Cấm xe máy vào |
Theo thông báo của Sở Giao thông và Công an TP Thái Bình, lệnh cấm xe ô tô, xe máy đi một chiều và các quy định khác có hiệu lực từ 1-10. Như vậy, đến nay đã hơn một tuần nhưng lệnh cấm trên đã vấp phải sự phản đối của người dân với nhiều lý do, giải thích: “không biết bị cấm, hoặc đường thông thoáng biết có biển cấm nhưng vẫn đi vì đã quen rồi”…
Hình ảnh người điều khiển xe máy vẫn “tung tăng” trên tuyến đường cấm ai ra đường cũng dễ dàng bắt gặp.
Ở một khía cạnh khác thì nhiều người ở các huyện và các tỉnh về Thái Bình do chưa nắm được thông tin cấm đi một chiều nên cũng không tránh khỏi việc đi nhầm đường cấm.
Theo thông tin chúng tôi mới cập nhật, Công an TP Thái Bình đã “gia hạn” cho người tham gia giao thông thêm một tuần, từ ngày 7 đến 14-10, nếu ai vi phạm sẽ tiến hành xử phạt theo qui định.
Trao đổi với báo chí, Thượng tá Nguyễn Minh Quang, Phó trưởng Công an TP Thái Bình cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố phối hợp với Sở Giao thông Vận tải việc phân luồng giao thông trên tuyến đường Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo. Cùng với đó là lắp đặt biển báo, biển cấm dừng, đỗ phương tiện trên một số tuyến phố.
Đây có thể nói là động thái nhằm bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn giao thông khu vực nội thành.
Ô tô cũng vào đường cấm |
Theo quan sát, đường Hai Bà Trưng chạy từ ngã tư trung tâm thành phố đến chân cầu Bo (đường đi Hải Phòng), có chiều dài hơn 1 km.
Cách đây không lâu, Sở Giao thông Vận tải đã cắm biển báo cấm xe máy lưu thông trên đường Hai Bà Trưng. Trước đó, tuyến đường này đã có biển cấm chỉ cho phép ô tô đi một chiều.
Có mặt tại ngã tư nơi giao cắt giữa đường Lý Thường Kiệt và đường Hai Bà Trưng, mặc dù đã có biển cấm, có băng- rôn hướng dẫn, nhưng nhiều người vẫn điều khiển xe máy đi vào, thậm chí có lúc cả ô tô đi vào.
Do người dân có thói quen đường cũ và thấy đường Hai Bà Trưng khá thông thoáng nên khi đi từ trên cầu Bo xuống đã bị lực lượng CSGT chặn lại giải thích. Tại tuyến đường này, vào giờ “cao điểm” của Thái Bình, sẽ có CSGT đứng chốt hướng dẫn người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nhiều người điều khiển mô tô khi bị chặn lại đã tỏ ra ngơ ngác vì không nghĩ mình đi vào đường cấm. Tại ngã tư giao cắt giữa đường Hai Bà Trưng và đường Lê Quý Đôn, hai chiến sỹ cảnh sát cũng phải thường xuyên chặn xe đi vào đường cấm, giải thích.
Do chỉ có hai điểm giao cắt có lực lượng cảnh sát đứng chốt, trong khi tuyến đường này được “thiết kế” theo kiểu “ô bàn cờ” - có nhiều đường ngang cắt qua nên xe máy vẫn “tung tăng” trên đường cấm mà không bị tuýt còi, mặc dù tại mỗi điểm giao cắt đều có biển cấm.
Hướng đường Hai Bà Trưng-Hải Phòng |
Công an TP Thái Bình cho biết thêm, việc cắm biển cấm đã được tuyên truyền thường xuyên trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình cũng như đài phát thanh các huyện, xã.
Còn với người dân thành phố và người tham gia giao thông khi chia sẻ với báo chí đều có cùng quan điểm: Thành phố làm gì có lợi cho dân và phù hợp với tình hình thực tế thì ai cũng ủng hộ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần căn cứ vào tình hình thực tế, dư luận xã hội để điều chỉnh hợp lý, tránh sự xáo trộn gây ra lộn xộn, phức tạp.
Có người thì thẳng thắn: “để giao thông không bị xáo trộn, tốt nhất TP Thái Bình không nên cấm xe máy đi một chiều vì phần lớn người dân Thái Bình đi làm ăn xa nên đường phố lúc nào cũng vắng vẻ.
Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét