Thứ Ba, 04/04/2017, 02:13:11
Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) đã chú trọng triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg, ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục, nhất là bậc THCS và THPT đã lồng ghép, tích hợp các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh trong các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, giờ sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa khá hiệu quả…
Theo lãnh đạo Sở GD và ĐT Lào Cai, sau một thời gian thực hiện, tỷ lệ học sinh tiểu học được đánh giá về kiến thức, kỹ năng là “hoàn thành”, đánh giá phẩm chất, năng lực “đạt”, đạt 99%. Tỷ lệ học sinh THCS, THPT được xếp loại hạnh kiểm tốt tăng dần qua các năm; kỹ năng ứng xử, giao tiếp, lối sống của học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn; có nhiều gương học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số mặc dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vượt khó vươn lên trong học tập.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành GD và ĐT tỉnh Lào Cai cũng gặp một số khó khăn cần tháo gỡ. Nguyên nhân là do các yếu tố tiêu cực thâm nhập mạnh mẽ vào nhà trường, ảnh hưởng không tốt đến đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Ngoài ra, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh chưa làm gương cho học sinh noi theo. Đáng chú ý, các điều kiện bảo đảm cho công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn nhiều bất cập do các phòng học, phòng truyền thống, nhà đa năng, sân chơi… ở nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ giáo viên phụ trách thiếu, chưa được đào tạo bài bản.
Tại Hà Nội, ngành GD và ĐT Thủ đô đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện khá tốt việc tích hợp một số nội dung môn học vào các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, Sở GD và ĐT Hà Nội còn triển khai đồng bộ và hiệu quả các cuộc vận động như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; gắn việc triển khai Đề án với nội dung giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh phổ thông; Triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” tại 20 trường THCS và THPT. Chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cách đây mười năm, nhà trường đã xây dựng và hoạt động khá hiệu quả phòng tư vấn tâm lý. Nhờ đó, những học sinh có suy nghĩ lệch lạc luôn được cán bộ tư vấn, “gỡ rối”. Nhất là hiện nay, trước tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, để đáp ứng yêu cầu nâng cao lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, phòng tư vấn tâm lý đã khẳng định vai trò quan trọng, từng bước đẩy lùi, ngăn chặn bạo lực học đường, nâng cao nhận thức, trách nhiệm sống của học sinh đối với gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội. Trong khi đó, theo Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) PGS, TS Đinh Văn Hải, trường hiện có hơn 25 nghìn sinh viên đang theo học, trong đó hơn 70% là sinh viên Việt Nam. Nhìn chung, sinh viên của trường thể hiện tư tưởng, chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một bộ phận sinh viên còn thường xuyên đến lớp muộn, kết quả học tập chưa cao, phải nợ nhiều học phần…
TP Hồ Chí Minh được ghi nhận là địa phương sớm phát động và đi đầu trong việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên... Theo Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD và ĐT TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Minh, từ các yêu cầu của đề án và thực tế địa phương, sở đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể ở từng cấp học. Trong năm học 2016-2017, cấp học mầm non đã lồng ghép một số nội dung nhằm giáo dục trẻ biết kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi; biết yêu thương, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ các bạn cùng lớp thông qua hướng dẫn của giáo viên và cảm nhận trực quan. Cấp THCS và THPT thực hiện dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết với học sinh; phát huy tính tích cực của học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoại khóa... Để thực hiện tốt việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Sở GD và ĐT TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị phải tổ chức thực hiện công tác tư vấn trường học. Đến nay, các trường THCS, THPT đều có đội ngũ làm công tác tư vấn ở trường học. Đây là giải pháp tích cực, hiệu quả để lắng nghe tiếng nói từ học sinh, kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn về tâm lý, lứa tuổi của các em để có hướng tư vấn, giúp đỡ kịp thời.
Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ, để thực hiện tốt Đề án này, các sở GD và ĐT, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp thường xuyên tuyên truyền về các nội dung của đề án, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các đơn vị cần tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo; xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, an toàn, lành mạnh để tạo thói quen tốt, hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh.
QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét