24 thg 9, 2014

Bắt buộc thi Ngoại ngữ: Bộ cần sớm hướng dẫn cụ thể

Thứ ba, 23/09/2014 - 02:29 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Học sinh Trường THPT nội trú Bắc Cạn.
Học sinh Trường THPT nội trú Bắc Cạn.

Năm 2015, tại kỳ thi THPT quốc gia, Ngoại ngữ được quy định là môn thi bắt buộc nhằm giúp học sinh tích cực học và nâng cao trình độ Ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.
Tuy nhiên, do việc học Ngoại ngữ ở các địa phương không đều nhau, Bộ GD và ĐT quy định những học sinh, học viên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng dạy và học thì không bắt buộc.
Khi cả tỉnh có hai giáo viên đạt chuẩn 
Tỉnh Bắc Cạn có 86% số dân là người dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế - xã hội chưa phát triển đã tác động trực tiếp đến GD và ĐT nói chung, trong đó có việc dạy và học Ngoại ngữ nói riêng.
Toàn tỉnh hiện có 15 trường THPT với tổng số 75 giáo viên dạy Ngoại ngữ (tiếng Anh). Phần lớn các giáo viên đều tốt nghiệp đại học, nhưng đến nay, chỉ có hai giáo viên tại Trường THPT chuyên Bắc Cạn đạt chuẩn theo Đề án dạy Ngoại ngữ của Bộ GD và ĐT.
Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Cạn Đoàn Văn Hương thừa nhận: Trên địa bàn tỉnh chỉ có Trường THPT chuyên Bắc Cạn có giáo viên và phòng học Ngoại ngữ đạt chuẩn, các trường còn lại mặc dù đủ giáo viên nhưng không đạt chuẩn và không có phòng học.
Một số trường có phòng học Ngoại ngữ, nhưng trên thực tế thiết bị cũng thiếu, không đồng bộ, hoặc bị hư hỏng. Học sinh lớp 12 của tỉnh hiện nay gần 2.500 em, phần lớn là người dân tộc thiểu số, cư trú ở những địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10% thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ, chủ yếu ở khu vực trung tâm thị xã Bắc Cạn.
Năm 2014-2015, tỉnh Bắc Cạn thực hiện thí điểm Đề án dạy Ngoại ngữ mười năm tại ba trường phổ thông, gồm: Tiểu học Đức Xuân (thị xã Bắc Cạn), THCS Bắc Cạn và THPT chuyên Bắc Cạn.
Ba trường này được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập môn Ngoại ngữ và bố trí giáo viên có trình độ đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Cạn cũng tiếp tục đưa đội ngũ giáo viên dạy Ngoại ngữ đi đào tạo, tập huấn, dự thi giáo viên đạt chuẩn. Tuy nhiên, ngân sách địa phương eo hẹp, cơ sở vật chất cũng như việc dạy và học không đồng bộ.
Về kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức năm 2015, Phó Giám đốc Đoàn Văn Hương kiến nghị: Bộ GD và ĐT cần sớm ban hành văn bản, hướng dẫn cụ thể về điều kiện được thay thế môn thi Ngoại ngữ cũng như sớm có hướng dẫn triển khai phương án kỳ thi THPT quốc gia cụ thể.
Sớm xây dựng Trung tâm đánh giá Ngoại ngữ quốc gia 
Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD và ĐT) Trần Văn Nghĩa cho biết: Vấn đề cho phép học sinh chọn môn thi thay thế trước đây chúng ta đều thực hiện (trừ năm 2014 vì Ngoại ngữ là môn tự chọn). Việc chọn môn thi thay thế không có gì mới. Bộ GD và ĐT chỉ ban hành quy định chung, công việc cụ thể và lựa chọn như thế nào là việc của các sở GD và ĐT.
Những thí sinh không nằm trong diện được lựa chọn môn thi thì phải thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Theo ông Trần Văn Nghĩa, điều kiện dạy và học không bảo đảm thể hiện ở các khía cạnh như: Giáo viên dạy môn Ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn năng lực Ngoại ngữ và phương pháp dạy học; việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ; nhà trường ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trang thiết bị dạy học, thực hành chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học... Vì vậy, những nhà trường chưa đủ điều kiện cần tập trung cố gắng đáp ứng điều kiện tối thiểu dạy học Ngoại ngữ để học sinh được dự thi Ngoại ngữ trong các năm sau. Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Giám đốc Sở GD và ĐT báo cáo Bộ GD và ĐT để quyết định.
Cũng theo ông Trần Văn Nghĩa, bắt buộc là lựa chọn chung, còn cho thay thế là trong điều kiện rất cụ thể. Những tỉnh có điều kiện khó khăn, điều kiện dạy và học không bảo đảm chắc chắn sẽ có nhiều đối tượng được chọn môn thi thay thế. Việc quy định Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc sẽ có lợi cho học sinh nhưng không nhiều lắm. Các em có nguyện vọng vào các trường đại học (có ngành đào tạo thuộc khối D) thì chỉ cần thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, còn khối A, B phải thi thêm một môn. Lợi thế này nhằm khuyến khích các em học tốt Ngoại ngữ hơn. Thực tế cho thấy, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc học Ngoại ngữ thường đều hơn các tỉnh khác vì bảo đảm các điều kiện cần thiết và người học đã xác định được Ngoại ngữ có lợi cho công việc sau này. Vì vậy, vấn đề lựa chọn môn thi thay thế giữa các tỉnh cũng đa dạng, nơi nhiều, nơi ít.
Theo phương án kỳ thi THPT quốc gia, những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD và ĐT sẽ được xem xét miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp. Trước những băn khoăn về việc có thể nảy sinh việc mua chứng chỉ Ngoại ngữ ở "chợ đen", ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Những chứng chỉ ở Việt Nam, Bộ GD và ĐT chưa khẳng định đơn vị nào cấp thì được công nhận vì trên thực tế có quá nhiều chuyện tiêu cực.
Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang xây dựng Trung tâm đánh giá Ngoại ngữ quốc gia có nhiệm vụ tổ chức thi và cấp chứng chỉ Ngoại ngữ. Theo lộ trình, Trung tâm đánh giá Ngoại ngữ quốc gia ban đầu sẽ tổ chức thi hai lần/năm, tiến tới thi quanh năm.
"Những chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận phải đạt chuẩn quốc tế như TẻIC, TẻFL, IELTS; những chứng chỉ khác thì Bộ GD và ĐT đang bàn và sẽ công bố trong thời gian tới".
TRẦN VĂN NGHĨA, Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục
QUÝ TÙNG VÀ THẾ BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét