24 thg 8, 2012

Người dân tộc thiểu số ở Yên Bái biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất


Nhân dân - 37 tháng trước 141 lượt xem
Nguoi dan toc thieu so o Yen Bai biet ap dung tien bo khoa hoc - ky thuat vao san xuat
ND - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành (Trấn Yên, Yên Bái) phấn khởi nói với chúng tôi: Kiên Thành là xã vùng cao có bốn dân tộc sinh sống.
Những năm trước đây, người dân xã Kiên Thành chưa biết áp dụng khoa học-kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, cho nên kinh tế kém phát triển, người dân khổ trăm bề. Từ năm 2003 đến nay, nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh (TTKNT) đưa cán bộ về tận thôn, bản chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất nên đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã biết cách làm ăn, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Câu chuyện về cách làm ăn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái đến bây giờ nhiều người ở TTKNT nhớ lại vẫn toát mồ hôi. Do bất đồng ngôn ngữ, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn, vì vậy người dân không quan tâm việc đưa tiến bộ KHKT mới vào sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hán, Trưởng phòng Thông tin-Tuyên truyền, TTKNT cho biết: Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phần lớn tập trung ở hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Cách đây mấy năm, trong chuyến công tác lên Mù Cang Chải và Trạm Tấu chuyển giao tiến bộ KHKT cho đồng bào dân tộc thiểu số, khi đó trong đoàn có một đồng chí biết tiếng Mông làm phiên dịch. Sau vài ngày làm quen, vật lộn với ngôn ngữ Mông, đoàn hướng dẫn kỹ thuật và phát giống lúa lai mới, phân bón cho đồng bào nhưng ngay sau đó họ không dùng mà đổ hết số phân và thóc giống vừa nhận chỉ để lấy cái bao tải đi hái măng rừng. Khi đó, TTKNT cử mấy cán bộ trẻ có năng lực, sức khỏe, biết tiếng địa phương ở lại cắm bản cùng với Trạm Khuyến nông huyện tìm cách tiếp cận, giúp đỡ đồng bào, tháo gỡ khó khăn.
Trải qua quãng đường đồi núi hơn 30 km, từ TP Yên Bái chúng tôi đến với xã vùng cao Kiên Thành được coi là xã điển hình đồng bào dân tộc biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Tiếp chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: Tập tục nhốt trâu, bò dưới sàn nhà và thả rông khắp nơi nay không còn nữa. Thay vào đó, người dân đã biết cách làm chuồng xa khu vực nhà ở và chăn nuôi hợp vệ sinh. Hằng năm, có đoàn Y tế của tỉnh về là họ tự nguyện mang trâu, bò, lợn, gà ra trung tâm xã tiêm phòng dịch bệnh. Những thửa ruộng trước chỉ cấy được một vụ lúa giờ người dân biết cách khơi thông dòng chảy nên cấy được hai vụ lúa và một vụ màu/năm. Những giống lúa thuần năng suất thấp dần dần được thay bằng giống lúa lai, lúa chất lượng cao; nạn khai thác rừng bừa bãi cũng từ đó được đẩy lùi, đời sống người dân ngày càng nâng cao, ổn định. Từ năm 2000-2002, nhiều cán bộ tỉnh, huyện về tận thôn, bản hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nhưng bà con chưa nghe và không làm theo. Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, UBND xã Kiên Thành cử một số đảng viên tiêu biểu, có trình độ để học tập, làm theo trước, rồi sau đó chờ kết quả thu được, nhân rộng để người dân tham gia.
Từ năm 2003 trở về trước hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số trong xã chủ yếu sống dựa vào nghề "phá rừng", nay thay vào đó là nghề trồng rừng. Nhận thấy được vai trò, tầm quan trọng của người đảng viên và để ngăn chặn nạn phá rừng bừa bãi, từ năm 2003, TTKNT, Trạm Khuyến nông huyện đã mở nhiều lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng rừng cho các đảng viên. Khi những đảng viên này hiểu, áp dụng phát triển được kinh tế, đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông đã tự nguyện tìm đến học hỏi kinh nghiệm trồng lúa nước, trồng tre măng bát độ... và hứa không đi phá rừng nữa.
Đảng viên Triệu Đình Hành, Chi hội trưởng nông dân thôn Khe Rộng, xã Kiên Thành khoe với chúng tôi: Thôn Khe Rộng có 58 hộ là người dân tộc Dao giờ không có ai đi phá rừng nữa. Năm 2003, khi có dự án trồng cây tre măng bát độ, đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn được TTKNT hướng dẫn kỹ thuật và được vay vốn, tôi và một số đồng chí đảng viên trong thôn xung phong trồng măng tre bát độ trên diện tích bỏ hoang một héc-ta. Sau một năm, cây tre măng bát độ đã cho thu hoạch. Thấy được lợi ích kinh tế người dân trong thôn, bản tự nguyện tìm đến hỏi cách trồng. Lúc đầu chỉ có vài hộ trồng, đến nay 100% người dân trong thôn đã phủ kín đồi trọc trên 100 héc-ta và đến nay đã cho thu hoạch. Với 1 kg tre măng bát độ có giá từ 2.500 đến 3.000 đồng, từ năm 2007 nhà ông Hành, ông Tiên, ông Nà trung bình mỗi năm thu nhập từ loại cây này hơn 10 triệu đồng/héc-ta. Cách đây vài năm, trên tổng diện tích của xã Kiên Thành có 8.864 héc-ta, phần lớn diện tích là đồi trọc, đến nay người dân đã phủ kín bằng cây tre măng bát độ. Ngoài ra, thôn Khe Rộng còn được ngân hàng huyện cho vay 100 triệu đồng (năm 2007) để 58 hội viên mua 100 con bò giống. Đến nay, đồng bào dân tộc Dao, Tày, Mông đã trả hết nợ ngân hàng và mở rộng sản xuất. Đến thời vụ, sau khi thu hoạch, người dân biết cách giữ lại rơm rạ và trồng cỏ VA06 dự trữ thức ăn cho trâu bò khi mùa rét đến gần.
Cùng với việc trồng măng tre bát độ và nuôi bò, nông dân xã Kiên Thành tập trung thâm canh lúa nước. Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa đang chuẩn bị chín vàng, nặng trĩu bông, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành xúc động nói: Nhờ Đảng và Nhà nước mà người dân đã biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất cho nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đã dần khá lên. Từ giờ đến khi thu hoạch, nếu thời tiết ủng hộ, năng suất lúa vụ mùa này chắc chắn sẽ cao hơn năm trước (đạt khoảng 2,2 tạ đến 2,5 tạ/sào). So với trước đây, mỗi sào lúa, người nông dân chỉ thu được 70 đến 80 kg/sào. Để năng suất đạt được như vậy xã trực tiếp chỉ đạo người dân thâm canh đúng cách và thay đổi toàn bộ giống lúa năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh bằng giống lúa lai, lúa chất lượng cao. Hiện nay, người dân cấy 80% giống lúa lai, 20% lúa thuần và lúa chất lượng cao. Đáng chú ý, tập tục gieo mạ và cấy từng búi như trước kia bây giờ được thay đổi bằng cách gieo mạ trên khay, gieo mạ che ni-lông.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái Hoàng Thị Xuân Mai cho biết: Với cách làm mới như hiện nay, người nông dân không cần nhiều đất để gieo mạ, việc chăm sóc thuận lợi hơn, tiết kiệm được 30 đến 40% lúa giống, năng suất lúa tăng 15-30% so với trước đây và đặc biệt chủ động được thời vụ. Từ mô hình mạ che ni-lông vụ đông xuân (1995-1996), đến nay tại xã Kiên Thành, Minh Quán (Trấn Yên) đã phát huy tác dụng tốt, khắc phục được tình trạng mạ chết vụ đông xuân và bảo đảm đủ mạ cho thâm canh tăng vụ vùng cao. Đến nay, che mạ bằng ni-lông đã trở thành tập quán của nông dân. Mô hình mạ ném được áp dụng 0,1 héc-ta vụ mùa năm 1998 tại xã Hợp Minh (Trấn Yên), đến nay đã được áp dụng rộng rãi trên toàn tỉnh. Mỗi năm, diện tích gieo cấy lúa hàng hóa chất lượng cao của tỉnh đạt gần bốn nghìn héc-ta/năm, với công thức "hai vụ lúa chất lượng cao và một vụ màu" đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những năm gần đây có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh thu nhập từ lúa đạt 40 triệu đồng/héc-ta/năm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tiếp thu kiến thức KHKT cho nông dân, từ đầu năm 2009 đến nay toàn hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái đã tổ chức 805 lớp tập huấn cho hơn 32 nghìn lượt hộ nông dân. Do đặc thù điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, vùng cao địa bàn rộng, trình độ dân trí thấp nhưng hệ thống khuyến nông tỉnh luôn cố gắng vượt mọi khó khăn chuyển giao tiến bộ KHKT đến cơ sở. Các Trạm khuyến nông tích cực chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất; tuyên truyền các chủ trương, chính sách trong sản xuất nông, lâm nghiệp thông qua các lớp tập huấn. Kết quả, đã có nhiều mô hình làm tiền đề cho việc nhân rộng và phát triển chuyển dịch cơ cấu cây trồng như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, trồng tre măng bát độ, trồng giống keo tuyển chọn, trồng cỏ VA06... Tuy nhiên, hiện nay mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân trên toàn tỉnh còn gặp phải không ít khó khăn: Một số Trạm khuyến nông huyện thiếu cán bộ, phương pháp đào tạo chưa cập nhật với sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Dự kiến của TTKNT, trong thời gian tới sẽ tổ chức 800 lớp tập huấn kỹ thuật cho 25 nghìn hộ nông dân, đặc biệt cho đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Song song với việc phát triển kinh tế-xã hội, những năm gần đây và mục tiêu tiếp theo của tỉnh Yên Bái, đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển giao tiến bộ KHKT, nâng cao phương pháp, chất lượng chuyên môn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của địa phương; từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi toàn tỉnh; góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm giàu cho các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Bài và ảnh: Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét