21 thg 5, 2017

Bất cập trong tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội

Thứ Bảy, 20/05/2017, 04:06:08
 Font Size:     |        Print
Chỉ còn gần một tháng nữa, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội sẽ tiến hành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) năm học 2017-2018.
Hiện nay, ngành đang tiến hành công tác chuẩn bị; đề ra giải pháp phân tuyến tuyển sinh, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh; tổ chức tuyển sinh theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế đã bộc lộ một số bất cập như: học sinh Hà Nội phải sang Hà Nam học; số hồ sơ đăng ký trực tuyến trong năm học 2016-2017 của các quận nội thành thấp hơn so với các huyện ngoại thành…
Áp lực số học sinh trong mỗi lớp
Chung quanh công tác chuẩn bị tuyển sinh năm học 2017-2018, lãnh đạo Sở GD và ĐT Hà Nội cho chúng tôi biết, tiếp tục thực hiện chủ trương “ba tăng, ba giảm”: tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá đông. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các trường thực hiện “năm rõ”: rõ tuyến tuyển sinh, rõ chỉ tiêu tuyển sinh, rõ thời gian tuyển sinh, rõ phương thức tuyển sinh và rõ trách nhiệm trong công tác tuyển sinh.
Đáng chú ý, năm học 2017-2018, tình trạng quá tải được dự đoán sẽ xảy ra ở một số địa phương tập trung nhiều chung cư, đô thị mới hoặc các khu công nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái, quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, đã và đang hình thành nhiều tòa nhà chung cư cao tầng, dẫn tới dân số cơ học tăng nhanh. Trên địa bàn quận hiện có 65 trường mầm non, tiểu học, THCS với tổng số 77.730 học sinh; mỗi năm bình quân tăng từ 6.000 đến 8.000 học sinh. Việc xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn không đồng bộ với việc xây dựng trường học, dẫn đến tình trạng quá tải trường, lớp, nhất là tại các phường: Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công.
Tương tự, tại quận Đống Đa cũng xảy ra tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, một số trường có số học sinh trên lớp vượt quy định. Tại huyện Thanh Trì, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Thị Thu Huyền, qua rà soát, khối mầm non tăng 6.632 trẻ, tiểu học tăng hơn 500 học sinh với năm học trước. Ngoài ra, tại một số xã thuộc khu đô thị Tả Thanh Oai cũng xảy ra tình trạng quá tải cục bộ ở bậc tiểu học. Theo đó, Trường tiểu học Tả Thanh Oai có 12 lớp 1, nhưng thống kê có tới 913 học sinh, tính bình quân khoảng 80 học sinh/lớp.
Tại quận Long Biên, sĩ số học sinh tăng cũng là một trong những khó khăn trong công tác tuyển sinh. Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương lo lắng: Dự kiến số học sinh vào lớp 6 năm học 2017 - 2018 tăng hơn 1.000 em, nếu chiếu theo quy chuẩn số lượng học sinh/lớp, quận phải thêm 23 phòng học. Khối tiểu học, tăng 995 học sinh, thiếu năm phòng học. Trong khi đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 trong thời gian sắp tới dự kiến cũng khá căng thẳng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Lê Thị Liễu, toàn huyện có 3.214 học sinh lớp 9 sắp tốt nghiệp, chưa kể số thí sinh tự do. Trong khi đó, chỉ tiêu vào lớp 10 đối với năm trường THPT công lập là 2.623. Điều đáng nói, trên địa bàn huyện chỉ có một chi nhánh của một trường THPT ngoài công lập, một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cho nên số học sinh không được học tại các trường THPT công lập khá lớn (chiếm gần 20%). Hai cơ sở nêu trên dự tính sẽ san sẻ cho các trường THPT công lập khoảng hơn 200 học sinh.
Điều bất cập vẫn xảy ra hằng năm là các trường THPT của Thường Tín phải tiếp nhận khoảng 300 học sinh từ các địa phương giáp ranh đến nhập học do quy định tràn tuyến của Sở GD và ĐT Hà Nội. Trong khi đó, số học sinh này phần lớn chỉ học xong một học kỳ lại chuyển về địa phương cho nên đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh. Với quy định như vậy, đã dẫn đến thực trạng nhiều học sinh của Thường Tín không đỗ nguyện vọng 1 hoặc các nguyện vọng còn lại phải sang tỉnh Hà Nam nhập học, được coi là khó khăn, nghịch lý cần tháo gỡ.
Trước những băn khoăn, lo lắng của một số quận, huyện, Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất, các địa phương cần làm tốt công tác điều tra, rà soát dân số để phân tuyến, tránh quá tải cục bộ, bảo đảm chỗ học cho học sinh. Đối với số học sinh quá đông như tại các địa bàn: Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, địa phương cần phân tuyến bớt sang các địa bàn lân cận. Ngoài ra, khi đăng ký xét tuyển trực tuyến, hệ thống sẽ tự động ưu tiên đối tượng KT1 (có hộ khẩu thường trú và cư trú thực tế trên địa bàn), còn chỉ tiêu mới tuyển tiếp KT2 (có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội nhưng cư trú trên địa bàn), KT3 (có tạm trú và cư trú thực tế trên địa bàn). Việc thi vào lớp 10 năm học 2017-2018 có sự cạnh tranh lớn. Theo phân luồng, trong tổng số các học sinh dự thi, có khoảng 60% số học sinh vào học trường công lập, số còn lại học trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Tuyển sinh trực tuyến đạt thấp
Đây là năm thứ hai các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội thực hiện tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp. Mục đích nhằm tạo sự thuận lợi, công bằng cho các bậc phụ huynh. Việc đăng ký trực tuyến vào lớp 1 năm học 2017 - 2018 bắt đầu từ ngày 15 đến 18-6; mầm non 5 tuổi từ ngày 19 đến 22-6; lớp 6 từ ngày 23 đến 26-6; từ ngày 1 đến 15-7 đăng ký trực tiếp. Theo đánh giá của ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD và ĐT Hà Nội), qua một năm thực hiện, hình thức tuyển sinh trực tuyến bộc lộ nhiều bất cập như bị nghẽn mạng, công tác chuẩn bị, tuyên truyền còn hạn chế; một số quận nội thành thực hiện chưa quyết liệt.
Ghi nhận việc tuyển sinh trực tuyến tại Trường mầm non đô thị Sài Đồng (Long Biên), năm học 2016-2017, nhà trường tiếp nhận 119 học sinh, tuy nhiên, chỉ có bốn hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Trong khi đó, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) có hệ THCS nhưng chưa tiến hành tổ chức đăng ký trực tuyến; Trường THCS Mai Động (quận Hoàng Mai) có khoảng 70 trong tổng số 340 học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến... Cũng trong năm học 2016-2017, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) có khoảng 30% số hồ sơ đăng ký trực tuyến.
Theo cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền, bố trí cán bộ hướng dẫn, máy tính kết nối mạng in-tơ-nét… nhưng việc đăng ký trực tuyến đạt được còn thấp. Nguyên nhân là vì thời gian đăng ký trực tuyến rất ngắn (bốn ngày), thường xuyên bị nghẽn mạng không thể truy cập… Một nguyên nhân khác là theo quy định, khi đăng ký tuyển sinh trực tuyến thành công, từ ngày 1 đến 15-7 (đăng ký trực tiếp) phụ huynh vẫn phải mang hồ sơ gốc đến trường đối chiếu cho nên nhiều người không lựa chọn hình thức này.
Ngoài ra, một bộ phận học sinh đăng ký vào lớp 1 không có mã tuyển sinh trực tuyến. Những học sinh không có mã tuyển sinh trực tuyến là vì trước đó không theo học ở các trường công lập, mà học ở các trường quốc tế hoặc nhóm lớp của trường tư thục không cùng hệ thống và một bộ phận học sinh trái tuyến. Theo Trưởng phòng GD và ĐT quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương, nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến của quận thấp hơn huyện ngoại thành là do thời điểm học sinh theo bố mẹ đến sinh sống trên địa bàn sau thời gian các trường điều tra, rà soát tổng số học sinh, dẫn tới không có mã tuyển sinh trực tuyến.
Thực tế cho thấy, mục đích chính của việc đăng ký trực tuyến là tạo sự công bằng và thuận lợi cho phụ huynh học sinh, nhất là giảm bớt áp lực cho những “trường điểm” ở quận nội thành, khắc phục tình trạng tuyển sinh trái tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GD và ĐT Hà Nội, các huyện ngoại thành như: Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Thạch Thất đăng ký trực tuyến đạt cao (khoảng 80%), nhưng các quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng được đánh giá bảo đảm nguồn nhân lực, hệ thống máy tính, in-tơ-nét đầy đủ, hiện đại… thì số hồ sơ đăng ký trực tuyến chỉ đạt khoảng 30%. Đây được xem là nghịch lý, bởi xét trên phương diện con người, công nghệ, thiết bị, quận nội thành có nhiều thuận lợi, nhưng kết quả đạt được lại thấp.
Đề cập công tác chuẩn bị tuyển sinh trực tuyến, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định: Theo chỉ đạo thành phố, năm học 2017-2018 các trường cần tăng cường hơn nữa công tác tuyển sinh trực tuyến. Nếu việc tuyển sinh trực tuyến đạt kết quả tốt, các công đoạn thực hiện về sau sẽ đỡ vất vả hơn. Sở GD và ĐT Hà Nội yêu cầu những quận nội thành năm 2016 thực hiện tuyển sinh trực tuyến được ít học sinh cần khắc phục, thực hiện nghiêm túc, tránh để xảy ra tình trạng không đăng ký trực tuyến.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét