14 thg 5, 2015

Ðề xuất năm tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa mới

Thứ sáu, 08/05/2015 - 01:17 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Ngày 7-5, Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực công bố dự thảo bộ tiêu chí đánh giá và quy trình biên soạn sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới. Việc xây dựng bộ tiêu chí nêu trên là cơ sở khoa học quan trọng để các tác giả tham khảo, dựa vào đó biên soạn sách. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng thuận lợi hơn khi thẩm định, phê duyệt SGK.
Dự thảo nêu trên được thiết kế thành năm phần: Khái niệm SGK, các chức năng cơ bản của SGK, mô hình lý thuyết SGK, cấu trúc văn bản SGK, tiêu chí đánh giá SGK. Trong đó, điểm quan trọng được nêu trong dự thảo là đề xuất năm tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SGK mới, gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; cung cấp nội dung kiến thức; hỗ trợ phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh; cấu trúc văn bản SGK; trình bày văn bản SGK. Nội dung SGK đáp ứng yêu cầu của giai đoạn giáo dục cơ bản là bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thật sự cần thiết; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp phù hợp năng lực, nguyện vọng và chủ động chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông.
GS, TS Ðinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng: Việc xây dựng bộ tiêu chí nhằm giúp các tác giả tham khảo, dựa vào đó biên soạn SGK. Mặt khác, tiêu chí còn là cơ sở khoa học để các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Ðồng thời, các trường sư phạm, giáo viên, học sinh, phụ huynh, những người quan tâm dễ dàng lựa chọn SGK phù hợp.
Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD và ÐT Ðoàn Văn Ninh, việc triển khai đổi mới chương trình, SGK phổ thông hiện nay cần tập trung vào những công việc cụ thể. Ðó là, xây dựng chương trình, tổ chức góp ý kiến rộng rãi, tổ chức thẩm định. Ðây là yêu cầu bắt buộc mà Chính phủ đã chỉ đạo, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới SGK lần này. Trong đó, cần xây dựng chương trình trước để làm cơ sở biên soạn SGK, phấn đấu chậm nhất đến tháng 6-2016 sẽ có được một chương trình hoàn chỉnh. Thực hiện mục tiêu có một chương trình, nhiều SGK, ngay sau khi có chương trình mới, các tác giả sẽ biên soạn sách, tài liệu hướng dẫn dạy học. Tài liệu đó sẽ làm cơ sở cho giáo viên thực hiện biên soạn SGK một cách dễ dàng, khoa học, hấp dẫn.
Bộ GD và ÐT phấn đấu sáu tháng sau khi chương trình mới được ban hành vào tháng 12-2016, sẽ có bộ tài liệu hướng dẫn dạy học. Bộ GD và ÐT cũng đặt ra mốc thời gian và phấn đấu đến tháng 12-2017 sẽ hoàn thành bộ SGK có đầy đủ các môn học của lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Sau đó, Bộ GD và ÐT sẽ "chạy" thử nghiệm bộ sách này và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để có thể chính thức áp dụng từ năm học 2018-2019; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các trường phổ thông để bắt tay ngay vào xây dựng chương trình, SGK. Bộ GD và ÐT sẽ huy động đông đảo, rộng rãi lực lượng xã hội trong nước và ngoài nước cùng tham gia biên soạn.
Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận nội dung sang việc phát triển năng lực, phẩm chất người học là xu thế tất yếu. Chủ trương xây dựng một chương trình, nhiều SGK cũng là một việc làm mới. Vì vậy, Bộ GD và ÐT mong muốn các nhà giáo, nhà khoa học phát huy tính sáng tạo, đóng góp những ý kiến tâm huyết vào dự thảo bộ tiêu chí đánh giá và quy trình biên soạn SGK; nghiên cứu, tìm hiểu mối liên hệ giữa chương trình và SGK trong việc thúc đẩy quá trình dạy và học để thu được kết quả cao hơn.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét