27 thg 7, 2011

Việt Nam cùng các quốc gia thành viên ASEM ứng phó với biến đổi khí hậu

baomoi.com Cập nhật lúc 16:32, Thứ ba, 07/09/2010 (GMT+7)

Thông qua diễn đàn này, Việt Nam thể hiện rõ sự đóng góp tích cực và chủ động đối với tiến trình hợp tác Á-Âu.  
 
NDĐT - Trong hai ngày 6 và 7-9, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Á - Âu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham dự diễn đàn có 140 đại biểu, trong đó 30 đại biểu quốc tế đến từ 18 quốc gia thành viên ASEM, ba tổ chức quốc tế và 110 các đại biểu Việt Nam.
Diễn đàn này được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam và đồng sáng kiến của Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Anh, Ủy ban châu Âu và In-đô-nê-xi-a đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ chín tại Hà Nội ngày 2526-5-2010.
Khai mạc và chủ trì diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương và đa phương của các quốc gia thành viên thuộc ASEM là rất quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Hà cho biết: các thành quả đã và đang đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên không thể bù đắp được những tổn thất do tác động của biến đổi khí hậu nếu chúng ta không có các hành động hợp tác tích cực và hiệu quả ngay từ bây giờ.
Trong hai ngày làm việc, diễn đàn có 14 tham luận, tập trung vào ba vấn đề chính: tác động của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương và các biện pháp thích ứng; thách thức và cơ hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế các-bon thấp; và các cơ hội hợp tác song phương và đa phương trong ASEM nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo các đại biểu của Pa-ki-xtan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Ô-xtrây-li-a, và Hà Lan, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và tại các quốc gia thành viên đang ngày càng phức tạp. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và tính dễ bị tổn thương cấp khu vực và quốc gia còn thiếu và chưa đồng bộ, gây ra những khó khăn trong việc hợp tác thực hiện hiệu quả các biện pháp thích ứng cần thiết. Các đại biểu cho rằng, hạn chế này là một vấn đề tồn tại không chỉ ở riêng quốc gia nào mà là một vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, hạn chế này mở ra các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia thành viên ASEM thông qua hợp tác song phương và đa phương.
Các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng được các đại biểu nhận định là lĩnh vực ưu tiên cho các nước đang phát triển, nhất là các nước có đồng bằng ven biển hay nền kinh tế ph thuộc vào biển như Việt Nam, Pa-ki-xtan, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin. Hiện nay, các hoạt động thích ứng vẫn hạn chế ở mức độ thí điểm, dựa trên kiến thức cộng đồng và các nghiên cứu ban đầu. Các đại biểu đề xuất hợp tác Á - Âu cần tiên phong trong các hợp tác tổng thể và đồng bộ về thích ứng cấp khu vực và quốc gia.
Diễn đàn thảo luận và xác định các vấn đề trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế các-bon thấp qua các bài trình bày của đại diện cộng đồng châu Âu, Đan Mạch, Ngân hàng thế giới, Vương Quốc Anh, UNDP và Việt Nam. Một trong các khó khăn hiện nay là đang có sự chênh lệch lớn về điều kiện kinh tế - xã hội, kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển thuộc ASEM. Tuy nhiên, sự chênh lệch này tạo ra cơ hội để các nước phát triển giúp các nước đang phát triển xây dựng và thực hiện các dự án, chương trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính một cách tự nguyện trên cơ sở bảo đảm phát triển bền vững phù hợp với khả năng, điều kiện của mỗi nước nhằm góp phần thực hiện Nghị định thư Ky-ô-tô.
Nhiều đại biểu trao đổi về việc tăng cường các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo; xây dựng và thực hiện dự án cơ chế phát triển sạch (CDM); nghiên cứu và thực hiện thí điểm chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD). Các đại biểu nhấn mạnh, các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ của các nước phát triển trong quá trình phát triển nền kinh tế các-bon thấp.
Hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các quốc gia thành viên được thảo luận và xây dựng trên các nguyên tắc: trách nhiệm chung nhưng có phân biệt như đã nêu trong công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho các quốc gia thành viên, và đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu cuối cùng của công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết cho giai đoạn tiếp theo của Nghị định thư Ky-ô-tô.
Diễn đàn góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nước ASEM trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 16) sắp diễn ra tại Mê-hi-cô và cộng đồng quốc tế đang cùng nhau nỗ lực nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.
Kết quả của diễn đàn này sẽ được báo cáo lên Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ tám diễn ra vào tháng 11 - 2010 tại Brúc-xen, Vương quốc Bỉ. Việc tổ chức thành công Diễn đàn này đã góp phần không nhỏ, đưa hợp tác ASEM theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn, thể hiện vai trò tích cực và trách nhiệm của Việt Nam cùng các quốc gia thành viên với việc ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời thể hiện sự đóng góp tích cực và chủ động của Việt Nam đối với tiến trình hợp tác Á - Âu.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét