Chủ Nhật, 21/02/2016, 21:34:02
Font Size: |
Font Size: |
Hằng năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thường xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, nhất là học sinh vùng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do các em mải vui chơi lễ hội, phụ giúp gia đình, thậm chí có nơi học sinh còn bị lôi kéo, dụ dỗ đi lao động kiếm tiền. Rút kinh nghiệm từ những năm học trước, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) các tỉnh, thành phố đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để học sinh đến trường đầy đủ, ổn định tình hình học tập.
Lớp vắng sau Tết
Sau dịp nghỉ tết Nguyên đán, số lượng học sinh trở lại lớp của các trường ở các xã vùng sâu, vùng cao của tỉnh Lai Châu luôn thấp hơn so với ngày thường, trung bình chỉ khoảng 85%. Đó là thực trạng phổ biến bởi những ảnh hưởng của phong tục tập quán và thói quen sinh hoạt lâu đời của bà con. Đến Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Pì, xã Nậm Pì (Nậm Nhùn), mặc dù lịch học đã bắt đầu được cả tuần nhưng chỉ có hơn 60% số học sinh đến lớp. Cùng thầy giáo Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, đến bản Pề Ngài 1, Pề Ngài 2 cách trường học khoảng 35 km, có gần 50 học sinh nhưng số em đến lớp chưa được một phần hai. Mặc dù trước đó, các giáo viên chủ nhiệm đã đến vận động nhưng vì học sinh vẫn không đến lớp cho nên thầy Hiệu trưởng phải trực tiếp đi vận động và nhờ trưởng bản Giàng A Thành cùng đi. Qua trao đổi với ông Sùng A Lử, phụ huynh của học sinh Sùng A Sểnh về việc đưa em trở lại trường học, ông cho biết: “Mấy hôm trước các thầy giáo cũng lên, bảo đưa con xuống học rồi, nhưng thương con quá, nó đi học suốt, ít về cho nên muốn cho ở nhà ăn rằm với mình xong rồi lại đi học. Sểnh bảo chưa muốn ra trường cho nên mình mới không đưa nó đi”. Trưởng bản Giàng A Thành thành thật: Việc các cháu không ra lớp sau mỗi lần nghỉ lễ, Tết dài ngày, phần vì học kém ngại đến trường, phần vì mải chơi hoặc phải giúp bố mẹ đi làm nương. Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp như cháu Sểnh là do phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học hành của con cái. Vì vậy, các cháu mới không muốn trở lại trường sau nghỉ Tết.
Rời Nậm Nhùn, gặp thầy Nguyễn Công Thương, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tà Tổng (huyện Mường Tè), cho hay: Đến thời điểm này, học sinh của trường cũng mới chỉ ra lớp được hơn 70%, tỷ lệ này đã cao hơn so với mọi năm. Thầy Thương cho biết: Ở bậc THCS, học sinh nhà trường đã là lao động chính trong gia đình, vì vậy không chỉ dịp này mà vào các dịp mùa vụ khác, tỷ lệ học sinh đến lớp đều đặn cũng giảm vì các em phải ở nhà phụ giúp gia đình. Hơn nữa, do ảnh hưởng của phong tục, nhận thức một bộ phận học sinh ở lứa tuổi này đã biết hẹn hò, thậm chí đã có gia đình riêng… cũng ảnh hưởng đến việc đi học sau mỗi dịp nghỉ dài ngày nhất là nghỉ hè và nghỉ Tết.
Đến tỉnh Đác Lắc, Chánh Văn phòng Sở GD và ĐT Trương Thức cho biết, nhìn chung tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, một số trường học ở vùng sâu, vùng khó khăn, tình trạng học sinh vắng mặt, bỏ học vẫn xảy ra. Nguyên nhân do các em theo cha mẹ về quê ăn Tết chưa kịp lên; một số em học lực yếu, bị lưu ban dẫn đến chán nản, ngại đi học, cho nên ở nhà phụ giúp gia đình lao động, sản xuất. Đáng lo ngại là một số học sinh người dân tộc thiểu số bị dụ dỗ bỏ học đi lao động ở các tỉnh phía nam… Ở buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao (huyện Lắc) học sinh bỏ học đi lao động trái phép tại thành phố Hồ Chí Minh đang là vấn đề đáng báo động. Tình trạng này xảy ra mấy năm, gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và giáo viên nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Bà H’Nhăm, cộng tác viên chăm sóc, bảo vệ trẻ em buôn Dơng Guôl, buồn rầu: Năm nay trong buôn có bốn em (từ 13 đến 14 tuổi) bỏ học vào thành phố Hồ Chí Minh làm may. Tuy nhiên, sau khi vào các cơ sở may mặc làm việc được một thời gian ngắn, các em đã tìm cách quay trở về. Em H’Linh (sinh năm 2002), vừa trốn về nhà, còn chưa hết lo sợ, kể: Trong những ngày Tết, có một người đến buôn dụ dỗ em và một số bạn trong buôn bỏ học vào TP Hồ Chí Minh làm việc tại các cơ sở may mặc. Họ bắt chúng em làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya mới được nghỉ, nhiều lúc chịu không nổi, bị chủ cơ sở la mắng. Giờ em xin đi học trở lại chứ ở nhà không biết làm gì.
Trong khi đó, dù theo lịch học của địa phương, học sinh chưa phải đến trường nhưng Trưởng phòng GD và ĐT huyện Đồng Văn (Hà Giang) Trần Đăng Khoa lo lắng: Mấy năm trước, sĩ số học sinh đến trường sau Tết ở khối THCS chỉ đạt 75%. Nguyên nhân là sau Tết, người dân vùng cao bắt đầu làm đất, trồng cây vụ xuân, những học sinh lớn tuổi thường phải ở nhà một thời gian để phụ giúp công việc gia đình. Cá biệt, có học sinh theo bố mẹ đi làm ăn xa ngay sau Tết, hàng tháng mới về. Đối với bậc học mầm non, tiểu học, việc duy trì sĩ số học sinh sau Tết luôn bảo đảm. Không chỉ ở Đồng Văn, các huyện vùng cao khác, như Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sĩ số.
Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu, xã Ea Bar (Buôn Đôn, Đác Lắc) trong giờ học.
Nỗ lực giúp học sinh đi học đều đặn
Việc học sinh bỏ học hoặc đi học không chuyên cần sau Tết Nguyên đán luôn là nỗi lo của các thầy giáo, cô giáo. Vì vậy, nhiều giải pháp đã được các cơ sở giáo dục đưa ra. Những ngày này, giáo viên tại huyện vùng cao Đồng Văn (Hà Giang) đã có mặt tại trường để đi đến từng thôn, gõ cửa từng nhà vận động học sinh đi học. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Cường, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sủng Trái, từ quê vượt gần 300 km để có mặt ở trường sớm hơn thời hạn được nghỉ năm ngày. Nhận kế hoạch nhà trường phân công, thầy Cường phối hợp Bí thư Đoàn xã vào thôn Sủng Trái B, đến từng nhà học sinh để tuyên truyền, vận động. “Gõ cửa từng nhà, gặp bằng được học sinh để chuyện trò thân tình, uống với chủ nhà chén rượu đầu Xuân thì bà con mới đồng ý cho con đi học đúng lịch” - thầy Cường chia sẻ. Không chỉ các thầy giáo, cô giáo, Chủ tịch UBND xã Sủng Thài (Yên Minh, Hà Giang) Hùng Minh Hải dẫn chứng: Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, UBND xã họp triển khai kế hoạch vận động học sinh đến trường; phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ phụ trách thôn phải phối hợp giáo viên, bí thư chi bộ, các trưởng thôn xuống từng hộ có học sinh THCS để vận động, đề nghị phụ huynh ký cam kết cho con em mình đến trường học đúng lịch.
Chánh Văn phòng Sở GD và ĐT tỉnh Đác Lắc Trương Thức cho biết: Đến thời điểm này, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về tình trạng học sinh vắng mặt, bỏ học sau Tết Bính Thân, nhưng qua kiểm tra thực tế các huyện, trường học trên địa bàn tỉnh thì tình trạng học sinh bỏ học sau Tết giảm mạnh. Bởi ngay từ trước Tết, Sở đã có văn bản chỉ đạo phòng GD và ĐT trên địa bàn chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp để giảm tình trạng học sinh bỏ học sau Tết. Theo đó, nhiều cơ sở giáo dục đã có kế hoạch hạn chế tình trạng học sinh bỏ học ngay từ trước Tết, như: kiểm tra, duy trì sĩ số lớp học, nền nếp dạy và học của trường, thực hiện các giải pháp động viên, khuyến khích học sinh đi học đều... Giám đốc Sở GD và ĐT Lai Châu Đỗ Văn Hán chia sẻ, tỷ lệ học sinh đến lớp sau Tết thấp là tình trạng phổ biến, không thể tránh được. Vì vậy, trên cơ sở học sinh tựu trường đầu năm học sớm từ tháng tám, Sở cho phép các đơn vị chủ động khung kế hoạch thời gian năm học, linh động, tùy theo vùng miền, dân tộc để xây dựng kế hoạch nghỉ Tết và trở lại trường cho phù hợp. Miễn sao phải bảo đảm cứng theo khung chương trình, thời gian kết thúc năm học và thời gian thi, kiểm tra hết học kỳ. Ngoài ra, để thu hút học sinh đến trường sau mỗi đợt nghỉ dài, nhất là nghỉ Tết, Sở chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ vào dịp đầu năm mới để học sinh hứng thú hơn khi trở lại trường sau thời gian nghỉ học dài ngày…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét