ND- Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện mười hạt thóc "cổ" sau khi tiếp nhận từ các nhà khảo cổ học (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội) từ tháng 5 tại Thành Dền, huyện Mê Linh (Hà Nội) đến nay đã có bốn hạt trỗ bông và chắc hạt sau hơn hai tháng nuôi cấy.
Mai Quý TùngQua quá trình theo dõi và quan sát bằng mắt thường, cán bộ viện nhận thấy giống này có nhiều đặc điểm giống lúa hiện đại như Khang dân (khoảng 99%). Cụ thể: cây lùn, thân thẳng đứng, lá xanh, đẻ nhánh khỏe. Tuy nhiên, trong quá trình làm đòng, giống lúa "cổ" mất nhiều thời gian hơn so với giống Q5 và Khang dân (khoảng nửa tháng). Những giống lúa hiện đại như Q5, Khang dân trồng đối chứng sau giống lúa "cổ" khoảng một tuần để so sánh, đối chứng đã bắt đầu trỗ bông. TS Phạm Xuân Hội, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho biết, giữa giống lúa hiện đại trồng đối chứng và mười cây lúa "cổ" này không có nhiều khác biệt. Điểm khác biệt duy nhất là mười cây lúa "cổ" có bản lá to và lá đứng hơn. Dự kiến, ngày 25-8, viện cùng với cơ quan giám định giống lúa Nhật Bản tổ chức hội thảo đầu bờ để đánh giá đây có phải là giống lúa "cổ" và có niên đại khoảng ba nghìn năm hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét