Trang

15 thg 8, 2016

Suôn sẻ đăng ký, băn khoăn hồ sơ ảo

Thứ Bảy, 13/08/2016, 03:11:29
 Font Size:     |        Print
Hôm qua (12-8), quá trình thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt một đã chính thức khép lại. Việc ĐKXT của các thí sinh năm nay diễn ra khá thuận lợi nhưng nhiều trường ĐH lo ngại vấn đề hồ sơ ảo sẽ gây khó khăn trong việc xác định điểm chuẩn.
Suôn sẻ đăng ký xét tuyển
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), đợt một thí sinh ĐKXT từ ngày 1 đến 12-8 theo ba hình thức: đăng ký trực tuyến, qua bưu điện và trực tiếp tại trường. Thí sinh được phép đăng ký vào hai trường, mỗi trường hai ngành khác nhau và xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Do không được rút nộp hồ sơ và có nhiều hình thức đăng ký, nhất là đăng ký trực tuyến cho nên việc ĐKXT của thí sinh khá thuận lợi. Ở một số trường ĐH vẫn có thí sinh đến nộp hồ sơ ĐKXT nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn, mà chủ yếu muốn đến trường để được nghe tư vấn về lựa chọn ngành, nghề sao cho phù hợp với sở thích và số điểm thi đạt được. Tại điểm nhận hồ sơ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh Bùi Ngọc Khánh, Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) được 24,75 điểm ba môn, cho biết mặc dù có thể nộp hồ sơ trực tuyến nhưng vẫn đến trường vì muốn được tư vấn trực tiếp chọn ngành, nghề. “Sau khi được tư vấn, em chắc chắn hơn về một số ngành có thể đỗ hoặc không đỗ”; về cơ hội học tập, làm việc cho nên ĐKXT vào Trường ĐH Bách khoa và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông”- Khánh chia sẻ. Thí sinh Nguyễn Văn Linh, Trường THPT Kinh Môn (Hải Dương) được 18 điểm cũng lên tận Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải ĐKXT cho biết, có ba phương thức đăng ký nhưng vẫn lựa chọn cách đến trường để nghe tư vấn xem trường mình định học như thế nào và đã lựa chọn được hai ngành của trường để ĐKXT.
Theo Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) Bùi Đức Triệu, công tác ĐKXT đợt một diễn ra an toàn, thí sinh đã cân nhắc, lựa chọn kỹ càng, các phương thức hỗ trợ thí sinh rất tốt, tránh tình trạng dồn ứ, nhất là thí sinh không tập trung vào những ngày cuối để ĐKXT. PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì 12 trường xét tuyển theo nhóm (nhóm GX) cho biết: Ban đầu, nhóm GX cũng có một vài sai sót chủ yếu tập trung vào thí sinh sử dụng thông tin về mã ngành xét tuyển hoặc nhóm ngành xét tuyển theo tài liệu cũ của năm trước; hoặc khi nhóm GX hình thành dẫn đến ngành, nhóm ngành xét tuyển có những sự khác nhau mà thí sinh chưa để ý kỹ. Tuy nhiên, sau đó đã có tư vấn, điều chỉnh kịp thời cho nên công tác ĐKXT năm nay khá suôn sẻ. Càng về những ngày cuối việc nộp hồ sơ ĐKXT tại trường ít hơn, không bị lộn xộn, căng thẳng. Nhóm GX có khoảng hơn 70 nghìn thí sinh ĐKXT, trong đó có 1/3 là đăng ký trực tuyến; riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 12 nghìn hồ sơ ĐKXT.
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Bùi Văn Ga, năm 2016 hệ thống thông tin phục vụ công tác thi và tuyển sinh được chuẩn bị rất chu đáo. Bộ GD và ĐT cũng như các trường đều công bố đường dây nóng để thí sinh và phụ huynh liên hệ khi cần phản ánh hay thắc mắc, cần giải đáp. Qua các kênh thông tin báo chí và phản ánh qua đường dây nóng đã xử lý kịp thời các vướng mắc của thí sinh. Thí dụ như khi nghe phản ánh thí sinh gặp khó khăn trong nộp lệ phí xét tuyển, Bộ GD và ĐT đã đề nghị các trường cho phép thí sinh ĐKXT trước, khi trúng tuyển, nhập học mới phải nộp lệ phí cho nên phần nào giải quyết được khó khăn giúp nhiều thí sinh tham gia ĐKXT trực tuyến. Một số trường còn miễn lệ phí đối với thí sinh vùng khó khăn, vùng chịu thiệt hại do hạn hán hay sự cố môi trường. Vì vậy, thí sinh cảm thấy rất thoải mái và không có vướng mắc gì khi ĐKXT. Ngay sau khi kết thúc thời gian ĐKXT đợt một bằng cả ba hình thức, các trường sẽ tải dữ liệu của trường mình về để xử lý, công bố kết quả.
Lo hồ sơ ảo
Trong khi công tác ĐKXT được cho là khá suôn sẻ thì nhiều trường lại lo lắng công tác xét tuyển sẽ xảy ra tình trạng thí sinh ảo do một thí sinh có thể đăng ký hai trường, mỗi trường hai ngành trong đợt một. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu cho biết: Thực tế nhà trường rất lo về tình trạng hồ sơ ảo, đây là bài toán phức tạp và nan giải. Tỷ lệ hồ sơ ảo sẽ rất cao, có thể lên tới 50% nên khó xác định bởi các trường xét tuyển theo nhiều hình thức. Trong khi đó, PGS, TS Trần Văn Tớp thì cho rằng, ngay cả nhóm GX được thành lập cũng chỉ giảm được số thí sinh ảo chứ tình trạng ảo vẫn xảy ra. Bởi nếu thí sinh chỉ ĐKXT trong nhóm GX sẽ không xảy ra tình trạng ảo nhưng theo quy định thì thí sinh vừa có thể ĐKXT một trường trong nhóm GX vừa có thể đăng ký một trường ngoài nhóm, cho nên việc tính toán, xác định mức độ ảo cũng có khó khăn. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải Nguyễn Văn Lâm cũng cho rằng, năm 2016 chắc chắn lượng hồ sơ ảo sẽ tăng hơn năm 2015 do thí sinh được đăng ký hai trường trong đợt một, vì thế rất khó lường.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại Đinh Văn Sơn, sẽ có tình trạng hồ sơ ảo, nhưng mỗi trường sẽ phải có giải pháp khắc phục riêng. Tại Trường ĐH Thương mại hồ sơ ĐKXT sẽ được tổng hợp, sau đó phân tổ theo phổ điểm, phân tổ theo chuyên ngành thí sinh ĐKXT để dự báo tình trạng ảo. Thí dụ, với nhóm hồ sơ dưới 19 điểm, số lượng ảo sẽ rất ít và chỉ dự báo là chiếm 5%; nhóm hồ sơ có mức điểm từ 20 đến 22 điểm sẽ có số lượng ảo cao, dự báo từ 20% đến 30%; số nhóm hồ sơ từ 22 điểm trở lên, tỷ lệ ảo lại càng lớn, có thể lên tới 30% - 40%... Xác định như vậy vì theo nguyên tắc điểm càng cao thì mức độ ảo càng nhiều do thí sinh có nhiều cơ hội đỗ vào những trường tốp cao hơn Trường ĐH Thương mại. Việc tổng hợp dự báo sẽ giúp trường đưa ra được điểm chuẩn xét tuyển chính xác, giảm được tình trạng thí sinh ảo.
Thứ trưởng GD và ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thí sinh ảo cho nên Bộ mới khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm. Học sinh nộp hồ sơ vào nhóm trường (thí dụ như nhóm GX) để xét tuyển sẽ giảm đáng kể tình trạng ảo. Những trường không tuyển sinh theo nhóm thì cần dự báo tình hình để xử lý tình trạng ảo cho phù hợp. Ngoài ra, ngay sau khi kết thúc thời gian ĐKXT, các trường sẽ tải toàn bộ dữ liệu ĐKXT của trường mình về để xử lý. Bộ GD và ĐT thống kê ra những ngành, trường thí sinh đăng ký để giúp các trường phán đoán được thí sinh trúng tuyển sẽ học trường nào để từ đó trường quyết định ngưỡng điểm chuẩn cho phù hợp với các ngành. Năm nay Bộ GD và ĐT cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Vì vậy nếu đợt đầu tuyển không đủ chỉ tiêu thì đợt sau có thể hạ điểm chuẩn để tuyển tiếp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Các trường cũng không phải chờ đến khi thí sinh nhập học mới biết được số lượng thí sinh chính thức vào học trường mình mà chỉ năm ngày sau khi công bố kết quả nếu thí sinh không nộp giấy báo kết quả thi (hạn chót là hết ngày 19-8) thì xem như không nhập học và trường tuyển bổ sung, như vậy sẽ giúp các trường xét tuyển thuận lợi.
MAI XUÂN THÚY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét