26 thg 11, 2014

Nhọc nhằn cõng “con chữ” lên non

Thứ tư, 26/11/2014 - 02:46 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Học sinh điểm lẻ bản Háng Đồng C, Trường Tiểu học Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Quý Tùng)
Học sinh điểm lẻ bản Háng Đồng C, Trường Tiểu học Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Quý Tùng)

NDĐT - Mỗi lần lên vùng cao tôi đều có những trải nghiệm nhưng không phải sự trải nghiệm nào cũng thú vị. Đó là hình ảnh về những em học sinh thiếu quần, áo ấm ngồi co ro trong lớp học; ăn măng ớt thay cơm, canh của các em đôi khi là nước đun sôi để nguội. Với cô giáo, để kịp giờ lên các bản xa xôi dạy học, nhiều cô phải “đem” con đến cổng trường từ sớm tinh mơ, phải đi bộ hàng chục cây số khi xe hỏng hoặc gặp cơn mưa bất chợt…
Sơn La mùa này bước vào giá lạnh, sương mù luôn phủ kín các triền đồi cao. Anh cán bộ trẻ Mùi Trình công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên), dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực tế về đời sống thầy giáo, cô giáo cũng như điều kiện học tập của học sinh ở một số xã vùng cao đặc biệt khó khăn.
Trước khi khởi hành, anh Trình đã chuẩn bị đầy đủ áo mưa, bơm và đồ vá săm xe. Điểm chúng tôi đến đầu tiên là xã Tà Xùa (Bắc Yên), địa danh nổi tiếng có chè Tà Xùa thơm ngon nức tiếng, được đồng bào người Mông trồng trên các triền đồi cao.
Tà Xùa là xã đặc biệt khó khăn nhưng so với các xã đặc biệt khó khăn khác thì được gọi là “vùng thuận lợi hơn”. Từ trung tâm huyện vào xã Tà Xùa khoảng hơn 10 km nhưng chúng tôi phải đi hơn một giờ đồng hồ do nhiều đoạn đường khó đi, bị bong tróc, sạt lở nghiêm trọng.
Học sinh các cấp (từ mầm non đến THCS) 100% là người dân tộc Mông, nhiều em đi bộ đến trường hơn 10 km, gồm ba bản: Bản Trò A, Bản Trò B và Bản Bẹ. Do trình độ dân trí còn thấp cho nên chất lượng dạy và học ở đây còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn học sinh có học lực trung bình. Khó khăn lớn nhất của giáo viên ở đây là vận động học sinh ra lớp và tìm phương pháp dạy mới giúp các em hứng thúc học tập, để đọc thông, viết thạo.
Đến Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tà Xùa (điểm trường chính), chúng tôi gặp bốn cô giáo đi ủng, mặc áo mưa, tay chống gậy đi về. Đây là bốn cô giáo được tăng cường lên điểm lẻ bản Tà Xùa C, cách điểm trường chính hơn 4 km.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lò Thị Thơm (dân tộc Thái) chia sẻ: Những ngày này thời tiết hay mưa, đường trơn, sương mù dày đặc cho nên các cô phải đi bộ. Từ ngày dạy học ở các xã vùng cao, cô giáo Thơm cũng như nhiều thầy giáo, cô giáo khác trên xe lúc nào cũng có “bộ đồ nghề” bơm, vá xe máy.
Các cô cho biết, khổ nhất những hôm trời lạnh, xe “bệnh nặng” phải dắt bộ dưới cơn mưa tầm tã. Các cô giáo mong muốn nhà nước tạo điều kiện đi lại để giáo viên, học sinh bớt vất vả hơn.
Trong thời gian ở Bắc Yên, điều chúng tôi băn khoăn, thắc mắc là sự “khan hiếm” giáo viên “tại chỗ”. Tìm “đỏ mắt”, chúng tôi gặp được thầy giáo Thào A Sáy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tà Xùa. Thầy giáo Thào A Sáy là người dân tộc Mông, đã tham gia giảng dạy 19 năm, trong đó chín năm làm hiệu phó. Thầy được ghi nhận là người đầu tiên của xã tham gia vào sự nghiệp “trồng người”.
Thầy bộc bạch, giáo viên là người ở xã ít lắm, kể cả các bậc học khác. Theo thầy giáo Sáy, giáo viên tại chỗ sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác giảng dạy vì gần gia đình, đi lại thuận tiện, không bị hỏng xe, hay thủng săm xe phải dắt bộ như các thầy giáo, cô giáo nơi khác đến dạy học… Thầy giáo Sáy mong muốn mỗi trường, mỗi cấp học có từ năm giáo viên là người dân tộc.
Khác với bậc học tiểu học, THCS, các cô giáo ở bậc mầm non luôn đóng vai trò như một người mẹ. Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn (Trường mầm non Tà Xùa) cho biết: Được sự quan tâm của huyện Bắc Yên cho nên cô được dạy học ở nơi thuận lợi hơn so với chồng để có điều kiện chăm lo gia đình. Cô giải thích, tỉnh Sơn La có quy chế, nếu hai vợ chồng công tác trong ngành giáo dục thì vợ hoặc chồng sẽ được dạy học ở nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Để kịp giờ đi dạy học, cô Hoàn thường xuyên thức dạy từ sớm, cho con nắm xôi bảo đứng ở cổng trường chờ đến giờ vào lớp.
Theo cô giáo Hoàn, là giáo viên mầm non sẽ vất vả hơn giáo viên ở các cấp học khác vì bất đồng ngôn ngữ, dạy các cháu cần tỷ mỷ, trong khi phụ huynh lại chưa quan tâm nhiều đến các cháu. Nhiều cháu đến trường đầu tóc bù xù, quần áo không đủ ấm. Cứ đầu tuần các cháu ăn ngon, ăn nhiều vì hai ngày cuối tuần ở nhà không có gì ăn. Điều đáng nói các cháu có thể ăn măng ớt thay cơm một cách ngon lành. Đây có lẽ là hình ảnh mà những người ở dưới xuôi hoặc vùng miền khác không nghĩ là có thật. Bây giờ có trường bán trú các cháu tuy đỡ khổ hơn nhưng nhà trường chỉ chăm sóc, cho các cháu ăn được một bữa chính trong ngày.
Ở Tà Xùa cứ 5 giờ 30 phút là tối. Vì vậy, những cô giáo sau khi dạy học xong phải nhanh chóng về nhà. Theo cô giáo Hoàn, không gặp chồng có thể khắc phục được nhưng không về đón được con thì đúng là khó khăn lớn.
Cô giáoTrần Thị Thắng, Trường mầm non Măng Non (Hang Chú, Bắc Yên), được ghi nhận là giáo viên đi dạy học ở nơi xa xôi, vất vả. Trường cô giáo Thắng dạy cách nhà 86 km, trong đó hơn 30 đường đất, trời mưa phải đi bộ. Cô cho biết: Từ ngày lên Hang Chú dạy học (cách đây ba năm), được sự yêu mến của nhân dân, nhiều người cũng quan tâm cho bát gạo, quả bí ngô khi mưa bão các cô không về nhà lấy thức ăn được.
Nếu thời tiết ủng hộ, sau một tuần dạy học, cô giáo Thắng lại trở về nhà chăm sóc gia đình, chuẩn bị thức ăn cho tuần công tác mới, một phần san sẻ với các em học sinh.
Cô Thắng bộc bạch, ở Hang Chú những ngày này thời tiết rất lạnh, các con không có nhiều quần áo ấm mặc. Thương nhất khi thường xuyên chứng kiến hình ảnh các con ăn cơm với măng ớt.
Theo cô giáo Thắng, mầm non mỗi cháu một tháng được nhà nước hỗ trợ 120 nghìn đồng, nhiều phụ huynh không hiểu lấy tiền đó về nhưng không mua thức ăn cho các con. Do đó, nhà trường phải vận động nhân dân, các cô cũng chủ động mua thức ăn nấu cho các cháu.
Với những nỗ lực vượt khó đóng góp cho ngành giáo dục, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), cô giáo Thắng được vinh danh là giáo viên tiêu biểu huyện Bắc Yên.
Kết thúc chuyến công tác, điều chúng cảm nhận được là mặc dù điều kiện dạy và học, điều kiện đi lại, sinh hoạt còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng bằng sự yêu nghề mến trẻ, các thầy giáo, cô giáo vùng cao đã vượt qua những rào cản ấy để bám lớp, bám trường.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét