Thứ Năm, 13/04/2017, 05:18:46
Chiều 12-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức họp báo công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình tổng thể). Qua nhiều lần lấy ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung, chương trình tổng thể lần này được đánh giá có nhiều điểm mới giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp,… Dự kiến chương trình sẽ được thực hiện từ năm học 2018-2019.
Áp dụng phương pháp sơ đồ ngược
Theo Bộ GD và ĐT, thông thường, khi xây dựng chương trình theo định hướng tiếp cận nội dung, các chuyên gia xuất phát từ hệ thống kiến thức của môn học, từ đó những kiến thức được cho là cần thiết đối với học sinh phổ thông sẽ đưa vào chương trình. Nhưng với định hướng tiếp cận năng lực theo yêu cầu mới, việc xây dựng chương trình đã xuất phát từ phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã xác định năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh, tức là chuẩn đầu ra của chương trình. Từ chuẩn đầu ra, xác định những nội dung cần dạy, từ đó phân bổ thời lượng dạy học, xác định phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. Đó là phương pháp sơ đồ ngược, thường được áp dụng trong xây dựng chương trình giáo dục theo định hướng tiếp cận năng lực.
Đáng chú ý, hệ thống các môn học của chương trình tổng thể được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc bao gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ; các môn học bắt buộc có phân hóa (Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo); môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số).
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; các môn học bắt buộc có phân hóa (Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo); môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).
Dự thảo chương trình mới xác định, lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Các môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh; các môn học bắt buộc có phân hóa (Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo); môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); lớp 11 và lớp 12 có các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; các môn học tự chọn bắt buộc (Học sinh chọn ba môn và một chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập); môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).
Chương trình mới có tính mở
Theo GS, TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ở chương trình hiện hành, học sinh vẫn phải học nhiều môn, vừa quá tải, vừa không có điều kiện tập trung vào những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội quy định: Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS bốn năm); giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT ba năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Theo đó, ở cấp tiểu học và THCS, Bộ GD và ĐT dự kiến thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp. Ở cấp THPT, yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ. Vì vậy, chương trình mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.
Chương trình tổng thể có tính mở, tính ổn định, tính cập nhật. Vì vậy, chương trình được xây dựng lần này không quy định cụ thể số giờ học trong từng môn mà quy định số tiết/năm. Số giờ học ở từng môn được các trường xây dựng, điều chỉnh để phù hợp tình hình dạy học. Mặt khác, trong chương trình mới, Bộ GD và ĐT đã đề ra sáu phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi mà học sinh cần đạt được. Một điểm mới trong chương trình tổng thể, ở cấp tiểu học là Ngoại ngữ 1 được quy định dạy từ lớp hai, tuy nhiên, những trường có điều kiện có thể dạy từ lớp một. Ngoài ra, trong chương trình mới cũng xuất hiện nhiều môn học được tích hợp liên môn từ nhiều môn thành phần khác nhau. Việc xuất hiện các môn học tích hợp liên môn là thực hiện yêu cầu các nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, giáo viên dạy môn nào thì vẫn dạy môn đó; tuy nhiên, những giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo yêu cầu mới sẽ dạy các môn tích hợp liên môn. Đối với các môn tự chọn, nhất là Ngoại ngữ 2, Bộ GD và ĐT khẳng định, đây là môn học mở, học sinh có thể đăng ký học từ lớp sáu và kết thúc môn học này khi không có nhu cầu.
Trước những lo ngại của xã hội về tiến độ thực hiện và chất lượng của chương trình tổng thể, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Chương trình mới sẽ bảo đảm đúng tiến độ và được đánh giá thường xuyên. Dự thảo chương trình tổng thể đã đưa ra những điều kiện tối thiểu về giáo viên và cán bộ quản lý để thực hiện được chương trình mới. Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang triển khai thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Đồng thời, rà soát và xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông phù hợp yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới chương trình đào tạo của các trường sư phạm theo hướng mở, linh hoạt; cập nhật, bổ sung kịp thời các mô-đun dựa trên các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Việc xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông được thực hiện dưới dạng mô-đun, theo nguyên tắc cuốn chiếu, phù hợp lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Bài, ảnh: QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét