Cập nhật lúc 03:28, Thứ sáu, 28/01/2011 (GMT+7)
Cao Bằng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phần lớn là dân tộc Tày, Nùng, Dao... Rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Những năm qua, Cao Bằng đã triển khai hiệu quả một số dự án khoa học thuộc chương trình nông thôn, miền núi (NTMN). Tuy nhiên, hiện nay vấn đề phát triển, ứng dụng khoa học ở Cao Bằng trên các lĩnh vực khác nhau còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.Chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật ở Cao Bằng
Phát triển kinh tế theo thế mạnh vùng
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã tổng kết chương trình 'Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH và CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2004-2010'. Bộ KH và CN cho biết: Trong quá trình triển khai các dự án NTMN đã phối hợp với một số bộ, ngành, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện được 288 dự án tại 60 tỉnh với tổng kinh phí 743 tỷ 917 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH và CN Trung ương 295 tỷ 325 triệu đồng (chiếm 39,7%) và huy động từ nhân dân, doanh nghiệp, ngân sách địa phương là 448 tỷ 592 triệu đồng (chiếm 60,3%). Mục đích của dự án NTMN nhằm giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân giống và đưa vào sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao nhằm tăng thu nhập trên diện tích hiện có của địa phương...
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng Ðoàn Hải Triều cho biết: Từ năm 2009 đến nay, Sở triển khai, nghiệm thu được 11 đề tài, dự án, trong đó phần lớn là đề tài cấp tỉnh và ba dự án thuộc chương trình NTMN. Các đề tài, dự án triển khai ở đây bao gồm nhiều lĩnh vực như: nông - lâm, công nghiệp, y tế, khoa học xã hội và nhân văn... nhưng tập trung chủ yếu trên hai lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Theo đồng chí Ðoàn Hải Triều, do địa hình ở Cao Bằng phần lớn là đồi núi, cho nên sản xuất nông nghiệp có thể chia thành các vùng cây trồng chính như: vùng lạc, vùng mía, vùng ngô, vùng chè và vùng thuốc lá... Nhằm bảo đảm an ninh lương thực, những năm qua tỉnh Cao Bằng chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lương thực theo hướng canh tác bền vững, nhằm phát huy thế mạnh từng vùng. Ở những vùng trước đây cấy lúa nếu không bảo đảm nguồn nước sẽ được kết hợp hoặc chuyển hẳn sang trồng lạc, ngô, đậu tương và cây thuốc lá có tính chịu hạn cao. Ðiển hình là cánh đồng lúa ở huyện Hòa An chạy dọc theo hai bờ sông Bằng Giang nối từ thị xã Cao Bằng lên huyện Hà Quảng. Nơi đây trước chỉ trồng được hai vụ lúa, năng suất thấp, tối đa đạt 40 triệu đồng/ha/năm. Khi chuyển đổi diện tích trồng lúa xuân ở những nơi thiếu nước sang trồng cây thuốc lá, đến nay, khu vực này đã hình thành hơn ba nghìn ha thuốc lá, kết hợp với thu nhập từ lúa khi đã chuyển đổi, mỗi năm người dân thu về từ 80 đến hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất
Trưởng phòng khoa học Sở KH và CN tỉnh Cao Bằng Nông Ích Thượng dẫn chúng tôi đi tham quan một số dự án triển khai thành công. Tại cánh đồng chè Ô Long bạt ngàn ở phường Sông Hiến và phường Ðồng Tâm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những cây chè ở đây xanh tươi mơn mởn, bám mình trên những triền đồi cao. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những cánh đồng chè Ô Long này là kết quả do Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp Ðồng Tâm (thị xã Cao Bằng) triển khai từ năm 2006. Chủ nhiệm HTX Ðàm Thị Bình Luận kể: Trước khi HTX thành lập (năm 2006), chúng tôi chỉ có ba ha chè Ô Long. Khi đó ở Cao Bằng diện tích đất hoang hóa còn nhiều nhưng không triển khai ra diện rộng được vì làm ăn không có lãi. Lúc đó, cái gì cũng thiếu, từ điện, nước đến các máy hỗ trợ cho việc chế biến chè... Năm 2006, khi biết có dự án chương trình NTMN về Cao Bằng, tôi nảy sinh ý tưởng làm một đề tài khoa học để phát triển cây chè Ô Long. Ðề tài được Sở KH và CN tỉnh Cao Bằng, Bộ KH và CN phê duyệt và cấp một phần kinh phí thực hiện. Ðơn vị chuyển giao kỹ thuật cho HTX là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp miền núi phía bắc và các sở, ban, ngành trong tỉnh. Ðến nay HTX có hơn 20 ha chè Ô Long đã cho thu hoạch, bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng/năm, tạo nhiều việc làm cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Hiện nay HTX đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở chế biến chè Ô Long và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm bán rộng rãi ra thị trường. Mới đây, Hiệp hội Chè Việt Nam đã hỗ trợ HTX dây chuyền chế biến chè gồm: máy sao, máy quấn quả, vò quả, sấy khô... cho nên công việc sản xuất chè trở nên dễ dàng, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người lao động. Chị Bùi Thị Nữ ở xã Hoàng Tung (Hòa An) tham gia triển khai dự án này từ những ngày đầu tâm sự: Mình tham gia trồng chè Ô Long trước khi có dự án này. Nhìn chung, các kỹ thuật mà cán bộ khoa học hướng dẫn như: chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến mình đều nắm vững. Nhờ gắn bó với cây chè, hiện gia đình đã có vốn sửa sang nhà cửa, mua sắm một số đồ dùng có giá trị như ti-vi, xe máy...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở huyện Hòa An còn có doanh nghiệp Quang Minh là đơn vị chuyên sản xuất gỗ ván ép đã thành công từ dự án NTMN. Từ trung tâm thị xã Cao Bằng, mất khoảng hơn một giờ chúng tôi đã đến với huyện Hòa An - nơi có nhiều đồi núi và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hiện còn nhiều khó khăn. Trưởng phòng khoa học, Sở KH và CN Cao Bằng Nông Ích Thượng cho biết: Công ty TNHH Quang Minh, có diện tích hơn 10 ha. Công ty ra đời với mục đích tạo thêm việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, chủ yếu ở huyện Hòa An và Nguyên Bình. Ở Hòa An, nhiều thanh niên không thi đỗ đại học, được công ty tư vấn, dạy nghề rồi nhận vào làm việc. Giám đốc Công ty TNHH Quang Minh cho biết: Khi Bộ KH và CN triển khai dự án NTMN ở Cao Bằng, tôi đã tham gia một đề tài khoa học về sản xuất gỗ ván ép tự động, sau đó đã được nghiệm thu. Khi dự án này triển khai, công ty được hỗ trợ một phần kinh phí (gần một tỷ đồng, tương đương 6% giá trị dây chuyền) để đầu tư dây chuyền công nghệ MDF hiện đại nhập khẩu từ Trung Quốc sản xuất gỗ ván ép tự động. Viện Cơ điện nông nghiệp là đơn vị nhận chuyển giao kỹ thuật cho công ty. Mỗi năm công ty sản xuất được 5.000 m3 gỗ ván ép. Ðến nay công ty đã thu hút gần 200 lao động, với mức lương bình quân hơn hai triệu đồng/người/tháng. Hiện nay công ty sản xuất được bốn sản phẩm gỗ có giá trị kinh tế cao như: MDF, ghép thanh, ván dăm, gỗ dán. Nhờ các sản phẩm làm ra có hình thức đẹp, chất lượng tốt cho nên nhiều khi công ty không kịp đáp ứng cho thị trường. Doanh thu mỗi năm bình quân đạt hơn 10 tỷ đồng.
Thông qua dự án NTMN, Cao Bằng triển khai được một số mô hình đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao những tiến bộ khoa học, kỹ thuật ở tỉnh Cao Bằng trên các lĩnh vực khác nhau còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật tỉnh Cao Bằng Luân Thị Diệp chia sẻ: Chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở tỉnh Cao Bằng hiện nay còn nhiều bất cập. Trước chè đắng là sản phẩm được ưa chuộng nhưng từ giờ không phát triển được bởi quy mô nhỏ và chưa chú trọng đầu tư về công nghệ, kỹ thuật. Gần đây có thêm dự án sản xuất khoai tây giống khi mới triển khai đã có dấu hiệu thất bại. Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao không triển khai được dự án này? Phó Giám đốc Luân Thị Diệp cho biết: Chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật ở vùng cao khó lắm, đôi khi có tiền cũng không giải quyết được cho dù có đầu tư về KH và CN. Những dự án từ trước đến nay thành công ở tỉnh Cao Bằng phần lớn do các doanh nghiệp triển khai, bởi họ có tiềm lực về kinh tế và sự ủng hộ từ chính quyền, người dân. Theo tôi, muốn xây dựng thành công các dự án khoa học trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Cao Bằng, ngoài nguồn vốn người dân bỏ ra, nguồn vốn từ hoạt động KH và CN đầu tư thì trình độ của các nhà khoa học và người dân cũng cần nâng cao hơn nữa. Một nguyên nhân nữa dẫn tới việc KH và CN tỉnh Cao Bằng chưa có đà phát triển đồng đều đó là: nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống không tập trung; chưa thạo hết tiếng phổ thông... Ðấy là những nút thắt tỉnh đang tìm cách tháo gỡ.
Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét