28 thg 6, 2017

Sôi nổi các hoạt động tiếp sức mùa thi

Chủ Nhật, 25/06/2017, 05:23:57
 Font Size:     |        Print
 

Cảnh sát giao thông TP Ðà Nẵng hỗ trợ đưa đón thí sinh sáng 22-6. Ảnh: ANH ÐÀO
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã chính thức khép lại. Ðây là kỳ thi có một số điều chỉnh như tăng số điểm thi, phòng thi, giảm thời gian thi, các môn thi chủ yếu theo hình thức trắc nghiệm… đã giảm áp lực cho thí sinh, giảm tốn kém cho người nhà thí sinh và xã hội. Tại các địa phương, có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho kỳ thi.
Những năm trước, gần đến ngày thi, thí sinh và người nhà lại tất bật về các thành phố lớn tham dự kỳ thi. Ngành giáo dục, công an, giao thông, điện, y tế chuẩn bị nhiều phương án để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Ðiều đó đã tạo nên những lo lắng, vất vả, tốn kém của thí sinh và xã hội. Năm nay, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức một cụm thi riêng. Thí sinh chủ yếu thi tại trường phổ thông hoặc liên trường. Với sự hỗ trợ của cả xã hội, áp lực thi cử của thí sinh đã được giảm đi đáng kể, nhiều rủi ro thường trực không xảy ra.
Tại Hải Phòng, các hoạt động hỗ trợ, tiếp sức mùa thi được ghi nhận có cách làm hay. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường cho biết, Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Hải Phòng lần đầu sử dụng đội ngũ thanh niên tình nguyện là học sinh lớp 11 phục vụ các thí sinh dự thi. Ðây được ghi nhận là điểm mới, điểm hay, giúp các em làm quen với kỳ thi. Năm 2017, năm thứ 16 Thành đoàn - Hội Sinh viên TP Hà Nội triển khai chương trình tiếp sức mùa thi. Chương trình năm nay có sự tham gia của gần 10 nghìn tình nguyện viên tại 112 điểm thi. Trưởng ban Thanh niên trường học Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên TP Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, chương trình đã thành lập các đội "Phản ứng nhanh giao thông", "Giao thông xanh"; tổ chức các chuyến xe ô-tô đưa đón thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh khuyết tật thuộc các xã, huyện xa tới các điểm thi và ngược lại... Tổng vật phẩm phục vụ tiếp sức mùa thi gồm: áo, mũ, quạt nhựa cầm tay, nước suối... có trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.
Lai Châu là tỉnh vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, nhiều thí sinh thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số..., để đến các điểm thi gặp không ít khó khăn. Trước khi kỳ thi diễn ra, tỉnh Lai Châu đã có kế hoạch chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tổ chức các đội tình nguyện hỗ trợ mùa thi. Các huyện đã hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức từ 50 nghìn đến 200 nghìn đồng/thí sinh/ngày; tiếp tục hỗ trợ toàn bộ chỗ ở và suất ăn miễn phí cho các thí sinh. Tại một số địa phương, chính quyền các xã trích nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ thêm cho thí sinh thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng biên giới để các em có điều kiện thuận lợi nhất khi tham dự kỳ thi. Thí sinh Phìn Văn Thanh bản Pắc Ma (xã Mường Tè) cho biết, em phải di chuyển gần 60 km để về trung tâm huyện tham dự kỳ thi. Nhưng được huyện hỗ trợ toàn bộ tiền đi lại, bố trí chỗ ăn, nghỉ miễn phí cho nên em yên tâm và làm khá tốt các bài thi.
Cùng với cả nước, hơn 11 nghìn thí sinh tại Ðà Nẵng đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Tại kỳ thi này, sinh viên tình nguyện không còn phải vất vả như những năm trước. Các đội tình nguyện được bố trí tinh gọn nhưng hoạt động hỗ trợ hiệu quả. Ngoài việc ngành GD và ÐT Ðà Nẵng điều động, bố trí hơn hai nghìn cán bộ, nhân viên phục vụ kỳ thi, ngành công an, nhất là các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy được điều động túc trực 24 giờ tại 25 điểm thi. Tất cả các xe chuyên chở đề thi đến điểm thi và thu bài về đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Ðại úy Nguyễn Ðình Trung, Bí thư Ðoàn thanh niên phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Ðà Nẵng) chia sẻ, thực hiện chương trình tiếp sức mùa thi, chi đoàn đã hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh di chuyển đến các điểm thi. Khi các em cần sự hỗ trợ nhanh như: đưa đi đón về, để quên giấy tờ thi... lực lượng cảnh sát giao thông luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Tại điểm thi Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang, cách trung tâm Ðà Nẵng 25 km, hàng chục thí sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số được nhà trường tạo điều kiện ăn, ở tại khu ký túc xá nội trú. Ðể bảo đảm sức khỏe cho các em trong suốt kỳ thi, nhà trường tăng suất ăn lên khoảng 10 đến 15 nghìn đồng/thí sinh. Em Ðinh Văn Nguyên, một trong số các thí sinh được hỗ trợ ăn, ở tại trường vui vẻ cho biết: "Em rất vui khi được thi tại trường của mình học và được ở ký túc xá, cho nên rất yên tâm khi làm bài thi. Các cô giáo nấu ăn rất ngon, luôn tạo không khí thoải mái cho nên ai cũng có cảm giác như đang ở nhà của mình".
TP Hồ Chí Minh được ghi nhận có lượng thí sinh dự thi đứng thứ hai cả nước. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành giáo dục, công an, y tế, điện lực..., Hội Sinh viên thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh tại 24 quận, huyện với hơn bốn nghìn sinh viên. Các em có nhiệm vụ hỗ trợ thí sinh trong những ngày làm thủ tục và dự thi; hướng dẫn, chỉ dẫn sơ đồ phòng thi theo từng buổi thi; giữ hành lý, đồ đạc của thí sinh trong thời gian thi; tặng các vật dụng, vật phẩm như vé xe buýt, suất ăn nhẹ, nước uống... Thượng tọa Thích Trí Trường, chùa Lộc Dã (quận 8) cho biết, trước kỳ thi, nhà chùa đã chuẩn bị hàng trăm ki-lô-gam gạo, dầu ăn, gia vị. Trong tủ lạnh, nhiều túi đậu phụ được đóng gói cẩn thận, từng bó rau xanh được rửa sạch, xếp ngay ngắn. Số thức ăn này được chế biến thành hàng nghìn suất ăn, cung cấp đến thí sinh tại các điểm thi gần chùa. Tại Giáo xứ Bình Thới và chung quanh khu vực Nhà thờ Thăng Long (quận 11), nhiều giáo dân đã bố trí phòng nghỉ, phát bánh mì, nước uống hỗ trợ thí sinh.
Tại Cà Mau, hơn 250 nghìn tình nguyện viên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh dự thi. Ngành GD và ÐT Cà Mau phối hợp chính quyền địa phương kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cơm, nước suối miễn phí cho các thí sinh và người nhà. Trong kỳ thi, các đội tình nguyện đã phát gần năm nghìn suất cơm miễn phí. Theo Bí thư Chi đoàn Sở GD và ÐT Cà Mau Nguyễn Tấn Ðức, mỗi suất cơm có giá khoảng 30 nghìn đồng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thí sinh thuộc diện khó khăn được cấp một thẻ đi xe giá rẻ trong nội thành TP Cà Mau với mức giá chung là 10 nghìn đồng. "Nhờ có sự chuẩn bị tốt và sự tham gia, phối hợp tích cực từ các đơn vị chức năng cũng như lực lượng tình nguyện, tình hình an ninh, trật tự ở các điểm thi luôn được bảo đảm, không xảy ra sự cố bất thường", Giám đốc Sở GD và ÐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết.
Đánh giá về Chương trình tiếp sức mùa thi năm 2017, Phó Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD và ÐT) Bùi Văn Linh cho rằng, điểm mới của chương trình là được triển khai sớm hơn so với các năm; tiếp tục đổi mới về phương thức tổ chức. Chương trình tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chính như: bảo đảm tất cả các điểm thi trên toàn quốc có đội hình tiếp sức mùa thi; tất cả các thí sinh hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu đều được hỗ trợ trong kỳ thi.
Có thể thấy rằng, sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là sự hỗ trợ tích cực của các tình nguyện viên đã tạo nên thành công của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Mai Tùng Tuấn và Ðào Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét