16 thg 6, 2014

Hứng thú, hiệu quả với đề mở

Thứ ba, 17/06/2014 - 03:30 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi Trường THPT Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: DUY LINH
Tính đến thời điểm này, cả nước đã cơ bản hoàn thành công tác chấm thi và công bố kết quả tốt nghiệp THPT năm 2014. Ðánh giá bước đầu cho thấy, các thí sinh đã tiếp cận và làm khá tốt đối với đề thi mở. Ðó là tiền đề đổi mới chương trình dạy và học cũng như tổ chức thi hiệu quả hơn những năm sau.
Bảo đảm tiến độ chấm thi
Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hòa Bình, Nguyễn Quang Vinh cho biết: Sở GD và ÐT Hòa Bình thực hiện đúng theo hướng dẫn chấm của Bộ GD và ÐT. Trong hội đồng chấm thi, tổ phách, tổ chấm và tổ chấm trắc nghiệm được cách ly tuyệt đối. Nguyên tắc là chấm hai vòng độc lập và chấm kiểm tra 7% bài tự luận.
Ðể bảo đảm tiến độ cũng như sự nghiêm túc, Sở GD và ÐT Bắc Giang thành lập hội đồng phách, hội đồng chấm thi riêng. Bài thi của thí sinh sau khi rọc phách được chuyển cho hội đồng chấm. Hai hội đồng này sẽ được cách ly hoàn toàn cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.
Từ ngày 9-6, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc Nguyễn Phú Sơn cho biết: Qua đánh giá, đề thi các môn xã hội năm nay tập trung vào kiểm tra năng lực, kỹ năng tư duy, đọc hiểu của học sinh để giải quyết một số vấn đề đặt ra trong quá trình học tập và thực tế. Ðiều này tránh được tình trạng học sinh chỉ cần học thuộc đề cương là làm được bài, nếu không sẽ để giấy trắng. Năm nay do có hai môn thi theo hình thức tự chọn, tỉnh đã điều động cán bộ, giáo viên chấm thi phù hợp. Cũng theo ông Nguyễn Phú Sơn, việc đổi mới tưởng chừng giảm số lượng cán bộ chấm thi, nhưng thực chất vẫn phải huy động đủ giáo viên ở tám môn thi, "gây lãng phí tại một số môn thi tự chọn".
Tại tỉnh Bắc Cạn, việc chấm thi vẫn diễn ra bình thường. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Bắc Cạn kiêm Chủ tịch hội đồng chấm thi Ðoàn Văn Hương cho biết: Trong khi các tỉnh, thành phố có ít học sinh đăng ký thi môn Lịch sử và Ðịa lý thì tại Bắc Cạn lại có đến 1.524 em thi môn Lịch sử (chiếm 50%); môn Ðịa lý có gần 2.600 em dự thi, chiếm hơn 75%. Sở GD và ÐT Bắc Cạn yêu cầu các giáo viên chấm thi nghiên cứu kỹ đáp án, thống nhất phương pháp chấm điểm, thống nhất cách chấm để việc cho điểm không quá chênh lệch.
Thí sinh làm bài tốt với đề thi mở
Phó Giám đốc Sở GD và ÐT kiêm Chủ tịch hội đồng chấm thi tỉnh Hòa Bình Ðặng Quang Ngàn cho biết: Ðánh giá bước đầu cho thấy, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt khoảng 97%; học sinh đỗ loại khá, giỏi tăng hơn so với năm ngoái. Năm nay điểm thi hai môn bắt buộc của thí sinh trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Ðáng chú ý, đối với môn Ngữ văn, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các thành viên chấm thi chủ động chấm điểm mở. Phần lớn các em đều làm bài tốt, thể hiện được sự nhận thức chính trị thông qua việc học tại trường cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho nên cơ bản đạt điểm cao.
Sở GD và ÐT TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy sự linh hoạt trong hướng dẫn chấm thi, nhất là các bài viết có cảm xúc, sáng tạo. Thầy giáo Trịnh Ðình Tĩnh, giáo viên môn Ngữ văn, nhận định: Ở phần I, câu 1 và câu 2, giáo viên chấm khá thuận lợi vì đáp án đã nêu rõ. Câu 3 khó chấm hơn vì là một vấn đề mở và thí sinh được quyền bày tỏ chính kiến nên người chấm điểm cũng phải có kiến thức, hiểu rõ sự việc đã và đang diễn ra trên Biển Ðông.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT TP Ðà Nẵng Nguyễn Minh Hùng nhận định: Năm nay, chất lượng các bài thi của học sinh ở Ðà Nẵng tuy mức độ khác nhau, nhưng các em viết theo đúng yêu cầu đề ra. Phần lớn bài thi đạt điểm trên trung bình, điểm "liệt" rất ít. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Nguyễn Minh Hùng cũng cho rằng, thông qua các bài thi, chúng tôi khẳng định, không phải môn gì bắt buộc thi thì môn ấy được yêu thích và có tác dụng giáo dục.
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Lịch sử là môn thi bắt buộc, nhưng tình trạng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường không hẳn đã khả quan. Năm nay, phần lớn thí sinh ở Ðà Nẵng không chọn môn Lịch sử không phải vì sợ mà đơn giản vì số học sinh thi khối C rất ít. "Vì vậy, thật khó nếu chúng ta chỉ nhìn điểm số, tỷ lệ các môn xã hội mà kết luận rằng, chất lượng dạy học tốt hay không tốt, các em yêu hay ghét môn học. Do đó, cách ra đề, đáp án, cách thức tổ chức kỳ thi năm nay chắc chắn sẽ có tác động đến điểm số và chất lượng bài thi, kỳ thi".
Trong khi đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD và ÐT) Nguyễn Lê Huy cho biết: "Qua theo dõi những ngày chấm thi, các giám khảo chưa phát hiện bài thi nào để giấy trắng, nội dung các bài thi đều đạt được những yêu cầu đề ra". Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch hội đồng chấm thi tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Thị Hòa cho rằng, thay vì có đáp án như mọi năm, năm nay thí sinh chỉ cần bảo đảm không vi phạm đạo đức và không vi phạm pháp luật thì đều được thống nhất cho điểm. Các em có xu hướng thi khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý) thường có bài viết nhiều cảm xúc, trong khi đó các em thi khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) triển khai vấn đề lại khá lô-gích.
Tỉnh Bến Tre cũng đã hoàn thành công tác chấm thi. Thầy giáo Nguyễn Minh Chí, tổ trưởng chấm thi môn Lịch sử cho biết: Năm nay, các môn xã hội có hơn 90% số bài thi đạt điểm trung bình trở lên, đặc biệt có nhiều bài thi đạt điểm 10. Phần lớn các bài làm của học sinh thể hiện rõ được thái độ của người viết đúng với chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước về tình hình Biển Ðông. Tại tỉnh Long An, cô giáo Huỳnh Thị Băng Tâm, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Hùng Vương nhận xét: Với nội dung mang tính thời sự về biển đảo trong phần đọc hiểu, phần lớn các thí sinh đều trả lời khá đầy đủ các ý chính mà đáp án yêu cầu. Trong bài làm, các em đều thể hiện được tinh thần yêu nước của mình và mong muốn đóng góp trí tuệ cho Tổ quốc.
Ðến tối 16-6, có 46 đơn vị hoàn thành báo cáo nhanh kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của 46 tỉnh, thành phố đối với giáo dục THPT là 99,01% (năm 2013 là 98,97%); giáo dục thường xuyên là 86,97% (năm 2013 là 78,08%). Kết quả thi phản ánh những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT; làm thay đổi nhận thức về dạy học, thi, kiểm tra đánh giá; khắc phục tình trạng học đối phó và sử dụng "phao thi" và tác động mạnh vào nhận thức của học sinh trong việc định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT...
(Nguồn: Bộ GD và ÐT)
NHÓM PV KHOA GIÁO VÀ PVTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét