24 thg 2, 2015

Tháo gỡ vướng mắc tâm lý cho học sinh

Thứ ba, 24/02/2015 - 02:28 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Nhiều học sinh, sinh viên mong muốn có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo.
Nhiều học sinh, sinh viên mong muốn có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) xác định, giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh (HS) là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, nhằm phát triển toàn diện về "đức, trí, thể, mỹ" cho các em. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp đã tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý HS với nhiều biểu hiện đáng lo ngại, nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Thực tế cho thấy, một bộ phận HS hiện nay thường xuyên vi phạm các nội quy của nhà trường như: trang phục không phù hợp, đầu tóc chưa gọn gàng; sử dụng điện thoại di động trong giờ học, thiếu chuyên cần; thái độ trong học tập, kiểm tra, thi cử chưa nghiêm túc; nói tục, chửi thề, vô lễ với thầy giáo, cô giáo... Đáng chú ý, có những HS "nghiện" các trò chơi điện tử, thường xuyên gây gổ, đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông... Một trong những nguyên nhân cơ bản là do công tác tổ chức hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý cho HS ở các nhà trường chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, nhiều trường học, nhiều giáo viên còn nặng về "dạy chữ", chưa quan tâm đến việc "dạy người" hoặc thiếu kinh nghiệm trong giáo dục, xử lý các tình huống về đạo đức của HS.
Mặt khác, do nhận thức sai lệch, không ít giáo viên cho rằng, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên các bộ môn: Ngữ văn, Giáo dục công dân, tổng phụ trách đội, bí thư đoàn thanh niên.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, ngành GD và ĐT đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những vướng mắc tâm lý cho HS. Trong đó, các cơ sở giáo dục đang từng bước đưa hoạt động tư vấn tâm lý giúp đỡ học sinh trở thành hoạt động thường xuyên.
Từ thực tiễn, cô giáo Nguyễn Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Trước đây, ở những tiết sinh hoạt, chào cờ, HS thường nghĩ giáo viên chỉ thông báo thu tiền hoặc phê bình ai đó, nhưng bây giờ được lồng ghép các hoạt động văn hóa, tư vấn rất sinh động. Nhờ đó, chất lượng giáo dục cũng như kỹ năng sống của HS đã tăng lên đáng kể.
Mặc dù, nhà trường có phòng tư vấn tâm lý nhưng thực tế rất ít HS tìm đến, cho nên giáo viên thường phải chủ động tiếp cận các em. Hiện, hơn 90% số HS sử dụng mạng xã hội để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn.
Khi giáo viên vào mạng xã hội thì thấy được ở đó rất nhiều chia sẻ, từ chuyện gia đình, tình cảm lứa đôi và cả những ý định dại dột nào đó có thể xảy ra. "Do vậy, điều tôi muốn chia sẻ là các nhà trường không nên đòi hỏi phải có tiền, có phòng tư vấn ngay nếu như không thường xuyên để ý đến các em. Nếu chúng ta ngồi một chỗ rồi chờ các em đến tư vấn có lẽ khi đó mọi chuyện đã trở nên nghiêm trọng"- cô giáo Nguyễn Phương Anh nhận định.
Dưới góc nhìn quản lý, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà cho rằng: Thực tế có HS trầm cảm, tự tử khi buồn chán chuyện gia đình, học tập, kể cả khi bị thầy, cô giáo phê bình. Vì vậy, Sở GD và ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hội thảo về các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý cho HS. Ngành giáo dục Hải Phòng xác định và đề cao vai trò người đứng đầu, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm vì thường xuyên ở bên cạnh HS nên hiểu được các em nghĩ gì, cần gì.
Vấn đề cần giải quyết là các thầy, cô giáo nhận diện được hết về sự lệch chuẩn đạo đức, lối sống, thờ ơ, ích kỷ, thiếu kỹ năng của HS hiện nay để có giải pháp tháo gỡ. Đáng chú ý, trong các hoạt động tháo gỡ vướng mắc tâm lý cho HS, TP Hồ Chí Minh đã sớm xây dựng được đội ngũ giáo viên chuyên trách và kiêm nhiệm qua tập huấn, đào tạo bài bản. Theo Trưởng phòng Công tác HS, SV (Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Minh: Từ năm 2008, sở đã tham mưu UBND thành phố tuyển dụng chính thức giáo viên phụ trách công tác tư vấn học đường. Ngoài ra, sở phối hợp một số trường đại học, Hội Tư vấn tâm lý TP Hồ Chí Minh đào tạo đội ngũ tư vấn; tổ chức các hoạt động tập huấn. Đến nay, các cơ sở GD và ĐT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không chỉ có phòng tư vấn tâm lý mà còn tuyển được hơn 114 giáo viên tư vấn chuyên trách và 863 giáo viên tư vấn kiêm nhiệm; hình thành sự phối hợp giáo viên tư vấn với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để giáo dục HS hiệu quả.
Những HS chưa ngoan được chuyển qua cho giáo viên tư vấn để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm đưa ra các giải pháp tư vấn, tháo gỡ vướng mắc cho các em. Phó Vụ trưởng Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD và ĐT) Bùi Văn Linh nhận định: Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến đạo đức, lối sống của HS hiện nay. Đời sống tinh thần, tâm lý HS ngày càng phong phú, tuy nhiên mỗi khi gặp sự cố lại không biết cách giải quyết. Học sinh thường vào mạng xã hội chia sẻ với bạn bè thân thiết, không chia sẻ với gia đình hoặc thầy giáo, cô giáo, cho nên việc nắm bắt tâm lý trong HS còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số nhà trường mặc dù đã thành lập phòng tư vấn tâm lý nhưng hoạt động chưa hiệu quả; nhiều nơi còn khó khăn về cơ sở vật chất cho nên khó bố trí được phòng tư vấn tâm lý riêng. Vì vậy, trong các năm học, Bộ GD và ĐT luôn yêu cầu các nhà trường tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho HS thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện, khả năng của các em. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nội dung "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực"; hoàn thiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống có văn hóa và rèn luyện năng lực thực hành cho HS.
Kết quả khảo sát gần đây của Bộ GD và ĐT cho thấy, 93,57% số HS khi được hỏi đều gặp phải khó khăn cần chia sẻ trong học tập và đời sống. Nhiều HS mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân.
(Nguồn: Bộ GD và ĐT)
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét