31 thg 5, 2012

Nắng “luộc chín” hàng trăm ha ngao Thái Bình


Cập nhật lúc 17:30, Thứ năm, 03/05/2012 (GMT+7)

Giữa trưa nhưng anh Trào vẫn tranh thủ nhặt xác ngao để vệ sinh bãi nuôi.  
NDĐT - Chỉ trong thời gian khoảng một tuần, nắng nóng liên tục đã “luộc chín” hàng trăm ha ngao đang chuẩn bị cho thu hoạch của người dân, có gia đình thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.
Với người nuôi ngao ở huyện ven biển Tiền Hải, Thái Bình bây giờ như ngồi trên đống lửa, “ruột gan” héo khô.
Hương gió biển mùa này với họ không còn mặn mà nữa để nhường chỗ cho những giọt nước mắt mặn chát, lăn dài trên hình hài đau khổ của những người đi nhặt xác ngao.
Ngao ngán vì ngao
Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa. Để “mục sở thị” bãi ngao chết trắng, chúng tôi phải thuê một chiếc tàu cỡ nhỏ chở ra. Ở biển mùa này tìm được một nơi tránh nắng quả không phải dễ. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đi tìm hiểu nguyên nhân ngao chết chỉ gói gọn mấy từ: nắng nóng, bỏng rát.
Trên diện tích hàng trăm ha ngao cách bờ biển từ 2-3 km, người dân vẫn khom mình hì hụi nhặt xác ngao. Qua lời giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh, chúng tôi tìm đến bãi nuôi ngao nhà anh Nguyễn Văn Trào cách bờ biển khoảng 2,5 km. Gần đến bãi nuôi ngao, mùi ngao chết nồng nặc cộng thêm nắng nóng làm chúng tôi gần như ngạt thở. Đang mải miết nhặt những vỏ ngao nằm la liệt, trắng xóa trên cát, anh Trào buồn bã nói: Cách đây ít ngày là thời điểm ngao chết nhanh và nhiều nhất. Gia đình phải huy động hàng trăm nhân công để thu dọn bãi ngao hơn 1 ha này. Bây giờ nhiều nhà cũng có ngao bị chết, nên thuê người dọn bãi, bồi cát khó lắm. Như mọi năm được “giời phù hộ”, tôi đầu tư 500 triệu/ha ngao, cuối vụ thu về được khoảng 1,5 tỷ đồng. Tính từ hôm ngao chết, còn khoảng 10 ngày nữa là số ngao trên được thu hoạch, vậy mà…- anh Trào chua xót..
Đúng là nghề nuôi ngao không ai biết trước được điều gì!
Mặc dù đã có quãng thời gian hơn 10 năm nuôi ngao, trải qua bao phen sóng gió, nhưng vụ ngao chết hết lần này khiến ông gần như gục ngã. Ông là Mai Xuân Toán, ở thôn Đồng Lạc, xã Nam Thịnh. Đến thời điểm này, gia đình ông có số ngao đỏ chết nhiều nhất trong xã, với diện tích khoảng 4 ha. Tiếp chúng tôi, ông cho biết, khoảng giữa tháng 4-2012, gia đình thấy xuất hiện ngao chết, nhưng sau đó ít ngày ngao thi nhau chết, rồi chết hết!
Trước khi chúng chết thường ngoi lên mặt cát rồi tách vỏ, số còn lại do ở sâu nên khi dọn bãi cào bới rất vất vả. Ông Toán ngậm ngùi: Khoảng 15 ngày nữa thì 4 ha ngao đỏ trên nếu không chết sẽ cho thu hoạch. Ông nhẩm tính, với giá ngao thương phẩm tại bãi hơn 20 nghìn đồng/kg như hiện nay, ước tính bốn ha ngao tôi thu về khoảng 8 tỷ đồng.
“Thua keo này tôi bày keo khác. Hiện tại, gia đình tôi đang thuê hàng chục lao động dọn dẹp, vệ sinh bãi ngao để kịp bơm cát vào cải tạo bãi nuôi ngao trước vụ nuôi mới”-ông Toán buồn rầu.
Nguy cơ ngao chết trên diện rộng
Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh Trần Mạnh Dũng cho chúng tôi biết, xã có khoảng 800 ha ngao, chủ yếu nuôi ngao thương phẩm. Trong đó diện tích nuôi ngao trắng chiếm 80%, còn lại là ngao đỏ, ngao vàng. Tính đến nay có khoảng 300 ha có ngao chết, trong đó 180 ha có số ngao chết từ 5-10%, 30 ha có số ngao chết từ 10-50%, 10 ha có số ngao chết từ 50-90%, 20 ha có số ngao chết từ 90-100%. Uớc tính thiệt hại gần 100 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải cho biết: huyện có tổng diện tích nuôi ngao ngoài bãi triều khoảng 1380 ha ở năm xã, trong đó xã Nam Thịnh có diện tích nuôi lớn nhất (600 ha ngao nuôi thương phẩm và 150 ha ngao ương giống).
Từ đầu tháng 4-2012, Phòng Nông nghiệp huyện nhận được thông tin về hiện tượng ngao chết bất thường tại vùng nuôi ngao xã Nam Thịnh. Sau đó chúng tôi đã cử cán bộ xuống địa phương, phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản... kiểm tra tình hình ngao chết tại đây.
Nói về hiện tượng ngao chết ở Nam Thịnh, ông Tiến nhận định do hai nguyên nhân nóng và mặn. Nếu người dân thi nhau nâng cao bãi càng ngày càng cao như bây giờ, cộng với thời tiết nắng nóng liên tục thì việc ngao chết không có gì là khó hiểu. Bởi mùa hè nắng gắt, nước biển bốc hơi mặn, cộng thêm nền bãi cao… sẽ không phù hợp sự phát triển tự nhiên của ngao. Một nguyên nhân dẫn đến ngao chết là do nhiều hộ nuôi với mật độ nuôi quá dày (2.200 con /m2), trong khi khuyến cáo mật độ để ngao phát triển tốt nhất chỉ nên 700 - 800 con/m2.
Thực tế cho thấy, do người dân nuôi và khai thác quá mức nên nguồn dinh dưỡng trong cát giảm dẫn đến ngao lớn chậm. Bởi thế, sau mỗi mùa thu hoạch ngao, người dân đua nhau cải tạo bãi bằng cách bơm cát vào bãi cho cao lên. Ở những diện tích ngao chết 100%, bây giờ người dân tranh thủ “nâng cấp” bãi nuôi cao lên khoảng 30cm so với mức ban đầu.
Trước thiệt hại của người dân, ông Tiến lo lắng: Có lẽ bây giờ chỉ có mưa mới cứu được ngao ở đây, nhất là những bãi ngao chuẩn bị cho thu hoạch ở xã kế bên. Trước tình trạng này, nguy cơ ngao chết trên diện rộng là điều khó tránh khỏi.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét