Trang

24 thg 8, 2012

Bài học từ "chạy" chế độ thương binh


Cập nhật lúc 16:18, Thứ sáu, 12/08/2011 (GMT+7)

Cơ quan công an tỉnh Thái Bình đang điều tra các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  
Trong quá trình đi thu thập tài liệu về vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở huyện Ðông Hưng (Thái Bình) tình cờ Cơ quan điều tra (CQÐT) Công an tỉnh Thái Bình phát hiện một vụ lừa đảo mới: "Vụ án làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan, tổ chức" để hưởng chế độ thương binh đối với thanh niên xung phong (TNXP). Ðây là vụ án gây chấn động ở Thái Bình trong thời gian gần đây bởi thủ đoạn rất tinh vi của một số đối tượng là cán bộ ở Hội Cựu TNXP huyện Ðông Hưng.
Nhẹ dạ cả tin
Là nạn nhân trong 'Vụ án làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan, tổ chức', ngày 20-7-2011, bà Lại Thị Quy và Tống Thị Nhạn cùng ở xã Trọng Quan (Ðông Hưng) tất tưởi tìm đến CQÐT Công an tỉnh Thái Bình khóc nức nở: Các anh giúp chúng tôi với, bao nhiêu vốn liếng của gia đình bỗng nhiên mất sạch rồi. Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2009, bà Quy cùng bà Tống Thị Nhạn là TNXP ở cùng xã đến Hội Cựu TNXP huyện Ðông Hưng gặp ông Nhâm Công Viên là cán bộ văn phòng để nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách như thương binh đối với TNXP. Khi tiếp bà Quy và bà Nhạn, ông Viên nói với hai bà, việc làm các giấy tờ này không có gì khó khăn nhưng tốn phí. Rồi ông Viên quả quyết: Các chị không phải đi đâu giám định y khoa thương tật cho tốn kém lại không được việc, mọi giấy tờ đó tôi lo được hết! Bằng những lời hứa ngon ngọt như thật của người cán bộ, cho nên bà Quy, bà Nhạn đã tin tưởng nghe theo. Ông Viên yêu cầu mỗi người phải đóng từ 7 đến 15 triệu đồng để nộp cho Bùi Ðình Tho làm các thủ tục cần thiết. Sau khi hai bà đã lo đủ số tiền trên, ông Viên lại tiếp tục yêu cầu mỗi người viết một giấy xác nhận không phải nộp khoản tiền nào rồi dặn dò cẩn thận: Nếu sau này công an có hỏi thì các chị khai báo với họ có đi giám định y khoa và nhờ bà Thanh dẫn đi.
Chúng tôi gặp bà Nhạn tại trụ sở Công an tỉnh Thái Bình. Khuôn mặt hốc hác và nỗi lo mất 15 triệu đồng khiến gương mặt bà thất thần. Bà nói, giờ tôi chỉ cần lấy được số tiền trên, còn hưởng chế độ thương binh thì tôi không nghĩ tới nữa. Từ ngày tôi đóng tiền cho ông Viên, ngày nào tôi cũng nghe đài, xem ti-vi nhưng nghe mãi, xem mãi vẫn không thấy thông tin mình được hưởng chế độ thương binh. Giờ biết mình bị lừa, tôi phải làm sao đây?
Từ manh mối này, CQÐT Công an tỉnh Thái Bình đã phát hiện thêm nhiều thủ đoạn khác của Nhâm Công Viên trong việc lừa đảo người dân để chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng được nhu cầu của người dân, Nhâm Công Viên đã tuyên truyền, dụ dỗ được một số người nhẹ dạ cả tin là TNXP và không ít người không phải TNXP đăng ký nộp hồ sơ hưởng chế độ như thương binh. Sau quá trình điều tra vụ việc này CQÐT đã xác định, Nhâm Công Viên có nhận tiền từ 7 đến 15 triệu đồng/người. Qua kiểm tra, nhiều nạn nhân có giấy biên nhận nhận nhận tiền và cũng có người không có giấy biên nhận tiền. Trò viết giấy biên nhận nhận tiền thực chất của Nhâm Công Viên và Bùi Ðình Tho để che mắt CQÐT. Ðể đối phó với công an khi gặp tình thế xấu nhất có thể xảy ra, Nhâm Công Viên và Bùi Ðình Tho gặp lại hầu hết những người mà y đã nhận tiền rồi yêu cầu họ viết giấy xác nhận đã nhận lại tiền. Tuy nhiên, theo CQÐT, bản chất của sự việc là tất cả những người trước đây đã đóng tiền cho Nhâm Công Viên và Bùi Ðình Tho đều không nhận lại tiền. Bà Hoàng Thị Hà ở xã Hồng Việt (Ðông Hưng) báo cáo với cơ quan điều tra về nội dung Nhâm Công Viên yêu cầu viết giấy xác nhận như sau: 'Năm 2009, tôi có cho anh Nhâm Công Viên vay với số tiền là 14 triệu đồng và cô Bấc một triệu đồng... Sau một thời gian ngắn thì hai người nói trên đã thanh toán đủ số tiền cho tôi là 15 triệu đồng'. Ðến nay, khi biết bị lừa, bà Hà và rất nhiều người khác như ngồi trên đống lửa!
Cơ quan điều tra nói gì?
Thượng tá Nguyễn Thiện Công, Ðiều tra viên cao cấp, Công an tỉnh Thái Bình cho chúng tôi biết: 'Trong khi lực lượng công an bí mật đi thu thập tài liệu về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Ðông Hưng, tình cờ tôi nghe được người dân ở đây xôn xao bàn tán: Bây giờ làm giấy tờ thương binh dễ lắm, không phải thương binh cũng làm được'. Từ thông tin đó, chúng tôi đã có một số lần về huyện Ðông Hưng để tìm gặp Bùi Ðình Tho người ở xã Ðông Hợp. 'Anh gặp Tho làm chế độ thương binh chứ gì?', chính câu hỏi của bác sửa xe máy mà chúng tôi gặp khi hỏi đường đến nhà ông Tho khiến anh Công nghĩ chắc có chuyện gì mờ ám đang diễn ra. Và từ đó anh Công bắt đầu bám theo đối tượng này tìm hiểu đi đâu, gặp ai. Sau đó, anh Công phát hiện Bùi Ðình Tho và Nhâm Công Viên gặp nhau. Những ngày 'cắm bản' ở Ðông Hưng, anh Công đã nhanh chóng tiếp cận được với những người nộp hồ sơ để làm chế độ thương binh. Ban đầu, những người đang 'ngồi chờ chế độ' cũng giấu kỹ không nói gì. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ nghề nghiệp, những trò lừa đảo của Nhâm Công Viên và Bùi Ðình Tho dần dần bị anh Công cùng đồng đội vạch trần.
Lãnh đạo CQÐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Ngày 20-4-2011, CQÐT tiếp nhận 59 bộ hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thương binh đối với TNXP. Qua nghiên cứu hồ sơ thấy có dấu hiệu làm giả con dấu, chữ ký của Hội đồng giám định y khoa. CQÐT đã có công văn và giao cho điều tra viên trực tiếp làm việc với các đơn vị liên quan để xác minh sự việc thì chỉ có giấy giới thiệu di chuyển hồ sơ và trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi với người có công cho ba trường hợp đều ở huyện Ðông Hưng gồm: Ông Bùi Văn Lịch, bà Phạm Thị Thìn, ông Phạm Ðang Tiềng. Trong ba người trên, Hội đồng giám định y khoa chỉ cấp một biên bản giám định thương tật cho ông Bùi Văn Lịch ở Ðồng Phú (Ðông Hưng) trong tổng số 59 trường hợp có hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thương binh đối với TNXP. Như vậy, ngoài ba trường hợp trên, số còn lại là 56 trường hợp đều có giấy tờ là nhưng là giấy tờ giả.
Qua những kết quả đối chiếu, xác minh, ngày 4-5-2011, CQÐT đã khởi tố vụ án. Ngày 6-5 khởi tố bị can, khám xét nơi ở, bắt tạm giam đối với: Nhâm Công Viên, sinh ngày 7-6-1949, trú quán: xã Ðông Hoàng (Ðông Hưng). Ðến ngày 31-5, sau những chứng cứ không thể chối cãi, Bùi Ðình Tho, sinh năm 1946 ở xã Ðông Hợp (Ðông Hưng) đã bị bắt giam và cúi đầu nhận tội. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2006, Nhâm Công Viên được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Ðông Hưng. Ðầu năm 2007, Nhâm Công Viên làm cán bộ Văn phòng Hội Cựu TNXP huyện Ðông Hưng. Trong thời gian đó, Nhâm Công Viên đã cấu kết với Bùi Ðình Tho nhận 61 bộ hồ sơ rồi lần lượt làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan, tổ chức đề nghị hưởng chế độ thương binh. Trong tổng số 61 bộ hồ sơ làm giả, CQÐT đã quản lý 59 hồ sơ. Bước đầu, Nhâm Công Viên khai nhận tiền của 12 trường hợp với tổng số tiền 130 triệu đồng.
Vụ án bước đầu đã được làm sáng tỏ, các đối tượng chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ðại tá Lương Thế Văn, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Cần phải xem xét lại chính quyền cấp xã, nơi cấp các giấy xác nhận đầu tiên cho những người không phải là TNXP. Nhờ có các giấy tờ xác nhận đầu tiên đó cho nên các đối tượng trên mới có cơ hội làm giả con dấu, tài liệu để lừa đảo. Vụ án cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người đi làm các loại giấy tờ, thủ tục theo kiểu 'chạy trọt'.
Bài và ảnh: MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét