5 thg 3, 2012

Khó khăn trong bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông ở Thái Bình


Cập nhật lúc 02:17, Thứ ba, 06/03/2012 (GMT+7)

Khoai tây sau khi thu hoạch của các hộ dân đã bị thối, hỏng khoảng 30% do không tiêu thụ được.  
Thực hiện đề án sản xuất cây vụ đông nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp, vụ đông 2011 - 2012, tỉnh Thái Bình gieo trồng hơn 36 nghìn ha các loại rau, đậu tương và khoai tây... Nếu vụ đông trước người trồng trúng mùa được giá, thì năm nay, cây vụ đông đã trở thành bi kịch của nhiều gia đình...
Chúng tôi đã có nhiều ngày đi khảo sát thực tế việc phát triển cây vụ đông ở các huyện như: Vũ Thư, Kiến Xương, Ðông Hưng, Quỳnh Phụ, từ ngày 14 đến 16-2. Thời điểm này, những cây vụ đông ở các huyện, thành phố đã được người dân thu hoạch xong. Trên diện tích đất cấy lúa hơn 83 nghìn ha của tỉnh Thái Bình, nông dân đang tất bật làm đất, cấy lúa.
Chúng tôi về các xã Nguyên Xá, Song An và Vũ Tiến của huyện Vũ Thư và những xã có phong trào trồng khoai tây và đậu tương từ nhiều năm nay. Gia đình chị Nguyễn Thị Thái là nông dân hăng hái đi đầu trong việc trồng khoai tây ở xã Song An. Năm 2011, gia đình chị trồng bốn sào khoai tây giống Ðức. Ðúng thời điểm như năm 2010, từ ngày 17 đến 20-1 vừa qua, nhà chị Thái đã thu xong diện tích khoai tây, ước tính khoảng hai tấn. Chị Thái cho biết: Năm ngoái thương lái ở khắp mọi nơi đổ xô về xã, còn lội cả xuống ruộng tranh nhau mua khoai tây với giá rất cao, từ 12 đến 17 nghìn/kg, vậy mà năm nay không thấy ai đến hỏi. Một số gia đình lo lắng, trước Tết tự mang sản phẩm của mình ra các chợ lớn của thành phố bán với giá cao nhất mới được bảy, tám nghìn đồng/kg. Còn phần lớn những gia đình khác đành chất đống ở nhà với hy vọng ra giêng giá sẽ lên cao thì bán. Một tháng trôi qua, nhưng đến nay khoai tây vẫn phải đổ đống. Những nhà chăn nuôi lợn, họ tận dụng khoai tây hỏng để làm thức ăn, còn nhà mình thì không biết làm thế nào cả. Thấy chúng tôi muốn tìm hiểu thực tế, chồng chị Thái dẫn chúng tôi ra xem đống khoai tây hơn một tấn cạnh nhà và nói: Bây giờ nghe nói có nhà bán khoai tây giá cao nhất mới được bốn nghìn/kg, nhưng đâu phải ai cũng bán được. Số khoai tây nhà tôi nếu từ giờ đến hết tháng 3-2012 mà không bán được thì chắc chắn sẽ thối hết - chồng chị Thái buồn rầu. Qua quan sát, chúng tôi thấy đống khoai tây nhà chị Thái và những hộ gia đình ở các xã khác, khoai tây đã thối khoảng 30%.
Ðược biết, sau khi người dân gặp khó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở các xã đã giúp người dân thu mua khoai tây nhưng với giá chỉ bằng một phần ba so với năm 2010, cho nên nhiều người vẫn chất đống vì bán đi theo họ không có lãi. Ðược biết, xã Song An và những xã lân cận của huyện Vũ Thư có diện tích trồng khoai tây nhiều nhất năm 2011 bởi phong trào nhà nhà trồng khoai tây.
Tại xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương tình trạng khoai tây được mùa nhưng vẫn chung cảnh ế ẩm. Chủ tịch UBND xã Thanh Tân Bùi Mạnh Hà chia sẻ: Xã có hai cây trồng chủ lực vụ đông là dưa chuột xuất khẩu và khoai tây. Thanh Tân có tổng diện tích đất nông nghiệp 350 ha, trong đó đất cấy lúa, màu (290 ha), cây vụ đông năm nay chiếm 50% diện tích. Vụ này xã có khoảng 300 tấn khoai tây mà dân chưa tiêu thụ được, trong khi kho lạnh của hợp tác xã có sức chứa giúp dân cao nhất được khoảng 50 tấn. Ở đây, khoai tây cũng có giá 4.000 đồng/kg mà không có người mua.
Cùng cảnh ngộ như khoai tây, năm nay cây đậu tương ở Thái Bình còn làm cho nhiều nông dân méo mặt. Thái Bình năm nay có hơn bốn nghìn ha đậu tương. Trước khi thu hoạch, người dân đinh ninh sẽ được một mùa bội thu vì hạt chắc, mẩy. Tuy nhiên, do thời tiết mưa, ẩm kéo dài bắt đầu từ trước Tết đến ra giêng cho nên đậu tương khi thu về không phơi được đã bị mốc xanh rồi thối hết. Có thể nói chưa khi nào nông dân lại khao khát một chiếc máy sấy để bảo quản nông sản sau thu hoạch như hiện nay. Chúng tôi đến xã Nguyên Xá và Vũ Tiến (Vũ Thư) hỏi thăm về cây đậu tương, nhiều người ngán ngẩm không buồn kể. Người dân cho biết, họ đã làm đủ mọi cách như căng bạt che mưa nhưng đến giờ nhiều nhà đậu tương đã thối sạch. Họ ngán ngẩm khi nói rằng, nếu bán được mấy sào đậu tương ủ bạt ở trên trần nhà, may ra mua được cái bạt che mưa.
Về vấn đề này, Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình Phạm Thị Kim Hoàn cho biết: Diện tích khoai tây năm nay trên phạm vi cả tỉnh khoảng 4.595 ha, tăng 1.515 ha so với năm 2011. Như mọi năm, một sào khoai tây có giá trị bằng bảy sào cây trồng khác ở vụ đông. Tuy năm nay giá khoai tây có quá rẻ thì nông dân vẫn có lãi, bởi tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ cho nông dân 50% tiền giống. Bình quân một sào khoai tây năm nay có sản lượng 5-7 tạ/sào, nhân với giá 4.000 đồng/kg, trừ chi phí người dân có lãi khoảng một triệu đồng. Từ trước đến nay, khoai tây vẫn dễ bán, nhưng năm nay mới bị thế này vì không có công ty lớn ở trong miền nam thu mua. Theo bà Hoàn, nguyên nhân cơ bản dẫn tới khoai tây năm nay khó tiêu thụ là vì chính người dân đã phá vỡ hợp đồng mua bán với các công ty trong miền nam. Bởi, năm 2010, những công ty chế biến khoai tây họ đồng ý đầu tư một kg khoai giống đổi lấy ba kg khoai thịt. Tuy nhiên, khi khoai giống và khoai thịt có giá tương đương nhau khoảng 10 nghìn đồng/kg cho nên người dân đã không bán cho họ nữa mà đem bán ở ngoài có thời điểm giá lên 17 nghìn/kg. Do đó, năm nay phần lớn những công ty, nhà máy chế biến khoai tây trong miền nam đã chủ động nguồn nguyên liệu, họ sang bên Trung Quốc mua ở thời điểm tháng 7 đến tháng 8 dẫn tới khoai tây ở Thái Bình và những tỉnh lân cận mới bị ế ẩm như vậy.
Việc Thái Bình mở rộng diện tích cây vụ đông những năm gần đây được các cấp, các ngành và người nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, phần lớn người dân mong muốn tỉnh và Nhà nước cần phải xây dựng các cơ sở chế biến và tính đầu ra cho các sản phẩm cây vụ đông để người dân yên tâm sản xuất.
Bài và ảnh: MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét