Thứ năm, 17/09/2015 - 09:39 PM (GMT+7)
Những ngày này, khi các trường đại học (ĐH) tổ chức đón các tân sinh viên và bắt đầu năm học mới cũng là lúc những nhọc nhằn, lo lắng về kinh phí học tập lại đè nặng lên vai nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều sinh viên khi vừa bước vào năm học mới đã nỗ lực mưu sinh, vừa làm vừa học.Các khoản thu “bủa vây”Tiền trường khi nhập học là cả một gánh nặng đối với không ít gia đình có con em theo học ĐH. Chia sẻ với chúng tôi, em Trịnh Văn Duẩn vừa nhập học vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Quê ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên), bố bỏ đi từ khi em còn nhỏ, Duẩn bị tàn tật với chứng bệnh máu không đông. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cho nên khi từ quê ra Hà Nội nhập học, Duẩn chỉ có 500 nghìn đồng mang theo. Trong khi đó, nhà trường yêu cầu, khi nhập học tạm đóng 1,7 triệu đồng. Vì vậy, em đành phải quay về quê. Sau đó, mẹ Duẩn bán hàng rong ở TP Hồ Chí Minh cóp nhặt, chạy vạy và vay của những người lao động cùng cảnh ngộ để lo tiền cho em nhập học. Sau hơn nửa tháng Duẩn lại từ quê ra nhập học và đóng học phí hết 1,2 triệu đồng, tiền ở ký túc xá 1,75 triệu đồng. Tạm qua được “cửa” nhập học nhưng em lại đang phải điều trị bệnh ở Viện Huyết học truyền máu T.Ư. Mặc dù có bảo hiểm y tế chi trả nhưng nỗi lo tiền học vẫn canh cánh trong lòng. Duẩn cho biết, trước đây gia đình em được công nhận hộ nghèo nên được miễn giảm một số thứ nhưng gần đây, chính quyền địa phương cho rằng mẹ em không còn sinh hoạt ở quê cho nên không công nhận hộ nghèo nữa. Cuộc sống với gia đình em càng trở nên nhọc nhằn, vất vả hơn. Cánh cửa ĐH đã mở ra với Duẩn nhưng con đường trở thành cử nhân công nghệ thông tin vẫn còn quá xa với hoàn cảnh của em.
Không chỉ có Trịnh Văn Duẩn mà có hàng chục nghìn gia đình đang phải chạy vạy lo tiền cho con học ĐH. Chỉ cần xem qua số tiền khi nhập học của một số trường cũng có thể thấy, với nhiều gia đình là một gánh nặng. Không chỉ nộp tiền học phí mà các tân sinh viên còn phải đóng góp nhiều khoản phụ phí khác. Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, sinh viên nhập học ngoài khoản học phí tạm thu học kỳ thứ nhất (năm tháng) từ 5,5 triệu đến 19,75 triệu đồng (tùy theo ngành và phương thức đào tạo), sinh viên còn phải nộp tiền của sáu loại phí khác với số tiền 1,6 triệu đồng; đó là chưa kể tiền ăn ở, sinh hoạt sau khi nhập học. Trong khi đó, sinh viên nhập học tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh phải nộp các khoản gồm: Học phí học kỳ một năm học 2015 - 2016, tạm thu từ bốn đến 12 triệu đồng (tùy theo ngành). Ngoài ra, còn có các khoản thu khác như giáo trình, tài liệu học tập dùng chung từ 150 nghìn đồng đến 450 nghìn đồng; tài liệu nhập học đầu khóa, thẻ sinh viên, sổ tay sinh viên, tài liệu hướng dẫn 180 nghìn đồng; khám sức khỏe 35 nghìn đồng; bảo hiểm y tế (bắt buộc) 544 nghìn đồng; bảo hiểm tai nạn 24/24 và bảo hiểm nằm viện phẫu thuật (tự chọn) 200 nghìn đồng trong 24 tháng… Đáng chú ý, trên trang thông tin điện tử của Trường đại học FPT thông báo mức tiền khi nhập học của các tân sinh viên khá “khủng”. Vì chỉ tính riêng phí đăng ký nhập học là 4,3 triệu đồng và học phí học tiếng Anh dự bị là hơn 9,7 triệu đồng…
Vừa học vừa mưu sinh
Tiền trường luôn là gánh nặng cho nên với không ít các sinh viên, để có thể có được tấm bằng ĐH phải lựa chọn nhiều giải pháp vượt qua khó khăn, vừa học, vừa kiếm tiền mưu sinh. Tại quán cà-phê trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), chúng tôi gặp em Nguyễn Phương Nam, ở Kiến Xương (Thái Bình) đang nhanh chân dọn dẹp bàn ghế, dắt xe cho khách vào quán. Nam cho biết, đã nhận được giấy báo trúng tuyển và chỉ còn ít ngày nữa sẽ nhập học, chính thức trở thành tân sinh viên ngành cơ điện tử của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Bố mất từ khi mới bốn tuổi, mẹ làm công nhân và làm thêm ít ruộng đồng nuôi hai anh em ăn học. Vì vậy, đời sống kinh tế gia đình Nam khá khó khăn. Để chuẩn bị cho hành trình học ĐH phía trước, ngay sau khi thi xong THPT quốc gia, từ tháng bảy đến nay, Nam ở lại Hà Nội phụ bán cà-phê để kiếm tiền chuẩn bị mua sách vở, trang trải chi phí học tập. Hằng ngày, Nam làm việc từ 6 giờ 30 phút sáng đến 11 giờ 30 phút đêm. Theo thông báo của nhà trường, khi nhập học, ngoài học phí sẽ phải nộp gần chục khoản gồm tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, thẻ sinh viên, thẻ thư viện, sổ tay sinh viên, khám sức khỏe. Ngoài ra, sinh viên còn phải lo tiền giáo trình, tiền ăn, ở… cho nên cũng tốn cả chục triệu đồng. Nam khoe vừa lĩnh lương một tháng được ba triệu đồng mang về đưa mẹ và cảm thấy rất vui. Sau này đi học em sẽ vừa đi học, vừa đi làm thêm để lo tiền trọ, ăn uống, học tập. “Vì ở nhà mẹ làm lụng vất vả chắc cũng không đủ tiền để gửi lên nuôi em ăn học”, Nam chia sẻ.
Không chỉ những tân sinh viên, nhiều sinh viên năm thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng nhọc nhằn vừa học tập vừa mưu sinh. Bước vào năm học mới, căn phòng ký túc xá nhỏ hẹp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền dường như đã quá quen thuộc với Nguyễn Thị Thu Dung, sinh viên năm thứ tư Khoa Báo chí, quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngay từ năm thứ nhất Dung đã “xung phong” vào ở ký túc xá, bởi một điều thật đơn giản: Tiền mẹ cho chỉ đủ để trích ra 200 nghìn đồng tiền ở mỗi tháng. Dung cho biết, hằng tháng mẹ gửi cho 700 nghìn để trang trải cuộc sống sinh viên. Mọi chi phí ăn, ở, sinh hoạt giữa đất Hà Nội thứ gì cũng đắt đỏ. Tuy nhiên, “để có được số tiền như vậy cho em ăn học, mẹ ở quê luôn phải làm quá giờ trưa, tối” - Dung ngậm ngùi chia sẻ. Hoàn cảnh gia đình Dung cũng khó khăn khi bố mất sớm, cả gia đình ba chị em trông chờ vào tiền làm phụ hồ xây dựng của mẹ ở quê. Trong khi đó cả ba chị em đều ở tuổi ăn, tuổi học. Ý thức rõ điều đó, cho nên kết thúc buổi học, cô sinh viên có dáng người nhỏ bé lại tranh thủ đi làm thêm với đủ mọi việc, như chạy bàn ở quán ăn hoặc đi làm gia sư… Mỗi tháng, Dung cũng kiếm được từ một đến 1,5 triệu đồng. Dù số tiền không lớn nhưng việc vừa học vừa làm cũng giúp Dung giảm bớt nỗi lo “thiếu trước hụt sau” trong cuộc sống sinh viên và giảm bớt gánh nặng tiền ăn học của mấy chị em trên đôi vai mẹ.
Có thể nói, khi muốn theo đuổi ước mơ, những sinh viên đến từ các miền quê nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn… đều có chung một điểm, đó là sự đam mê học tập, ý chí quyết tâm vươn lên bằng chính nội lực của mình. Nhiều trường ĐH cũng tổ chức các hoạt động giúp đỡ sinh viên. Điển hình như Trường ĐH Kinh tế quốc dân thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ việc làm cho sinh viên; liên hệ với các doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng để giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận việc làm. Hay Trung tâm hỗ trợ sinh viên (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngoài việc giành các suất học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, hằng năm cũng tổ chức chương trình ngày hội việc làm thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia. Riêng năm 2014 đã có hơn 70 sinh viên tìm kiếm được việc làm, phần nào giúp sinh viên vừa trải nghiệm thực tế vừa giảm bớt khó khăn trong trang trải học tập. Dù vậy, trên thực tế cứ mỗi khi năm học mới đến vẫn có hàng chục nghìn sinh viên nhọc nhằn, vất vả trên con đường hoàn thành tấm bằng ĐH.
XUÂN KỲ, QUÝ TÙNG và THÚY QUỲNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét