Trang

4 thg 10, 2015

Liệu có sự “đào thải” trường yếu sau tuyển sinh ?

Thứ tư, 30/09/2015 - 10:05 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Tân sinh viên làm thủ tục vào ở ký túc xá Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: MAI QUÝ TÙNG
Tân sinh viên làm thủ tục vào ở ký túc xá Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: MAI QUÝ TÙNG
Theo lịch tuyển sinh 2015, các trường đại học (ĐH) sẽ kết thúc xét tuyển vào ngày 20-10, các trường cao đẳng (CĐ) kết thúc ngày 21-11. Tuy nhiên, đến nay, công tác tuyển sinh đã cho thấy sự phân định rõ năng lực khi có trường dễ dàng tuyển đủ chỉ tiêu nhưng lại có trường vẫn “khát” thí sinh.
Cạnh tranh bình đẳng
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), công tác xét tuyển năm 2015 đã tạo cơ hội bình đẳng cho các vùng miền, nhất là vùng khó khăn; nâng cao tính cạnh tranh giữa các trường ĐH, CĐ để góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao và hạn chế tiêu cực phát sinh. Việc “thi trước, tuyển sau” năm nay tạo thêm sự tự tin cho những thí sinh học tốt ở các vùng vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vào các trường ĐH “tốp trên”, phù hợp mức điểm đã đạt được. Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ cũng cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để thu hút học sinh giỏi. Theo số liệu thống kê, năm 2015, các trường ĐH, CĐ xác định xét tuyển hơn 647 nghìn chỉ tiêu gồm hơn 516 nghìn chỉ tiêu xét tuyển trên cơ sở lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia; hơn 130 nghìn chỉ tiêu xét tuyển trên cơ sở học bạ THPT theo đề án tuyển sinh riêng. Trong số chỉ tiêu tuyển sinh, có gần 397 nghìn chỉ tiêu ĐH và hơn 250 nghìn chỉ tiêu CĐ. Kết quả hai đợt tuyển sinh, đến ngày 15-9 cho thấy các trường ĐH, CĐ đã xét trúng tuyển gần 555 nghìn thí sinh, đạt tỷ lệ 85,74% chỉ tiêu (trong đó hệ ĐH tuyển được 97,6%, hệ CĐ tuyển được 63,21% so với chỉ tiêu); cao hơn năm 2014 xét tuyển được 78,9% so với chỉ tiêu.
Đáng chú ý, đối với phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia ở 443 trường ĐH, CĐ đã tuyển được gần 464 nghìn thí sinh, đạt 89,75% so với chỉ tiêu; trong đó các trường ĐH xét tuyển được gần 392 nghìn chỉ tiêu; các trường CĐ xét tuyển được 71,6 nghìn chỉ tiêu. Kết quả tuyển sinh của các trường cho thấy khối ngành công an, quân đội, y dược có kết quả tuyển sinh tốt nhất; tiếp đến là khối ngành kỹ thuật, kinh tế, sư phạm và tài chính - ngân hàng. Đối với nhóm ngành nông -lâm - ngư khó tuyển sinh hơn, chỉ một số trường có uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, cơ sở vật chất tốt và nằm trên các địa bàn thuận lợi có kết quả tuyển sinh tốt. Riêng đối với phương thức tuyển sinh theo học bạ THPT, 194 trường ĐH, CĐ đã xét tuyển được 75,4% chỉ tiêu.
Nhiều trường vẫn “khát” thí sinh
Mặc dù số lượng xét tuyển so với chỉ tiêu đạt khá cao, tuy nhiên, đến ngày 29-9, cả nước vẫn còn 10 trường ĐH và 22 trường CĐ thông báo xét tuyển hàng chục nghìn chỉ tiêu. Một số trường còn số lượng chỉ tiêu xét tuyển lớn như: Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung 600 chỉ tiêu; Trường ĐH Công nghệ Đông Á 800 chỉ tiêu; Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội 600 chỉ tiêu; Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì 500 chỉ tiêu ĐH và 150 chỉ tiêu CĐ; Trường ĐH Sao Đỏ xét tuyển 700 chỉ tiêu ĐH và 350 chỉ tiêu CĐ; Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP Hồ Chí Minh 900 chỉ tiêu; Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội 7.960 chỉ tiêu...
Theo một số chuyên gia, việc một số trường khó khăn trong tuyển sinh là xu thế cần thiết trong phát triển giáo dục ĐH. Kết quả tuyển sinh cũng phản ánh rõ đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường; bước đầu tạo ra sự phân tầng chất lượng các trường ĐH, CĐ, không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Nếu thí sinh xác định được trường phù hợp với điểm thi của mình sẽ không còn tình trạng thí sinh điểm cao bị trượt, thí sinh điểm thấp hơn đỗ ĐH, CĐ như những năm trước đây. PGS, TS Nguyễn Văn Nhã (Trường ĐH Nguyễn Trãi) cho rằng: Đến năm 2020, có thể có hàng loạt trường ĐH, CĐ bị “phá sản”. Đấy là con đường tất yếu do những bất hợp lý từ cơ chế, chính sách, mức học phí, uy tín của trường, chất lượng đội ngũ. Dù không phải tiêu chí duy nhất nhưng mức chất lượng đầu vào đã thể hiện sự tồn tại như thế nào của các trường. Như vậy, trong cuộc cạnh tranh bình đẳng, khách quan, nếu các trường không có giải pháp thật sự hữu hiệu, đáp ứng được yêu cầu xã hội thì sẽ không thể tồn tại. Trong khi đó, PGS, TS Lê Hữu Lập (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) nhìn nhận: Thực tế hiện nay đào tạo ra nhiều nhưng thất nghiệp cũng không ít do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chất lượng đào tạo quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Vì vậy, nhiều phụ huynh, thí sinh không còn tâm lý “cứ đi học rồi ra trường tính sau” nữa mà đã có tính toán xem nên học trường nào để bảo đảm khi ra trường dễ tìm kiếm việc làm. Cho nên, trường ĐH, CĐ nào không bảo đảm chất lượng đào tạo sẽ không thu hút được thí sinh. Với cách làm như một số trường hiện nay chắc chắn sẽ không thể nâng cao chất lượng được. Trong tuyển sinh năm 2015, quy chế đã “mở” hết mức khi thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT cũng có thể đỗ ĐH nhưng nhiều trường vẫn không thể tuyển sinh. Như vậy, đây là xu thế hợp lý trong phát triển giáo dục ĐH, cần “đào thải” những trường chất lượng kém.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chắc chắn sẽ có xu hướng “đào thải”, sáp nhập trong giáo dục ĐH. Muốn nhanh thì cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp để “cơ cấu” lại cho hợp lý, bảo đảm chất lượng. Nếu không thì trong quá trình hoạt động, các trường sẽ tự “đào thải” ra khỏi hệ thống. Mặt khác, kết quả tuyển sinh năm nay cũng cho thấy, việc các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng cần được xem xét kỹ càng. Nếu không, các trường xác định chỉ tiêu quá cao, trong khi thực tế lại không tuyển sinh được.

GIANG SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét