Hơn mười năm qua, với sự nỗ lực không ngừng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương đã đạt được những thành tựu to lớn: Kinh tế liên tục phát triển với tốc độ cao, ổn định; tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hơn 10% năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Năm 2007, cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản đạt 25,5%; công nghiệp - xây dựng đạt 44%; dịch vụ đạt 30,5%. Trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống quản lý khoa học và công nghệ (KHCN) từng bước được kiện toàn; tiềm lực KHCN được tăng cường cả số lượng và chất lượng. Hoạt động KHCN đã góp phần tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII) về phát triển KHCN đến năm 2010; kết luận Nghị quyết T.Ư 6 đến năm 2008 về phát triển KHCN, trong mười năm qua, tổng số dự án, chương trình, đề tài KHCN của tỉnh là 204 (gồm một chương trình, 150 đề tài, 53 dự án), trong đó có tám dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ. Số được thực hiện là 172, chiếm 84,31%. Tổng số vốn ngân sách của cả tỉnh và Nhà nước đầu tư 73.293,457 triệu đồng. Từ năm 2006 đến 2008, sản xuất nông nghiệp của tỉnh liên tục phát triển: (Tốc độ tăng trưởng năm 2006 là 2,3%, năm 2007 là 3,2% và năm 2008 là 3,5%). Trong ba năm qua, tỉnh Hải Dương sản xuất được 2,3 triệu tấn lương thực; hơn 2,1 triệu con lợn, 191,6 nghìn con trâu, bò, 20,8 triệu gia cầm. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt năm 2007 tăng 7,7% so với năm 2006, năm 2008 tăng 3,6% so với năm 2007. Từ năm 2007-2008, tỉnh Hải Dương có sự chuyển dịch cơ bản về cơ cấu giống lúa từ sản xuất các giống lúa có năng suất cao (X21, X23, Q5, Khang dân 18,...) sang trồng lúa lai và lúa có chất lượng, giá trị hàng hóa cao như giống nếp cái hoa vàng, nếp quýt, hương thơm số 7, bắc thơm số 1, điền nhi 20, P6... Năm 2008, tỉnh đã chuyển 23,6% diện tích lúa thuần sang trồng lúa lai và lúa chất lượng cao. Để đạt được kết quả như trên, từ năm 1997-2007, Hải Dương tập trung đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHCN cho cây lúa lai, lúa chất lượng; ứng dụng công nghệ sinh học, duy trì giống bố mẹ để sản xuất giống F1 lai hai dòng, ba dòng. Năm 2004-2005, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam) thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng một số giải pháp KHCN để phát triển lúa lai ở Hải Dương". Từ kết quả này, UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển lúa lai đến năm 2010 chiếm 30% diện tích cây lúa của tỉnh và đào tạo được nhiều cán bộ chuyên sâu về sản xuất giống lúa lai F1, bước đầu duy trì và nhân dòng lúa lai tại Xí nghiệp giống cây trồng Tứ Kỳ và sản xuất đại trà các giống: bắc ưu 903, bắc ưu 253, HYT 83, HD1, HD2 có khả năng chịu ngập úng từ 13 đến 14 ngày vẫn cho năng suất cao... Năm 2004-2005, hàng nghìn nông dân ở các huyện Nam Sách, Bình Giang, Cẩm Giàng, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Chí Linh đã sản xuất được hàng trăm tấn lúa lai F1 và hàng nghìn tấn lúa chất lượng, góp phần đưa giống lúa lai, lúa chất lượng cao của tỉnh từ 0,17% năm 1997 lên 1,8% năm 2001, 15% năm 2006, 25% năm 2007; năng suất lúa lai đại trà tăng 1,5 tấn/ha so với lúa thuần sản xuất đại trà. Trưởng phòng Trồng trọt (SNN và PTNT) tỉnh Hải Dương Lê Đình Sơn, cho biết: Từ năm 2001 đến nay tỉnh liên tục nghiên cứu, ứng dụng sản xuất, phát triển giống lúa và đạt được nhiều kết quả. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, hiện nay tỉnh chủ trương cho phát triển song song những giống lúa lai và giống lúa chất lượng, năng suất cao như Syn 6, Q.ưu 1, thục hưng 6, D.ưu 527... cho năng suất mấy năm liên tục tăng từ 6,3 đến 6,4 tấn/ha. Từ năm 2008, diện tích sản xuất lúa chất lượng, năng suất cao liên tục được mở rộng đạt 21.702 ha như huyện Bình Giang (4.162 ha, chiếm 32,4% diện tích); Gia Lộc (3.503 ha, chiếm 32,6%); Ninh Giang (3.099 ha, chiếm 22,2% diện tích)... Năng suất vụ chiêm xuân: Giống HT1 đạt 61,55 tạ/ha, BT7, P6 đạt khoảng 61,81 tạ/ha; vụ mùa giống HT1, BT7, P6 đạt khoảng 54 tạ trên ha... Các giống nếp hoa vàng, nếp xoắn năng suất đạt khoảng 43,5 tạ/ha. Tổng sản lượng đạt 130.889 tấn. Với số lượng giống nói trên đã giúp cho nông dân có giống chất lượng tốt, giá thành hạ, chủ động trong sản xuất giống và dự phòng thiên tai. Cũng từ năm 2008, nhiều huyện của tỉnh Hải Dương đã ứng dụng công cụ sạ hàng (gieo lúa bằng công cụ). Gieo bằng công cụ sạ hàng năng suất tương đương với làm mạ cấy nhưng đỡ tốn công, lúa mọc khỏe, chăm sóc tốt. Với một sào gieo sạ người nông dân tiết kiệm được ba lạng thóc giống so với làm mạ cấy. Với những ruộng vàn trũng nhưng thoát nước tốt thì việc gieo sạ là thích hợp nhất. Ưu điểm gieo sạ là lúa đẻ nhánh tốt nhưng cũng có nhược điểm dễ đổ khi gặp mưa bão. Chủ trương của Sở KH - CN là khuyến cáo nông dân nên sử dụng công cụ để gieo sạ. Áp dụng công cụ sạ hàng, khi cây lúa kết thúc đẻ nhánh, nông dân nên rút hết nước (phơi ruộng trong vài ngày) để bộ rễ ăn sâu xuống, tăng khả năng chống đổ. Gieo bằng công cụ sạ hàng (chiếm 30% diện tích trong tỉnh) được triển khai từ vụ chiêm xuân và đã có nhiều huyện làm, riêng huyện Cẩm Giàng gieo sạ bằng công cụ chiếm hơn 90%. Hiện nay, huyện Cẩm Giàng đang hỗ trợ người dân mua công cụ về sạ hàng, giá một triệu/công cụ, huyện hỗ trợ 30% tiền/công cụ, năm, bảy hộ nông dân sử dụng một công cụ sạ hàng. Công cụ sạ hàng được làm bằng ống nhựa đặc biệt, đường kính 20 cm, dài 30 cm nối với nhau, người kéo khỏe nối dài tới ba mét. Khi cho thóc giống vào kéo hạt thóc sẽ từ từ rơi xuống ruộng. Khoảng cách mỗi lỗ cách nhau năm cm, muốn sạ hàng thưa thì mở một lỗ, bịt một lỗ. Vụ vừa rồi tỉnh tiếp nhận công cụ này về sử dụng, nhận thấy khi kéo người đi trước tạo thành nhiều vết chân lõm xuống ruộng cho nên hạt thóc mọc không đều vì thế Sở NN và PTNT cùng với Sở KH - CN đã nghiên cứu làm một ống nhựa khoảng 30 cm phía trước công cụ sạ hàng và cho cát vào trong bịt hai đầu lại, khi người dân đi sạ hàng không còn những vết lõm ở ruộng cho nên lúa mọc rất đều và đẹp. Nếu như trước đây một sào ruộng người nông dân mất bốn công cấy trong vài giờ thì bây giờ họ chỉ mất một công sạ hàng cũng bằng thời gian đó. Đây được coi là bước tiến mới về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh-Ông Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở KH - CN tỉnh Hải Dương cho biết. Bên cạnh những thành tựu đạt được về cây lúa, tỉnh cũng gặp một số khó khăn như tốc độ phát triển lúa lai chậm; nhận thức của nông dân về sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Đối với lúa lai, tỉnh chưa chủ động được giống, phần lớn nguồn giống phải nhập với giá cao. Hơn nữa, lúa lai mẫn cảm với thời tiết đòi hỏi chi phí lớn, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt hơn lúa thuần, rủi ro trong sản xuất cao và chưa được thị trường ưa chuộng dẫn đến khó tiêu thụ.
Bài và ảnh: MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét