Trang

13 thg 11, 2012

Dạy và học ở một vùng đảo


ND - Con tàu 155 mã lực nhẹ nhàng lướt trên mặt biển từ cảng Cái Rồng đến đảo Bản Sen. Qua gần chục năm lái tàu với những niềm vui, nỗi buồn theo từng con sóng nhưng điều ấn tượng nhất với thuyền trưởng tàu số 02 Nguyễn Quang Tuấn là những ngày đầu và cuối năm học. Trong sự ồn ào của khách hàng đi tàu đến có tiếng tíu tít của các em học sinh vào bờ đến lớp học, mang niềm vui cho vùng biển đảo Vân Ðồn (Quảng Ninh).
Gian nan con chữ giữa trùng khơi
Sáng chớm hè, cái nắng dường như đến sớm hơn trên biển. Xen lẫn những chiếc tàu thuyền đánh bắt cá đang tấp nập cập bến Cái Rồng là những chiếc tàu chở khách đến các đảo nhỏ trên biển của huyện Vân Ðồn. Trên con tàu số 02 nhẹ nhàng lướt sóng, thầy giáo Ðỗ Văn Duy, giáo viên Trường PTCS Bản Sen lại bắt đầu một tuần mới mang chữ đến với các em ở đảo nhỏ giữa biển khơi. Thời gian gắn bó với biển đảo 5 năm giúp cho thầy hiểu rõ sự nhọc nhằn vất vả "gieo chữ" nơi bốn bề sóng nước. Trên diện tích 72 km2, đảo Bản Sen là nơi hơn 240 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề biển và nghề rừng. Dù có gần 190 em học sinh tiểu học và THCS nhưng trường cũng có tới ba đến bốn điểm lẻ và vẫn còn cả lớp học nhờ.
Không chỉ ở Bản Sen, những năm gần đây, dù cây cầu Vân Ðồn thay thế cho bến phà Tài Xá nối đảo lớn Cái Bầu với đất liền, cảm giác xa xôi, cách trở khi đến trung tâm huyện đảo Vân Ðồn không còn nữa nhưng giáo dục vẫn gặp không ít khó khăn. Với đặc thù huyện đảo gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó hơn 20 đảo có người sinh sống thì sự cách biệt của trường lớp trên các đảo vẫn là bài toán khó cho việc dạy và học - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Vân Ðồn Phạm Thị Lan mở đầu câu chuyện giáo dục của huyện đảo với chúng tôi. Là một trong số ít huyện đảo của cả nước, cách TP Hạ Long gần 50km, Vân Ðồn có 68% số diện tích đất tự nhiên là rừng và đất rừng. Toàn huyện có 12 xã đều là vùng đảo, trong đó đảo Cái Bầu lớn gồm sáu xã còn lại các xã đều là các đảo nhỏ. Người dân các xã đảo và bãi ngang sinh sống không tập trung, chủ yếu làm nghề biển và rừng cho nên ảnh hưởng nhiều tới việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Ðiển hình như xã đảo Thắng Lợi, khi đến trường, các thầy giáo, cô giáo đều phải đi đò hằng ngày. Thậm chí, khi đến với điểm lẻ Bên Sông còn chưa có điện. Vào cao điểm mùa khô lại thiếu nước ngọt sinh hoạt, cho nên chuyện đem con chữ đến cho các em vất vả, khó khăn như ra khơi mùa biển động. Một số trường phân hiệu cách xa nhau cho nên sự quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, việc điều động, quản lý và giáo dục học sinh gặp nhiều khó khăn. Giáo viên của huyện đủ về số lượng song thiếu đồng bộ về cơ cấu một số môn cho nên vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu. Ðáng chú ý, vẫn còn một bộ phân dân cư chỉ chú trọng đi biển kiếm kế sinh nhai, cho nên không quan tâm nhiều đến việc học tập của con em mình. Ðiều kiện sinh sống của người dân phụ thuộc vào những chuyến tàu từ đất liền ra. Phần lớn thầy giáo, cô giáo đều từ trong đất liền ra các xã đảo dạy học.
Những thiết bị dạy học, hoặc giáo cụ trực quan phục vụ công tác giảng dạy của các giáo viên không có, chủ yếu là tự sáng tạo từ thực tiễn của các đảo. Học ở đảo nên các cháu không có điều kiện tiếp xúc thực tế nhiều. Tranh thủ giờ ra chơi của học sinh lớp học trên đảo Bản Sen, hỏi chuyện các em mới thấy sự thiệt thòi của học sinh nơi đây. Em Lừu Thị Hoa cùng nhiều học sinh khác năm nay đã lên lớp 9 nhưng những chuyến đi chơi công viên, sở thú, đi xem phim, tham quan thắng cảnh... vẫn là niềm mơ ước. Bài tập làm văn của em làm luôn phải là một sự tưởng tượng của riêng mình. Những cây đa, bến nước, sân đình, cánh én, cái cò... vốn dĩ thân quen, gần gũi với học sinh trong đất liền thì với các em ở đảo chỉ biết qua sách vở.
Thắp sáng niềm tin
"Cả bốn năm học THCS cháu đều đạt học sinh giỏi nhưng muốn đi học tiếp lại phải vào bờ học. Bố mẹ cháu đều làm ruộng không biết có cho đi học tiếp được hay không" - là những lời tâm sự của Bùi Thị Trang, học sinh lớp chín Trường PTCS Bản Sen cùng nhiều bạn học khác. Với các em, vào bờ theo học tiếp vẫn luôn là khát khao của tuổi học trò. Vừa dẫn chúng tôi thăm các điểm trường xã đảo, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Bản Sen Phạm Thị Vững trầm tư: Cũng là điều dễ hiểu vì ở đây đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Làm nghề biển thì ngày ra khơi được, ngày không. Làm nông nghiệp đất ở đảo khô cằn cấy chỉ được một vụ năng suất lúa chỉ khoảng hơn tạ/sào. Chính vì vậy, việc lo ăn, lo học cho các cháu khi vào bờ là bài toán khó giải. Trước đây, nhiều em trong độ tuổi phải lao động, cấy cày, đi biển giúp gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc thắp sáng con chữ trên mỗi đảo đã được người dân hiểu, tạo điều kiện cho con em mình theo học. Thấy chúng tôi đến hỏi thăm chuyện học hành của các cháu, vừa đi làm đồng về còn ướt đẫm mồ hôi nhưng chị Ðinh Thị Hoàn thôn Ðiền Xá (Bản Sen) vẫn không giấu nổi niềm vui, vừa rót chén trà xanh, chị vừa nói: Kể từ khi con gái chị vào học THPT Hải Ðảo chi phí ăn, học cho cháu tăng lên. Trong khi đó, cuộc sống gia đình chị chủ yếu là làm nông nghiệp. Khó khăn lắm nhưng được cái cháu chăm ngoan học giỏi nên ai cũng mừng. Gia đình cố gắng cho cháu theo học đến nay đã được gần ba năm.
Những mơ ước, nỗ lực cùng con chữ tưởng chừng như giản dị của người dân, học sinh nơi biển đảo cũng chính là những trăn trở của những người làm giáo dục Vân Ðồn. Cô giáo Hà Thị Quý ở xã Hạ Long có hơn ba năm xa gia đình gắn bó với học trò xã đảo tâm sự: Biết các em còn nhiều thiếu thốn nên các thầy cô ngày ngày nỗ lực tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh tiếp cận kiến thức hiệu quả và dễ hiểu nhất. Mỗi khi vào bờ, cô đều tranh thủ sưu tầm sách vở và giáo cụ trực quan phục vụ giờ lên lớp. Ðổi mới phương pháp giáo dục, các tiết học thực hành, thí nghiệm, hoạt động ngoại khóa được tăng cường. Khắc phục hạn chế của việc thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật, các trang thiết bị đồ dùng dạy học hiện có. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Văn Bình cho biết thêm: Ở nơi đầu sóng ngọn gió như Vân Ðồn điều trăn trở nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục là tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học. Mặc dù xây dựng trường lớp nơi biển đảo khó khăn muôn phần do không có nguyên vật liệu, đều phải chở từ đất liền ra. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp được kiên cố không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học mà còn tạo sự vững vàng, bảo đảm an toàn cho thầy và trò mỗi khi mùa mưa, bão tới. Chính vì vậy, huyện quan tâm mở rộng mạng lưới, sắp xếp quy hoạch cho phù hợp điều kiện phát triển của địa phương. UBND huyện đảo sớm tập trung đầu tư xây dựng các phân hiệu lẻ, xóa điểm trắng về giáo dục, từng bước tách trường tiểu học ra từ trường THCS, mầm non ra khỏi phổ thông để việc chỉ đạo phổ cập giáo dục có hiệu quả hơn. Chỉ tính riêng năm 2008, toàn huyện sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất thiết bị trường học với giá trị hơn năm tỷ đồng. Từ chỗ còn thiếu trường, số phòng học mượn, tạm còn nhiều thì nay giảm được đáng kể. Cả huyện đã có 29 trường học các cấp với 296 phòng học cấp bốn và kiên cố, chiếm 85% số phòng học, 24 phòng thí nghiệm, thiết bị được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đổi mới phương pháp của thầy và trò trong các nhà trường.
Giờ đây, đến với Vân Ðồn, điều dễ dàng cảm nhận được là mạng lưới trường lớp được duy trì và phát triển, trong đó có bốn trường đạt chuẩn quốc gia. Các loại hình trường phổ thông, bổ túc THCS, bổ túc THPT được thành lập và có sự linh hoạt ở cấp tiểu học, mầm non ngoài công lập, bảo đảm nhu cầu học tập của nhân dân. Ngoài ra, huyện cũng khích lệ những giáo viên có nhiều sáng kiến trong quá trình dạy và học. Ðối với những học sinh yếu, được nhà trường bồi dưỡng thêm kiến thức để các em theo kịp với chương trình. Ðáng chú ý, nhằm giảm bớt những khó khăn do dân cư sinh sống rải rác ở các đảo xa, huyện đã tổ chức phân vùng các trường theo cụm và thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận những chính sách chung về giáo dục. Tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách hỗ trợ 100 nghìn đồng cho mỗi giáo viên của xã vùng đặc biệt khó khăn. Những năm học gần đây, niềm vui lớn đối với các thầy giáo, cô giáo là các cháu trong độ tuổi đến lớp đông đủ. Vân Ðồn duy trì tốt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS từ năm 2008. Ðến những mái trường ở huyện đảo Vân Ðồn, mỗi ngày lại thấy niềm tin được thắp sáng thêm.
Bài và ảnh: Xuân Kỳ, Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét