củng cố và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 13 trường PTDTNT,
162 trường PTDTBT. Việc phát triển các trường PTDTNT và PTDTBT góp phần
duy trì tỷ lệ chuyên cần đạt hơn 99%. Ðại diện Sở GD và ÐT tỉnh Ðiện
Biên cho biết, xác định đội ngũ nhà giáo là lực lượng then chốt trong
đổi mới giáo dục, thời gian qua, sở đã chú trọng thực hiện tốt công tác
đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; rà soát, điều chỉnh và thực hiện
quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục phù hợp thực tế địa phương.
Ðồng thời, tăng cường đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất trường, lớp,
trang, thiết bị dạy học, phòng ở, nhà bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh
phục vụ học sinh bán trú, đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng
GDDT.
Theo Vụ trưởng GDDT (Bộ GD và ÐT) Trần Ngọc Sơn, mục tiêu chung của
ngành giáo dục đề ra và phấn đấu thực hiện trong thời gian tới là có 10%
học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi được học tại trường PTDTNT. Bộ
GD và ÐT sẽ cùng với các địa phương xây dựng nơi ăn, ở, sinh hoạt, nhà
bếp, nhà kho cho trường PTDTBT, nhất là ưu tiên nguồn kinh phí trong xây
dựng cơ sở vật chất trường học, cung cấp trang, thiết bị dạy học cho
các cơ sở giáo dục nhằm phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo
chương trình của quốc gia. Ngoài ra, Bộ GD và ÐT đã có một số nghiên cứu
và dự kiến đề xuất, ở những nơi có đông học sinh là người dân tộc thiểu
số sẽ quy hoạch xây dựng khu nội trú trung tâm bằng cách sáp nhập hai
hoặc ba trường nội trú cấp huyện lại. Với giải pháp này, tất cả học sinh
sẽ được ăn, ở, sinh hoạt tập trung trong khu nội trú và có thể học
chung với học sinh các trường phổ thông khác trên địa bàn nhằm góp phần
nâng cao chất lượng GDDT trên cả nước.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét