Trang

23 thg 8, 2016

Rèn kỹ năng sống cho học sinh

Thứ Ba, 23/08/2016, 04:10:24
 Font Size:     |        Print
 

Học sinh học tại Hệ thống chương trình giáo dục quốc tế cho trẻ em City Smart được đưa đến siêu thị học cách làm kinh tế và sử dụng tiền.
 Font Size:     |  
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) yêu cầu các trường phổ thông chú trọng việc nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường kỹ năng sống (KNS) cho học sinh. Tuy nhiên, tại các trường từ mầm non đến THPT hiện chưa có giáo viên chuyên trách cũng như chưa có chương trình, giáo án cụ thể về dạy KNS. Vì vậy, tại Hà Nội đã có hàng trăm trung tâm KNS được mở ra. Thực trạng này đang đặt ra những vấn đề đáng bàn.
Phòng như lớp học mầm non
Nhiều phụ huynh cho biết, việc tìm kiếm các trung tâm dạy KNS hiện nay khá đơn giản. Chỉ cần máy tính có kết nối in-tơ-nét là trong vòng vài giây có thể tìm thấy hàng trăm trung tâm tại Hà Nội. Chúng tôi đã đến Học viện KNS Ames ở quận Long Biên và nhận thấy một số phòng học giống như lớp học của trường mầm non tư thục với nhiều học sinh ở các độ tuổi khác nhau. Học sinh ngồi quây quần dưới nền nhà và chơi một số đồ chơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Một số phụ huynh có con đang theo học cho biết, học viện cũng giống như một nhà trẻ tư nhân. Gia đình đọc trên mạng và nghe giới thiệu thấy hay cho nên xin cho con theo học. Chị Đặng Thị Kim Oanh, quản lý Học viện KNS Ames cho biết: Sự ra đời của học viện cũng vì nhu cầu của phụ huynh học sinh. Tại học viện, các con được giáo viên của trung tâm có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài dạy các KNS theo chương trình, tài liệu của Mỹ gồm: Chương trình sinh tồn (sau một khóa học, học sinh đã tự tin, biết ứng phó nguy hiểm khi gặp mưa to, thú dữ, thoát hiểm trong thang máy...); chương trình thiết yếu (tăng cường khả năng giao tiếp, suy nghĩ, phản biện; đồng thời, dạy học sinh biết cách làm kinh tế, tiêu tiền hiệu quả...). Qua thống kê, chương trình sinh tồn hiện có khoảng hơn 100 học sinh theo học và hơn 100 học sinh học chương trình thiết yếu. Ngoài ra, học viện còn thường xuyên tổ chức các hoạt động dã ngoại để học sinh có một số trải nghiệm như biết đốt lửa, cắm trại và nhận biết một số con vật nuôi quen thuộc ở nông thôn... Học phí cho 10 buổi học là 2,5 triệu đồng.
Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở vật chất của học viện nêu trên rất sơ sài. Ban đầu học viện được mở ra với mục đích dạy tiếng Anh nhưng sau đó đã chuyển sang dạy KNS. Thực tế cho thấy, dạy KNS cho học sinh là dạy những kỹ năng thiết yếu nhằm giúp học sinh nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm; biết tránh những nguy hiểm và không gây nguy hiểm cho người khác... Tuy nhiên, học viện lại chú trọng tổ chức các hoạt động dã ngoại như đi du lịch và dạy tiếng Anh, âm nhạc, hội họa; phần KNS chỉ chiếm thời lượng rất hạn chế, như vậy đã đúng với chức năng hoạt động?
Cần sự chủ động của nhà trường và phụ huynh
Đề cập việc nâng cao KNS cho học sinh tại các trung tâm, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên (Sở GD và ĐT Hà Nội) Kiều Văn Minh khẳng định, qua thống kê, Hà Nội có 27 cơ sở được cấp phép về dạy KNS. Các trung tâm hoạt động theo quy định và đều phải được cấp phép theo Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28-2-2014 của Bộ GD và ĐT ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế và tìm kiếm trên in-tơ-nét, các quận nội thành đều có hàng chục trung tâm “mọc lên”, nhất là tại các khu chung cư xây mới. Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo và cần khắc phục.
Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh có thể đưa con đến học tại các trung tâm KNS nhưng gia đình, nhà trường phải đóng vai trò chủ đạo; tránh việc “thả nổi” hoạt động này. Nhìn chung, KNS của học sinh hiện nay rất hạn chế, trong khi nhiều hoạt động về KNS, các trường có thể lồng ghép giảng dạy thông qua các bài học trên lớp. Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) Nguyễn Thị Hiền cho biết: Yêu cầu đầu tiên để rèn KNS cho học sinh là thông qua các giờ dạy, các bài học hằng ngày; tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thực tế, có nhiều kỹ năng học sinh có thể học được ở gia đình và trường học. Học sinh Thủ đô hiện còn thiếu và yếu kỹ năng về sự tự tin, phản biện, kỹ năng tự phục vụ... Vì thế, việc giáo dục học sinh phải kết hợp nhiều yếu tố chứ không chỉ trong nhà trường, chưa kể hiện nay nhà trường cũng chưa có chương trình, giáo án.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội: Bộ GD và ĐT chỉ nói tăng cường KNS cho học sinh là chưa đủ mà còn cần trang bị cho các em cả những kiến thức về giá trị sống. Giá trị sống là có tình yêu thương, có sự tôn trọng, khoan dung trong khi KNS chỉ thể hiện những nhận thức bằng những việc làm cụ thể. Hiện nay Hà Nội có những trung tâm giúp cho học sinh nâng cao giá trị sống, KNS rất tốt nhưng phụ huynh phải đóng khá nhiều tiền. Vì vậy, giá trị sống, KNS phải đem vào trong nhà trường giảng dạy; các trung tâm chỉ hỗ trợ học sinh ở những kỹ năng còn yếu, thiếu chứ không thể làm thay. Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải được tập huấn về giá trị sống, KNS. Các trường cần xây dựng chương trình giúp học sinh thực hiện từng bước để chuyển từ nhận thức sang hành vi. Đồng thời, cũng cần xác định đây là nhiệm vụ giáo dục để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện; tránh “thả nổi” vì cho rằng chưa có giáo án, giáo trình... Có như vậy, mới nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường giá trị sống, KNS cho người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét