1 thg 2, 2012

Gia đình 3 bộ


Gia đình 3 bộ
Vợ chồng ông Mai Kỷ
TTCN - Ở xứ dừa Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định), một miền quê nghèo, có gia đình họ Mai sinh được tám người con. Trong đó, có hai người làm đến chức bộ trưởng, một người là tổng cục trưởng.
Đó là gia đình cụ Mai Cù, còn các con cụ là Mai Kỷ, nguyên bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân số; Mai Liêm Trực, nguyên tổng cục trưởng bưu điện và Mai Ái Trực, đương kim bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường...
Ông Mai Kỷ kể: “Tôi là con trưởng được ông nội đặt tên là Mai Kỷ, với mong muốn tôi trở thành con người kỷ cương, còn năm em trai sau đều do bố tôi đặt tên là Trực, chỉ thay đổi tên lót thôi. Có lần tôi hỏi cha vì sao lại đặt tên như vậy, ông cụ bảo “cả ông nội và bố đều mong các con ai cũng kỷ cương, liêm trực, mực thước, thẳng thắn...”.
Những ngày ly tán
Năm 1947, cụ Mai Cù theo cách mạng, làm đến chức trưởng Ty Tài chính Bình Định. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm trưởng một phòng nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Ngày lên đường ra Bắc, ông hỏi vợ “bây giờ đứa nào theo cha?”. Bà nuốt nước mắt rồi chỉ vào cậu bé Mai Liêm Trực “để nó theo ông!”.
Cũng từ đó gia đình nhỏ của vợ chồng ông luôn phải sống trong cảnh ly tán: người cha cùng Mai Kỷ và Mai Liêm Trực ở Bắc, còn người mẹ cùng sáu con ở lại Bình Định. Cha làm công chức cách mạng lương ba cọc ba đồng, còn người mẹ ở quê quanh năm chăm lo cày cấy. “Mẹ tôi ít học nhưng bù lại bà là người rất thông minh, sắc sảo. Luôn hết lòng vì chồng con, nên dù nhà nghèo nhưng hầu như đứa con nào cũng được học hành” - ông Kỷ tâm sự.
Nói về sự ly tán, thì chính người con cả Mai Kỷ là người xa nhà đầu tiên. Năm 1950, Mai Kỷ đang làm công tác thanh niên của huyện đoàn thì nhận được lệnh của đặc phái viên Chính phủ Phạm Văn Đồng cho đi học Trường chuyên Huỳnh Thúc Kháng (Hà Tĩnh). Nhưng khi đang học lớp 11 thì ông phải vào quân đội (sư đoàn 312) đánh Pháp. Sau chiến dịch Tây Bắc (1952), ông sang Lào. Năm 1953, ông sang Liên Xô học lại bổ túc lớp 10, sau đó học chuyên ngành luyện kim rồi trở về làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông Kỷ còn nhớ mãi chuyện mà cha ông kể lại rằng một lần cha về thăm quê, khi ấy Mai Ái Trực mới chừng 8-9 tuổi. Trên đường về làng giữa trưa nắng đổ lửa, cha ông bắt gặp một thằng bé đang cuốc mì (sắn), nó đội cái nón che lấp cả mặt. Đi qua thằng bé ông ngờ ngợ, rồi thảng gọi tên con thì Ái Trực vứt cuốc ngẩng lên reo mừng “Cha đã về!”. Ôm con vào lòng, mồ hôi con rơi lã chã, còn mắt người cha thì rơi lệ.
Nhà có tám anh em nhưng chỉ có Mai Kỷ, Mai Liêm Trực và Mai Ái Trực là được học hành đến nơi đến chốn, còn lại chỉ học hết phổ thông.
Rạng danh gia đình
Ông Mai Liêm Trực (trái)
Sau hơn chục năm làm thầy, ông Mai Kỷ được điều về phụ trách viện nghiên cứu về luyện kim, được mấy năm rồi lên làm thứ trưởng (Bộ Luyện kim), sau đó làm phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rồi phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch -đầu tư).
Tôi hỏi ông Kỷ: “Học chuyên ngành luyện kim, duyên cớ gì ông lại về làm chủ nhiệm Ủy ban Dân số?”. Trầm ngâm một lát, ông nói: “Đại hội 5, 6 và 7 của Đảng đều đặt ra mục tiêu phải giảm tỉ lệ tăng dân số. Nhưng cả thời Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng Võ Văn Kiệt đều phụ trách công tác dân số nhưng không làm sao giảm được.
Đến khi ông Kiệt lên làm thủ tướng, ông gọi tôi lên nói “cậu phải giúp tớ việc này”. Nghe Thủ tướng nói, tôi cười “anh thừa biết tôi là dân luyện kim, làm sao đi làm dân số được”. Ông Kiệt dứt khoát “Không ai bảo anh đi hướng dẫn dân đặt vòng tránh trai, mà tôi cần một người làm tổ chức về công tác dân số. Và tôi tin là anh làm được”. Từng là phó cho ông Kiệt khi còn ở Ủy ban Kế hoạch nhà nước, tôi biết tính ông đã quyết thì khó thay đổi nên đành gật đầu, dù mình chẳng hiểu gì về dân số cả”.
Thế là tại kỳ họp Quốc hội năm 1992, ông Kỷ trở thành bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân số. Cho đến giờ, nhắc đến ông người ta vẫn phải thừa nhận rằng thời ông làm công tác dân số là thành công: chỉ trong vòng dăm năm, tỉ lệ tăng dân số của VN từ 2,5% đã giảm xuống 1,7%.
Cảm nhận rõ nét nhất về người em Mai Liêm Trực của ông Mai Kỷ là “chú ấy thông minh và thẳng thắn, y như cái tên mà cha tôi đã đặt cho”. Con đường học hành và quan lộ của Mai Liêm Trực khá suôn sẻ. Năm 1954 theo cha ra Bắc, ông được học tại một trường chuyên ở Quảng Ninh. Học xong phổ thông, ông được cử đi học đại học chuyên ngành điện tử ở Đức.
Khi trở về, ông trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi của ngành bưu chính viễn thông của VN lúc bấy giờ. Ông là người có thể đọc và nói thông thạo đến năm ngoại ngữ. Tôi từng được chứng kiến ông chủ trì một hội thảo khoa học về viễn thông quốc tế, khi các chuyên gia nước ngoài nghe ông nói bằng tiếng Anh đều phải trầm trồ. Sau này, khi đã làm tổng cục trưởng bưu điện (nay là Bộ Bưu chính viễn thông), các đồng nghiệp và cấp dưới của ông đều thừa nhận ông là người dễ gần và có chuyên môn sâu.
Ông Mai Kỷ kể rằng năm 2002, trước khi Tổng cục Bưu điện được nâng lên thành Bộ Bưu chính viễn thông, ai cũng nghĩ chức bộ trưởng phải thuộc về ông Trực. Nhưng chính ông là người xin rút, để rồi vị trí ấy thuộc về ông Đỗ Trung Tá. Một lần cấp trên gọi ông Trực lên hỏi “bây giờ ý anh thế nào, có muốn chuyển đi đâu không?”.
Lập tức ông trả lời ngay: “Tôi cũng đã có tuổi rồi nên chẳng ham hố gì, anh cứ để tôi ở lại làm phó cho anh Tá cũng được”. Và sau đó ông làm thứ trưởng thường trực, còn ông Tá làm bộ trưởng dù trước đó ông vẫn luôn là cấp trên của ông Tá. “Đấy, tính nó là thế, cái gì cũng thẳng băng, luôn cống hiến hết mình. Chứ cứ như người ta mà thế thì phải ấm ức, hậm hực lắm!” - ông Kỷ nói.
Và ông bộ trưởng “xúi” dân kiện cán bộ 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực
Khác với hai người anh, ông Mai Ái Trực học hành không được bén giọt lắm. Sống gần mẹ nhưng xa cha từ nhỏ, Ái Trực vất vả từ bé nên cũng chỉ học hành ở trong nước. Ra trường ông trở thành giáo viên dạy toán của trường phổ thông. Chuyên môn là toán nhưng lại mê văn chương, viết lách.
Nên có lần cô giáo dạy văn có việc nghỉ đột xuất, sợ phí thời gian của đám học trò thế là ông “nhảy” vào giảng văn thay luôn. Cũng chính cái sự mê văn chương ấy mà sau này ông chuyển về làm ở báo Bình Định, học thêm bằng đại học tuyên huấn, làm đến giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Bình Định. Rồi sau đó chuyển sang chức chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Định, phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch rồi lên bí thứ tỉnh ủy.
Người nhỏ thó, lại hao gầy, nhưng chẳng ai dám nói ông là người yếu ớt. Cũng bởi cái tiếng nói sang sảng, rành mạch và đặc biệt là thẳng đến mức “không thể thẳng hơn được nữa” của ông. Đầu năm 2002, khi ấy ông đang là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nghe tin đồn ông được triệu về trung ương (thời điểm ấy lại sắp đến ngày chốt danh sách ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội khóa XI), ông lên thẳng trung ương hỏi;
“Nếu các anh quyết tôi về thì để tôi xin rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội tại Bình Định để đưa người khác vào. Để Bình Định có thêm đại biểu ở sát dân hơn?”. Thế là ông tự rút thật, và ông cũng được triệu về trung ương làm bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường thật.
Sau khoảng hai tuần ông được Quốc hội chuẩn y làm bộ trưởng, tôi xin gặp ông để hỏi chuyện đất đai, xem ông bộ trưởng mới có “chiêu gì” xốc lại tình hình lộn xộn ở lĩnh vực này. Ông ngồi vào đúng chiếc bàn và bộ ghế đã cũ của người tiền nhiệm để lại (tổng cục trưởng địa chính Bùi Xuân Sơn). Tỏ vẻ thân thiện, không từ chối trả lời phỏng vấn, cũng không nhận lời mà nói một cách thành thật rằng “qui định về đất đai rất phức tạp, mà mình thì mới về chưa nắm được nhiều. Nên xin hẹn vài tháng sau...”.
Cuộc hẹn qua đi, tôi bị cuốn vào những việc khác nên chưa kịp nhớ lời hẹn, thì mấy tháng sau trên các báo công chúng bắt đầu thấy ông xuất hiện nói về đất đai y như một chuyên gia. Rồi sau đó thấy ông đi khắp nơi lấy ý kiến để xây dựng Luật đất đai. Và chỉ sau đó hơn một năm, Luật đất đai mới ra đời, sau đó là hai nghị định hướng dẫn thi hành luật với độ dài kỷ lục cũng ra đời. Tất nhiên, đó không phải là công sức và trí tuệ của mình ông, nhưng nhắc đến nó là người ta lại nhớ đến ông Trực.
Năm 2004, dân chúng lại được phen bất ngờ khi ông lên tiếng giữa nghị trường chuyện các địa phương đưa ra những qui định “trói” dân về thủ tục nhập hộ khẩu “hộ khẩu đòi nhà, nhà đòi hộ khẩu”. Điều đó là vi hiến và trái với qui định của Luật đất đai.
Càng bất ngờ hơn khi có lần người dân than phiền chuyện “ông địa chính” luôn gây phiền nhiễu, vòi tiền dân và doanh nghiệp khi làm các thủ tục về nhà đất, thì ông lớn tiếng nói “thay vì hối lộ cho cán bộ, người dân hãy đi kiện họ”. Còn mới đây, sắp đến kỳ đại hội Đảng bộ các cấp, ông lại thành lập các đoàn đi kiểm tra việc thi hành Luật đất đai khiến những kẻ tham nhũng đất được phen hú vía.
Cuối năm vừa rồi ông Mai Ái Trực trả lời chất vấn trước Quốc hội, có một đại biểu hỏi “xóc” rằng bộ trưởng đi kiểm tra thì những đối tượng nào tham nhũng đất nhiều nhất, ông Trực nói luôn “cán bộ, lãnh đạo chứ ai”... Cả buổi xem chú em trả lời, ông Mai Kỷ vui lắm. Ông bảo “thằng chú thế mà được!”.
“Nhìn lại công việc của mình cũng như các em, ông có hài lòng không?”, ông Mai Kỷ không trả lời ngay câu hỏi của tôi mà cười sảng khoái. Rồi ông nói: “Tôi nghĩ nếu ông và cha tôi còn sống chắc cũng hài lòng với những gì mà các con cháu mình đã làm. Còn riêng tôi, chẳng dám nói cao sang, nhưng chúng tôi đã xứng đáng với chính cái tên mà cha ông đã đặt”.
BÁ KIÊN - PHƯƠNG HIẾU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét