Cập nhật: Thứ năm, 9/4/2009 | 12:00:00 Sáng
Ước nguyện của những mảnh đời không may mắn bị mắc "căn bệnh thế kỷ" - HIV/AIDS là một cuộc sống bình thường, hạnh phúc như bao người khác và mong gia đình, xã hội đừng kỳ thị, xa lánh... Ðược thành lập từ năm 2005, "Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I" đã và đang cho mọi người thấy được nghị lực của những người bị nhiễm HIV/AIDS là có thể sống khỏe mạnh, làm mọi việc có ích cho gia đình, cộng đồng.
|
Về thành phố Bắc Ninh, hỏi "Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I", hầu như ai cũng biết. Họ biết mô hình này không phải để xa lánh mà vì nhóm này đã làm cho mọi người hiểu được HIV tuy nguy hiểm nhưng không đến mức đáng sợ phải xa lánh, kỳ thị.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Hiền, Trưởng "Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I". Chị Hiền là một trong những người mạnh dạn công khai danh tính về căn bệnh HIV/AIDS của mình và đứng ra thành lập "Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I" hoạt động hiệu quả từ năm 2005 đến nay. Ðiều đặc biệt là sức khỏe của Hiền không giảm sút tuy bệnh đã xâm nhập cơ thể chị đến nay tròn 10 năm.
Thoạt nhìn ban đầu, tôi không nghĩ Hiền là người bị nhiễm HIV vì trông chị lạc quan, khỏe mạnh tươi cười. Tiếp chúng tôi trong căn phòng của nhóm tại nhà chồng, rộng chừng 30 m2, chị Hiền cởi mở nói về cuộc sống của mình, về căn bệnh đang bám riết lấy chị, lấy chồng, con trai chị; rồi đến anh chồng, chị dâu và cuối cùng là cháu của chị.
Chị Hiền bảo với tôi, cuộc đời thật oan nghiệt bởi gia đình có bốn người thì có tới ba người nhiễm HIV. Nói về chuyện này Hiền trầm ngâm nhớ lại: "Năm 1999, mình lấy chồng mà không hề biết rằng chồng mình đã dùng ma túy cách đó vài năm. Khi sinh con trai đầu lòng, đặt tên bé là Nguyễn Tường Nam trong sự mừng vui của gia đình, họ hàng, nhưng bé mắc bệnh tim bẩm sinh, lại đau ốm triền miên... Rồi tai họa ập đến, anh chồng, chị dâu và đứa cháu của Hiền cũng bị nhiễm HIV. Trước khi qua đời, người anh lầm lỡ khuyên em trai đưa vợ đi xét nghiệm. Hiền nghe lời, nhưng thực tế cô cũng chẳng hiểu HIV là gì, số phận thiệt thòi đã không cho cô gái xinh đẹp, đảm đang này cơ hội học tập để có kiến thức và sự nhạy cảm trước các vấn đề xã hội. Cầm kết quả HIV dương tính, Hiền vẫn bình thản như căn bệnh đó chẳng liên quan gì đến mình, chỉ khi nghe bác sĩ dặn "Về nhà thích ăn gì thì cứ ăn...", cô mới có cảm giác giống như những lời cuối cùng với người sắp chết và lo sợ...
Năm 2003, bé Nam ốm nặng, nhập viện Khoa lây, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngày hẹn lấy kết quả xét nghiệm của con, Hiền trốn biệt, cô sợ phải đối mặt với điều mình dự cảm từ lâu. Bà nội Nam sau khi nhận kết quả, khóc ròng nhiều ngày đêm, Hiền tan nát cõi lòng, nghĩ: Thế là hết! Tiêu cực, vợ chồng Hiền bán ô-tô và tất cả tài sản có giá trị trong nhà, lao vào đánh bạc, tiêu xài phung phí... Bé Nam thì ngày một yếu. Ðúng lúc ấy, một cánh tay đã đỡ cô lên. Ðó là những thành viên "Nhóm vì ngày mai tươi sáng". Bằng tình thương và lòng nhiệt tình, họ đã lấy lại trong Hiền nghị lực sống, quan trọng hơn là cho cô kiến thức, hiểu biết về HIV/AIDS. Bé Nam được đưa đi xét nghiệm CD4, được chăm sóc và dùng thuốc ARV (ngăn chặn sự phát triển vi-rút) miễn phí... Ðến nay sức khỏe của Nam ngày một khá lên cũng đồng nghĩa với niềm tin trong Hiền ngày một lớn hơn...
Chị tâm sự: Khi biết cả vợ, chồng và con trai nhiễm HIV, mình chỉ muốn chết đi cho xong nhưng nghĩ đến đứa con và gia đình mình không bỏ mặc mà đi được. Lúc đó chính mình cũng sợ mình, kỳ thị mình. Khi người ta biết mình bị HIV, cứ đi ra đường là người ta chỉ trỏ, rồi bỏ chạy. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác, họ đã hiểu sau khi mình thành lập nhóm và tuyên truyền qua loa đài, phát tờ rơi, và truyền thông trực tiếp. Bây giờ ra đường không ai còn bỏ chạy, họ nói chuyện với mình rất vui vẻ và đến nhà chơi ăn cơm cùng gia đình mình nữa. Giờ đây niềm vui và lòng tự tin của Hiền, gia đình cùng cả nhóm nhân lên khi cách đây ba năm Hiền sinh một bé trai âm tính với HIV trong niềm vui sướng của dòng họ. Hiền chia sẻ về kinh nghiệm của mình khi quyết định sinh bé bây giờ: "Thời kỳ người mẹ mang thai có thể lây cho con theo ba đường là: Không cho con bú, vì trong sữa cũng có thể nhiễm HIV và điều trị phơi nhiễm 72 giờ đầu dự phòng từ mẹ sang con khi mang thai...". Hiền bảo nếu dùng biện pháp dự phòng từ mẹ sang con hiệu quả sẽ là 95% khi con sinh ra âm tính với HIV. Nếu không dự phòng thì tỷ lệ dương tính HIV khoảng 30%.
Ðể có kiến thức như bây giờ, Hiền đã nỗ lực không ngừng, phải học tiếng Anh, học cách truyền thông. Tháng 8-2008, Hiền được Tổng cục dân số KHHGÐ tài trợ cho đi Mexico tham quan mô hình về cách phòng, chống HIV/AIDS - đại diện tiếng nói thanh niên Việt Nam. Chị bảo với tôi, nếu chỉ còn sống được một ngày thì phải là 24 giờ ý nghĩa và yêu thương.
Sau khi Hiền tự nguyện đi học một năm ở "Nhóm vì ngày mai tươi sáng" ở Hà Nội, được sự động viên của gia đình, bạn bè, có nhiều kiến thức về cách phòng và điều trị HIV/AIDS; được sự giúp đỡ của "Nhóm vì ngày mai tươi sáng" Hà Nội và chính quyền thành phố Bắc Ninh, Hiền đã chính thức thành lập "Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I" năm 2005. Những thành viên tham gia trong nhóm chiếm hai phần ba, có độ tuổi từ 22 đến 50. Công việc chính của nhóm là đi tiếp cận những người nhiễm HIV để truyền thông, vận động họ đi xét nghiệm, chỉ cho họ biết khám ở đâu và điều trị như thế nào... Ðể có thể làm công tác tốt đến bây giờ, chị đã áp dụng nhiều cách như phát tờ rơi, nhờ truyền thanh và tư vấn trực tiếp. Khi đi tiếp cận thành viên trong nhóm nói rõ bị nhiễm HIV, vì đa số những người bị nhiễm HIV rất sợ bị mọi người biết.
Sau khi "Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I" hoạt động có uy tín, số lượng tăng lên. Họ quyết định tách một phần thành viên là 20 người ở huyện Lương Tài thành một nhóm mới với tên gọi "Vì một ngày mai tươi sáng Tre Xanh".
Chị Nguyễn Thị Hạnh, trước là thành viên "Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I", sau khi tách ra được bầu làm trưởng nhóm "Vì ngày mai tươi sáng Tre Xanh" (Lương Tài, Bắc Ninh) cho biết: "Quê tôi ít dịch vụ y tế, dân trí thấp nên việc đi vận động, tư vấn về lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đi phát tờ rơi cho các bà mẹ thì nhiều người nói ở quê chân lấm tay bùn làm sao mắc HIV được. Không những thế khi đi tiếp cận nhiều người vẫn còn kỳ thị nên phải linh hoạt xử lý tình huống khi đã học được ở chị Hiền là nhắn tin, gọi điện, gặp trực tiếp. Về sau chính những ông bố, bà mẹ có những đứa con bị nhiễm HIV cũng hiểu và hòa đồng với con cái và những người bị mắc bệnh trong xã hội.
Về mô hình hoạt động của "Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh I", bác sĩ Nguyễn Ngọc Xuân, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đánh giá rất cao về công tác hoạt động, tư vấn, giúp đỡ của nhóm; đồng thời mong muốn mạng lưới cần mở rộng và hoạt động sâu rộng hơn. Bác sĩ Xuân cho biết: Trước khi chưa có thuốc ARV, nhóm thường giới thiệu những người bị HIV/AIDS sang huyện Ðông Anh, Hà Nội lấy thuốc, thì nay họ có thể đến ngay bệnh viện tỉnh nhận thuốc miễn phí và sử dụng rất hiệu quả. Bệnh viện luôn trao đổi kinh nghiệm với các nhóm "Vì ngày mai tươi sáng" bất cứ lúc nào. Chúng tôi khuyên người nhiễm HIV nên đến cơ sở để được cấp thuốc ARV miễn phí vì từ khi có thuốc này số người tử vong vì AIDS giảm, vi-rút khó có thể nhân lên.
Mai Quý Tùng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét