23/03/2011- nhandan.com.vn
Nhờ áp dụng SXSH ở nhà máy sản xuất bột Can-xít (Phú Thọ) đã giảm được lượng bụi phát tán ra môi trưởng khoảng 32/tấn mỗi năm. |
Sản xuất sạch hơn (SXSH) là cách tiếp cận hệ thống trong sản xuất nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, tăng năng suất lao động, giảm tốc độ ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Ðược khởi xướng bởi Chương trình Môi trường LHQ từ những năm 90 của thế kỷ 20, phương pháp SXSH đã được phổ biến, lan rộng tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới với mục đích giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp giải quyết được những rào cản khi áp dụng SXSH.
Hiện nay, các chuyên gia và tổ chức trong nước và ngoài nước đã có một số nghiên cứu, đánh giá về những yếu tố có thể được coi là rào cản của SXSH tại Việt Nam. Những rào cản này được phân thành bốn loại hình chính gồm: Chính sách của Nhà nước; động lực của cơ sở sản xuất; về kỹ thuật và về quản lý. Chuyên viên Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công thương) Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết: Hiện nay Việt Nam đã xây dựng được hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện, song còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước cho nên nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa thật sự quan tâm đến bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhiều nguồn 'đầu vào' đối với sản xuất như nước và nhân công ở Việt Nam còn quá rẻ so với nhiều nước cho nên các doanh nghiệp chưa mặn mà và nhìn nhận được tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Nhiều doanh nghiệp chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền trong chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước và cho rằng, bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước. Quan điểm chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước trong các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có áp dụng SXSH là tương đối phổ biến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa thật sự hiểu lợi ích của SXSH đối với tính kinh tế của doanh nghiệp, mà đơn thuần cho rằng, SXSH cũng tương tự như việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thường làm tăng thêm chi phí. Về mặt kỹ thuật, nhiều cơ sở sản xuất ở Việt Nam còn yếu về kiểm toán và hạch toán nội bộ cho nên không đo đếm được mức chi phí của doanh nghiệp mình mất đi theo chất thải. Do đó, họ đã không nhận thấy sự cần thiết của việc áp dụng SXSH để giảm chất thải, đồng thời giảm chi phí sản xuất. Việc phổ biến SXSH thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn, nhưng ngay cả các chuyên gia tư vấn ở Việt Nam cũng thiếu về số lượng và chất lượng.
Chính vì vậy, thông qua dự án ODA do Ðan Mạch tài trợ, hiện nay Bộ Công thương đang thực hiện nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ sở sản xuất và tăng cường bổ sung các chuyên gia tư vấn về SXSH cho các địa phương. Loại hình rào cản từ trước đến nay chưa được chú ý nhiều đó là các rào cản mang tính quản lý bao gồm: Văn hóa doanh nghiệp; sự phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của Việt Nam và kỹ năng quản lý của các chủ doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết thêm: Qua đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam có quan điểm ngại thay đổi, do vậy các doanh nghiệp họ quản lý cũng phải chịu văn hóa quản lý 'tĩnh'. Kết quả điều tra cho thấy, đây là nhận định có nhiều phần đúng, và để khắc phục được rào cản này, nhà quản lý cần phải kết hợp giải pháp tăng áp lực từ cơ quan quản lý, đồng thời tăng cường tuyên truyền về lợi ích của SXSH không chỉ trên phương diện môi trường mà quan trọng hơn là lợi ích kinh tế khi đã áp dụng SXSH. Nhận định về tính phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, SXSH là một giải pháp có tính quy trình, hệ thống, chủ động và liên tục trong khi các doanh nghiệp quen thuộc hơn với các giải pháp có tính nhiệm vụ, một lần... Kết quả điều tra cho thấy nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Ðể SXSH phù hợp với Việt Nam, các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cần được Việt hóa như điều chỉnh thuật ngữ cho gần gũi hơn với ngôn ngữ điều hành sản xuất của doanh nghiệp; cách mô tả các bước thực hiện cần đơn giản hóa.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rõ, kỹ năng quản lý của doanh nghiệp đang là một rào cản lớn. SXSH là một công cụ quản lý, để áp dụng, doanh nghiệp trước hết cần phải có hệ thống quản lý tối thiểu. Mặt khác, để đo được lợi ích của SXSH, chủ doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các dữ liệu sản xuất của mình. Tuy nhiên, hiện nay những doanh nghiệp nhỏ lại không có hệ thống lưu trữ dữ liệu sản xuất. Do vậy, việc nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất nói chung cho các doanh nghiệp là cần thiết để giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các phương thức quản lý mới, bao gồm cả SXSH. Qua nghiên cứu cho thấy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật... các cơ quan quản lý cần quan tâm đến các rào cản mang tính quản lý từ đó có biện pháp khắc phục để thực hiện thắng lợi chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020.
Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét