Cập nhật lúc 00:48, Thứ năm, 04/10/2012 (GMT+7)
Bác Phí Văn Tinh kiểm tra sách vở của các bé.
|
Gần 10 năm trôi qua, nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Nam - Bun-ga-ri (Thái Bình) vẫn nhắc mãi câu chuyện về tấm lòng nhân hậu của ông Phí Văn Tinh ở phường Trần Lãm (TP Thái Bình). Ðó là thời điểm năm 2003, ông Tinh nhận được điện thoại của một bác sĩ bệnh viện gọi đến thông báo về trường hợp một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Rời máy điện thoại, ông vội vàng lao ngay đến bệnh viện để đón bé về nuôi và đặt tên bé là Phí Hoàng Vân Anh...
Rảo bước qua cánh cổng sắt, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thái Bình của ông Phí Văn Tinh ở ngõ 707 đường Lý Bôn, TP Thái Bình hiện ra trước mắt chúng tôi một khuôn viên đẹp và thoáng mát, với những nếp nhà khang trang bao quanh một khoảng sân rộng. Giữa sân là các loại cây cảnh, đồ chơi của trẻ con, hồ nước rộng với những đàn cá chép, trắm đang tung tăng bơi lội... Nhưng điều mà chúng tôi ấn tượng nhất là tấm biển "Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mình đã có". Dừng chân tại căn phòng học tập của các bé, chúng tôi thấy ông Tinh đang ân cần dạy bé Phí Hoàng Tuấn Anh, bốn tuổi, chơi các trò chơi về tư duy. Biết nhà có khách, Tuấn Anh không nũng nịu bố nữa mà tự chơi một mình. Ðiều đó thật hiếm có ở một đứa trẻ bị bệnh bại não. Ông Tinh tâm sự: Với những cháu như Tuấn Anh thì tôi luôn dành nhiều tình thương yêu để bù đắp sự thiệt thòi cho cháu. Hơn nữa, hạnh phúc của tôi chính là các con... Câu nói ngắn gọn, nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa của một người cha nhân hậu.
Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Tinh vừa chậm rãi kể về quãng thời gian 20 năm trước. Khi đó, ông đang công tác ở Công an tỉnh Thái Bình với cấp bậc Ðại úy. Do sức khỏe không cho phép nên năm 1992, ông đã xin về hưu. Trong một chuyến công tác về huyện Ðông Hưng, tình cờ ông bắt gặp hình ảnh một bé trai khoảng tám tuổi, tên là Mạnh đang nhặt những khẩu mía lấm đất lên ăn. Hỏi mọi người chung quanh, được biết Mạnh bị nhiễm chất độc da cam nên thường đi lang thang. Không đành lòng nhìn cảnh Mạnh phải sống lay lắt, khổ sở, ông Tinh nhờ người tắm rửa và đón em về nuôi. Qua câu chuyện cảm động đó, nhiều người biết đến tấm lòng nhân ái của ông đã giới thiệu nhiều trẻ em lang thang, mồ côi; trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở bệnh viện đến với mái ấm này... Từ đây lòng trắc ẩn, nỗi xót thương cho số phận những đứa trẻ lang thang đã khơi dậy trong ông. Chính điều đó đã khiến ông quyết định bỏ 80 triệu đồng mua mảnh đất 1 ha để thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.
Biết ông Tinh mua đất để xây trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhiều người đã ủng hộ nhiệt tình. Không lâu sau đó, trung tâm được thành lập, có gần 20 trẻ em mồ côi, lang thang. Lúc đó để bảo đảm cuộc sống cho mọi thành viên trong trung tâm, ông Tinh đã phải xoay sở rất nhiều nghề từ dệt thảm, dạy nghề may mặc, bán lương thực đến chăn nuôi gà, lợn... Số tiền thu được từ các dịch vụ này cũng giúp ông tạm đủ trang trải việc ăn học cho lũ trẻ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi năm 1996, cơn bão số 7 đổ bộ vào tỉnh đã phá tan xưởng sản xuất và mái ấm của bọn trẻ. Ðể có tiền trả nợ ngân hàng và xây dựng lại mái ấm cho các em, ông phải bán đi 7.000 m2 đất. Khi xây xong nhà mới, ông tiếp tục đón thêm nhiều trẻ lang thang về ở với mình. Ngày kỷ niệm 10 năm thành lập trung tâm, số trẻ được ông Tinh đón về nuôi đã lên đến 57 em, trong đó có sáu em bị nhiễm chất độc da cam, 21 em bị câm điếc. Ðể bảo đảm việc ăn học của các con, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những đồng nghiệp một thời với mình, ông Tinh đã thành lập công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ an ninh doanh nghiệp tại các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng... Kinh phí thu được từ dịch vụ này, một phần dùng để trả lương cho nhân viên, còn lại được dùng để phục vụ sinh hoạt cho bọn trẻ ở trung tâm.
Khẽ nheo đôi mắt trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió, người đàn ông ở cái tuổi gần 60 kể tiếp cho tôi nghe về cái duyên khi bố Tinh đón bé Phí Hoàng Vân Anh từ Bệnh viện Việt Nam - Bun-ga-ri về nuôi. Lúc mới về nhà bé khóc suốt, do đẻ thiếu tháng và thiếu cả sữa mẹ nên bé chỉ nặng 1,7 kg. Ðể tạo môi trường phù hợp cho trẻ sinh thiếu tháng, bác gái đã làm một chiếc nôi có gắn bóng điện sưởi ấm cho bé trong suốt ba tháng. Không có sữa mẹ, bác phải kết hợp cho ăn sữa ngoài và đi xin bú nhờ. Giờ đây, tất cả những nỗi nhọc nhằn đã dần vơi đi. Bởi Vân Anh đã lớn khôn và đang học lớp ba. Ðể đền đáp ơn dưỡng dục của cha mẹ nuôi, năm học nào em cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Cùng với Vân Anh, bố Tinh còn ấn tượng cậu bé Tùng, vì cậu bé này ăn rất khỏe. Lúc mới về trung tâm, Tùng được bảy tuổi và ăn 12 bát cơm/bữa. Thương con, bố Tinh thường khuyên Tùng ăn từ từ cho khỏi nghẹn. Hiện Tùng đã lập gia đình và có công việc ổn định. Không chỉ Vân Anh, Tùng, mà tất cả 251 em từng được bố nuôi nấng dưới mái ấm này, bố đều coi như con đẻ.
Không chỉ chăm sóc các con chu đáo, ông Tinh còn hướng nghiệp cho các con khi trưởng thành. Hiện ông đã xin việc cho 80 em vào Công ty may Phương Ðông, Công ty May Phương Nam ở TP Hồ Chí Minh và công ty vệ sĩ của ông. Số còn lại cũng tự lập thân, lập nghiệp và trở thành những người có ích cho xã hội... Những niềm vui đó còn được nhân lên gấp bội khi từ mái ấm này, đã có chín cặp đôi đã nên duyên vợ chồng, như cặp vợ chồng Lê Mạnh Tiến và Nguyễn Thị Nga; Phạm Thùy Nhung và Nguyễn Văn Thao...
Giờ đây, ông Tinh có rất nhiều niềm vui như: Hằng ngày được đưa đón 17 đứa con đi học; được nghe các con luôn miệng gọi hai từ "bố Tinh"; vào những ngày Tết Nguyên đán các con ở khắp nơi lại sum vầy về Trung tâm ăn Tết. Hằng tháng các anh chị đã đi làm thường gửi tiền về giúp bố nuôi các em ăn học... Tất cả những điều đó đã khắc sâu tình phụ tử của ông dành cho các con.
Bài và ảnh: TRÀ LÝ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét