24 thg 8, 2012

Chế phẩm sinh học khống chế bệnh vàng lá lúa


Cập nhật lúc 03:05, Thứ bảy, 22/01/2011 (GMT+7)

Bệnh vàng lá lúa có thể khống chế nếu được phát hiện và phun trừ bệnh kịp thời ở thời kỳ lá non.  
Mới đây, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng với các nhà khoa học đến từ Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Sinh học Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Chi cục Bảo vệ thực vật Bắc Giang... tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả sử dụng chế phẩm sinh học Exin 4.5 HP đối với lúa mùa bị nhiễm bệnh vàng lá. Qua quá trình sử dụng chế phẩm sinh học này, bước đầu đã cho kết quả tốt.
Bệnh vàng lá lúa ở Hiệp Hòa xuất hiện và gây hại trên lúa từ vụ mùa năm 2004 đến nay, bệnh xuất hiện và gây hại từ giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trỗ chín, nặng nhất từ khi lúa đứng cái làm đòng trên hầu hết các giống và các trà lúa mùa. Biểu hiện ban đầu của bệnh là có vài lá gốc bị vàng, rồi lan rộng ra làm cả ruộng vàng rực. Lúa nhiễm bệnh này thông thường lá lúa vàng từ chóp xuống thân lá, lá già vàng trước lá non vàng sau và chuyển mầu từ vàng chanh sang vàng đậm, rễ, thân đen... Do đó, dẫn tới lúa khó trỗ, bông ngắn, lép nhiều; những diện tích bị nặng lúa không thể trỗ bông. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hiệp Hòa Hoàng Thị Tiến cho biết: Từ năm 2004 đến nay, diện tích lúa mắc bệnh vàng lá mỗi năm một tăng, kể cả khi người dân đã thay đổi bằng những giống khác. Vụ mùa năm 2009, diện tích lúa ở Hiệp Hòa bị nhiễm bệnh vàng lá hơn 600 ha, trong đó 100 ha lúa bị nặng (hơn 30% dảnh bị vàng) làm giảm năng suất từ 40 đến 70% và hơn ba ha mất trắng.
Do đó, ngay từ đầu vụ mùa năm 2010, các cơ quan chuyên môn của huyện xác định bệnh vàng lá lúa là đối tượng gây hại nguy hiểm, cho nên đã hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp canh tác tổng hợp nhằm hạn chế thấp nhất bệnh vàng lá lúa gây ra. Ðầu tháng 7, sau khi cấy lúa khoảng 20 ngày, bệnh vàng lá lúa xuất hiện và gây hại ở các xã: Hòa Sơn, Thái Sơn, Quang Minh... và lây lan nhanh từ cuối tháng 7. Qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn và báo cáo của cán bộ khuyến nông cơ sở, đến ngày 15-8, 26/26 xã, thị trấn của huyện Hiệp Hòa có 122 ha lúa nhiễm bệnh vàng lá lúa trên các giống: Khang dân 18, Q5... tập trung ở các xã Hòa Sơn, Thái Sơn, Quang Minh, Hợp Thịnh, Ðại Thành. Bệnh vàng lá lúa năm 2010 xuất hiện với hai hiện tượng vàng khác nhau: vàng lá lúa do vi khuẩn gây ra (tên tạm gọi là đốm sọc vi khuẩn) với diện tích 25 ha và số còn lại là bệnh vàng lá lúa triệu chứng như những năm trước do vi-rút gây ra.
Khi bệnh vàng lá lúa xuất hiện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để mời một số cơ quan chuyên môn ở Trung ương về kiểm tra tình hình dịch bệnh và lấy mẫu phân tích. Ngày 24-8, Trung tâm Bệnh cây Nhiệt đới (Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội) và Cục Bảo vệ thực vật kết luận, lúa ở Hiệp Hòa mắc bệnh vàng lá (chiếm 90% diện tích) là do vi-rút gây ra thông qua mầm bệnh trung gian là rầy xanh đuôi đen. TS Hà Viết Cường, chuyên gia về bệnh cây, Trung tâm Bệnh cây Nhiệt đới nhận định: Hiện chưa có tên chính thức đối với loại bệnh này và cũng chưa có thuốc đặc trị.
Trong thời gian chờ kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, được sự nhất trí của UBND huyện Hiệp Hòa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp Công ty TNHH Ðầu tư Phát triển Thiên Ðức tiến hành thí điểm một số chế phẩm sinh học xử lý bệnh vàng lúa ở một số xã nhằm tăng sức đề kháng cho cây lúa, hạn chế phát sinh của bệnh vàng lá... Phòng đã chọn một số diện tích lúa bị bệnh vàng lá ở mức độ khác nhau của hai xã Hòa Sơn và Thái Sơn để phun chế phẩm sinh học Exin 4.5 HP và một số chế phẩm sinh học khác. Diện tích sử dụng chế phẩm sinh học ở xã Hòa Sơn là 2,5 ha, xã Thái Sơn 1,8 ha. Sau ba lần phun thử nghiệm chế phẩm sinh học này, đối với bệnh vàng lá lúa do vi khuẩn gây ra như ở cánh đồng thôn Trung Sơn đã sạch bệnh, cây lúa hồi phục nhanh và phát triển bình thường như những ruộng không bị bệnh. Còn đối với bệnh vàng lá lúa do vi-rút gây ra ở mức độ nhẹ đến trung bình, khi được phun thuốc sớm, đúng quy trình cho nên cây đã hồi phục nhanh, ra lá mới, rễ mới, năng suất tương đương với ruộng không bị bệnh (khoảng hơn hai tạ/sào).
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Nguyễn Ðức Chính cho biết, về kết quả khảo nghiệm: việc ứng dụng chế phẩm sinh học Exin 4.5 HP trên diện tích năm ha ở những xã trên bước đầu đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, cái tốt ở đây phải căn cứ trên cơ sở các hộ nông dân ở các xã phải tổ chức phun trừ bệnh đúng quy trình kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, phải phòng trừ bệnh sớm khi lá lúa còn non thì sẽ loại bỏ được bệnh và không ảnh hưởng năng suất. Ở vụ tiếp theo, chúng tôi chỉ đạo người dân phải phòng trừ rầy sớm trước và sau khi gieo mạ. Với những diện tích lúa bị bệnh quá nặng, sẽ tiến hành tiêu hủy để không còn nguồn gốc lây bệnh này. Những diện tích lúa bị bệnh vàng lá ở thời kỳ lá non, khi dùng chế phẩm sinh học này có thể khống chế được bệnh, vẫn bảo đảm năng suất.
Bài và ảnh:  MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét