Thứ ba, 06/10/2015 - 03:59 AM (GMT+7)
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật (TKT) tại bậc học phổ thông, những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) phối hợp Tổ chức Catholic Relief Services (CRS) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai dự án “Tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho TKT thông qua công nghệ thông tin”. Dự án khi triển khai thí điểm mặc dù gặp một số khó khăn nhưng bước đầu đã đem lại kết quả khá tốt.
Trẻ khuyết tật thường xuyên gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập, nhiều em phải bỏ học giữa chừng. Hiện nay, việc triển khai giáo dục hòa nhập cho TKT ở nước ta mặc dù được chú trọng nhưng cũng có nhiều thách thức và rào cản cần tháo gỡ. Một trong các nội dung hoạt động của dự án là xây dựng mô hình giáo dục từ xa (GDTX). Thông qua dự án, từ tháng 6-2012 đến nay, cả nước có 42 cơ sở giáo dục ở mười tỉnh, thành phố có học sinh khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị tham gia mô hình GDTX.
Quảng Bình là địa phương triển khai thí điểm khá sớm mô hình GDTX cho TKT. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Lê Thủy Trạch, Phòng Giáo dục trung học (Sở GD và ĐT Quảng Bình) cho biết: Toàn tỉnh có ba trung tâm nuôi dạy TKT và ba hội người mù đã tham gia thí điểm mô hình GDTX với tổng số 220 em. Sau một thời gian triển khai, phần lớn học sinh học môn Tin học đã làm quen với các bộ phận máy vi tính; sử dụng khá thành thạo in-tơ-nét để tìm kiếm thông tin và biết soạn thảo văn bản. Với môn Ngữ văn, học sinh nắm được cấu trúc của từ, câu trong văn bản, sử dụng đúng các loại dấu chấm câu.
Mặc dù được hỗ trợ một phần kinh phí, nhưng, trong quá trình triển khai, nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu máy vi tính, trang thiết bị dạy học. Hội Người mù Quảng Bình phải mượn địa điểm; cơ sở Hội Người mù TP Đồng Hới và Hội Người mù huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phải thuê địa điểm tổ chức học tập cho TKT. Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ tại các hội người mù chưa được đào tạo nghiệp vụ sư phạm; một số giáo viên dạy hòa nhập chưa sử dụng thành thạo ngôn ngữ ký hiệu; chưa có sự thống nhất ngôn ngữ ký hiệu ở một số cơ sở giáo dục cho TKT. Trong khi đó, ở một số trường có học sinh học hòa nhập, quỹ thời gian giáo viên dành cho học sinh khuyết tật chưa nhiều vì phải giảng dạy cho các học sinh bình thường khác.
Em Nguyễn Thị Chúc, học sinh khiếm thị, Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm (Hội Người mù Hải Dương) nêu cảm nhận: Thông qua mô hình và sự giúp đỡ của thầy giáo, em đã học được rất nhiều điều, có thể tự vào trang tin điện tử giáo dục hòa nhập tìm những bài học khi cần; trước đây điều đó là không thể. Chia sẻ về mô hình GDTX sau khi được tập huấn, cô giáo Đoàn Thị Thanh Huyền, Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm (Hội Người mù Hải Dương) đề nghị: Mô hình cần được nhân rộng ở các khối lớp để TKT ở Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung để TKT giảm bớt khó khăn, thiệt thòi và cảm nhận được sự quan tâm, thương yêu, chia sẻ của mọi người.
TP Hồ Chí Minh là một trong mười địa phương triển khai thí điểm mô hình GDTX cho TKT. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy vọng (quận 8) cho biết: Nhà trường đã và đang triển khai cho học sinh lớp 5 học băng hình bài giảng Elearning, đồng thời triển khai chương trình học từ xa đối với lớp 6. Nội dung băng hình lớp 5 đủ ý, rõ ràng, sinh động. Riêng phần minh họa, nội dung qua ngôn ngữ ký hiệu, giáo viên chỉ cần giảng qua là học sinh có thể nắm bắt được. Trong khi đó, đối với chương trình GDTX của lớp 6, học sinh tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu khó khăn hơn vì các em là học sinh hòa nhập, thường xuyên học tập ở nhà. Tôi mong muốn dự án nhân rộng chương trình GDTX đối với học sinh lớp 3, 4; cấp THCS thêm lớp 7.
Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ GD và ĐT Nguyễn Trọng Hoàn đánh giá: Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều TKT không thể đến trường vì điều kiện khó khăn, xa trường, nhiều trường không có giáo viên và tài liệu giáo dục chuyên biệt. Mô hình GDTX với bài học Elearning cùng đội ngũ chuyên gia giáo dục chuyên biệt, tư liệu hướng dẫn... cho phép tất cả các trường học có thể tiếp nhận và dạy học cho TKT. Qua đó, TKT có thể lựa chọn theo học tại các cơ sở giáo dục gần nhất mà không nhất thiết phải đến trung tâm giáo dục chuyên biệt ở xa nơi cư trú.
Đánh giá những kết quả tích cực mà dự án đem lại, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Để phát huy kết quả và duy trì tính bền vững của dự án, Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD và ĐT) cần phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng các bài học GDTX cho TKT ở các môn và các khối lớp; tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên. “Trên tinh thần vì quyền lợi của TKT, các địa phương trong cả nước cần khắc phục khó khăn, chủ động áp dụng kết quả của dự án vào các hoạt động giáo dục hòa nhập để tạo dựng môi trường tiếp cận giáo dục công bằng và chất lượng cho TKT”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.
Có thể thấy rằng, dự án nói trên là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã tạo điều kiện thuận lợi cho TKT có cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, để hiện thực hóa và nhân rộng dự án, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và toàn xã hội.
“Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giáo dục cho TKT là một hướng đi đúng đắn, nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh, học viên là người khuyết tật. Các đơn vị, cá nhân tham gia thí điểm đều nhất trí và cam kết ủng hộ, sẵn sàng tổ chức thí điểm trên diện rộng và mong rằng, các ứng dụng công nghệ thông tin sớm được triển khai trên toàn quốc”.
QUÝ TÙNG
(Theo Nguồn Bộ GD và ĐT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét