Trang

29 thg 6, 2018

Giáo viên đánh giá đề thi Ngữ văn

Thứ Hai, 25/06/2018, 14:40:46
 

Thí sinh Kỳ thi THPT quốc gia 2018 (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
NDĐT- Ngữ văn - môn duy nhất của Kỳ thi THPT quốc gia thi theo hình thức tự luận đã kết thúc trong buổi thi sáng 25-6. Nhân Dân điện tử xin giới thiệu nhận xét của một số thầy cô về đề thi Ngữ văn năm 2018.
Cô giáo Bùi Thu Hằng - Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội:
Tôi cho rằng, cấu trúc đề thi bám sát đề tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố. Phần đọc hiểu bảo đảm các yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung “đánh thức tiềm lực đất nước” gần như xuyên suốt yêu cầu của đề văn, trừ câu hai phần nghị luận văn học. Đây là vấn đề rất sâu sắc, mới mẻ, và ngay bản thân vấn đề đưa ra với các em học sinh đã có tính phân loại.
Tôi ấn tượng với câu hỏi số 4 phần Đọc hiểu và câu số 1 phần Làm văn, đây là hai câu hỏi có tính phân hóa rất rõ, đòi hỏi chính kiến, quan điểm học sinh rất rõ ràng, suy nghĩ sâu sắc mới có thể trả lời tốt câu hỏi này.
Đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018. (Ảnh: THÙY LINH)
Cụ thể, câu 4 phần Đọc hiểu, học sinh cần cắt nghĩa được quan điểm của tác giả, sau đó yêu cầu có tính nâng cao là học sinh phải phân tích xem quan điểm đó có phù hợp thực tiễn không? Đây là yêu cầu mở, học sinh có thể đồng tình, có thể phản biện, hoặc có thể đồng tình kết hợp phản biện. Đây chính là mảnh đất để học sinh phát huy năng lực.
Với câu 1 phần Làm văn, học sinh phải có một cái nhìn rộng về khái niệm “đánh thức tiềm lực”, theo đó tiềm lực của đất nước không chỉ là tiềm lực về vật chất mà còn là tiềm lực con người, trí tuệ…
Câu 2 phần Nghị luận văn học, yêu cầu phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu); từ đó, liên hệ sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Tác phẩm “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam). Trong đề có vấn đề hiện thực đời sống với những mặt thô ráp và quan trọng là quan điểm của mỗi người trước hiện thực đó và cách phản ánh. Phân hóa nằm ở chỗ học sinh phải nhận xét được cách nhìn hiện thực của hai tác giả. Kỹ năng liên hệ học sinh đã làm quen nhiều trong nhà trường.
Tóm lại, theo tôi đây là một đề thi hay, có ý nghĩa thực tiễn và bảo đảm độ phân hóa.
Cô Vũ Đỗ Quyên, giáo viên Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội):
Phần đọc hiểu, đoạn thơ trích trong “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy với những hình ảnh thơ bình dị, xúc động đã mang đến nhiều suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi cá nhân, đồng thời bám sát thực tiễn đời sống xã hội. Phạm vi kiến thức thể hiện sự xuyên suốt chương trình các năm học, từ thể thơ, biện pháp tu từ. Theo tôi, thí sinh có lực học trung bình có thể làm được.
Phần làm văn, nội dung câu hỏi nghị luận xã hội, suy nghĩ về sứ mệnh của mỗi cá nhân trong việc đánh thức tiềm lực đất nước có ý nghĩa phân loại học sinh, nhắc nhở trách nhiệm cá nhân với sự phát triển của đất nước của dân tộc, từ nhận thức đến đánh thức tiềm lực. Để hiểu và bình luận, không phải học sinh nào cũng làm được tốt. Đề thi như vậy, có giá trị phân loại, học sinh đạt điểm cao hay không là ở câu hỏi này.
Câu 2 phần Làm văn, nghị luận văn học, đây là dạng đề liên hệ, đúng với yêu cầu về dung lượng và phạm vi kiến thức 30% chương trình lớp 11. Trong đó nội dung liên hệ “vẻ đẹp hình ảnh chiếc thuyền” với “cảnh bạo lực gia đình hàng chài”, so sánh sự đối lập “cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu”. Dạng đề liên hệ này là quen thuộc, không khiến học sinh bất ngờ, các em đã được rèn luyện nhiều với dạng đề này nên sẽ làm tốt.
Nhìn chung, đề văn hay, bảo đảm kiến thức cơ bản, đúng với trọng tâm chương trình, rất gần gũi về hình thức và nội dung, cách thức ra đề minh hoạ, đồng thời phát huy tính sáng tạo của học trò, đề cao tính trách nhiệm của công dân với học sinh… Với dạng đề này, để đạt điểm trung bình không khó, nhưng để đạt điểm khá giỏi phải hiểu sâu, kỹ về văn bản, cảm nhận đúng về tác phẩm, nghệ thuật xây dựng hình tượng của nhà văn… mới có thể đạt điểm cao.
Cô giáo Lâm Thị Liễu, giáo viên Trường THPT Giao thuỷ B (Giao Thuỷ, Nam Định):
Nhìn chung, đề thi môn Ngữ Văn năm nay bảo đảm đúng cấu trúc, kiến thức, kỹ năng trong chương trình, vừa sức với thí sinh, nhưng vẫn có sự phân hóa khá cao và có những nét mới. Để đạt được điểm giỏi, các em ngoài kiến thức, kỹ năng cần thể hiện được sự trải nghiệm thực tế.
Cô giáo Lâm Thị Liễu
Về hình thức, cấu trúc đề thi được trình bày rõ ràng, khoa học, bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT đã công bố. Nội dung kiến thức và kỹ năng nằm trong chương trình lớp 11 và 12 (tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12) đúng phương thức tổ chức của Bộ GD-ĐT theo lộ trình đã đề ra.
Về thời gian thi 120 phút là phù hợp, nhưng đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức và kỹ năng nhanh, linh hoạt.
Phần đọc hiểu (3,0 điểm) câu hỏi đề ra tương đối rõ ràng, dễ hiểu với thí sinh, đảm bảo các mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng). Câu hỏi số 1 rất cơ bản với học sinh. Câu 2 là một câu hỏi khá hay dù không mới, thí sinh cần bám sát đoạn trích để trả lời chính xác, ngắn gọn về "tiềm lực tự nhiên của đất nước" được chỉ dẫn bằng những từ khóa cũng rất gần gũi, quen khi các em học môn học Địa lý. Câu 3 phần lớn giáo viên vẫn luyện cho học sinh nên không lạ. Câu 4 có độ mở, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của thí sinh trong năng lực trình bày quan điểm, suy nghĩ, phân loại tốt, thiết nghĩ đây là câu hỏi thí sinh làm bài sẽ rất thích vì không bị gò vào bất cứ khuôn mẫu nào.
Phần làm văn (7,0 điểm) gồm câu nghị luận xã hội dung lượng 200 chữ, được gợi ý từ phần đọc hiểu,các em đã rất quen, hình thức viết đoạn, thực chất vẫn là vấn đề tư tưởng đạo lý của con người, trách nhiệm của cá nhân với đất nước. Để làm được tốt câu này, thí sinh cần biết kết nối kiến thức, kỹ năng đọc hiểu, vận dụng các thao tác lập luận, nghị luận, biết đặt ra các câu hỏi để tìm lý lẽ, có sự kết hợp dẫn chứng linh hoạt, rất cần hiểu biết thực tế và trải nghiệm, hành văn trong sáng, chân thành, đặc biệt tạo được sự xúc động bằng cảm xúc sẽ thuyết phục người chấm để có được điểm cao. Đây cũng là một câu hỏi có độ phân hóa tốt.
Câu nghị luận văn học không mới về kỹ năng hỏi so sánh, đối chiếu từ việc phân tích theo vấn đề. Thí sinh cần đọc kỹ đề bài, bình tĩnh giải quyết theo từng luận điểm đã được chỉ dẫn từ đề ra. Trọng tâm ở câu trước, câu sau liên hệ thêm với nội dung có ở lớp 11 rồi nhận xét, đánh giá, theo đúng cách thức đã được các giáo viên ôn luyện. Tuy nhiên, đây không phải là câu dễ với các em nếu không học kỹ văn bản. Theo tôi sẽ có nhiều bài viết không đúng yêu cầu hoặc lan man, hoặc không biết viết như thế nào, vì không nhớ văn bản. "Chiếc thuyền ngoài xa" của tác giả Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề, ngoài việc các em phải nhớ chuẩn chi tiết, dẫn chứng để làm bài còn cần biết khơi sâu, liên hệ với thực tế, mở rộng, nâng cao, biết kết nối các giai đoạn văn học và đối chiếu với “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam trước Cách mạng tháng Tám để thấy được sự kế thừa và phát huy truyền thống văn học.
Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục Học mãi:
Nhìn một cách tổng quan, đề thi có những đối mới, không tạo ra lối mòn. Vấn đề phần Đọc hiểu đưa ra một vấn đề trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” - một đoạn thơ từ thập niên 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể “chạm tới” những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực và thực tế phát triển của đất nước.
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số băn khoăn về cách đặt vấn đề trong nội dung đề thi. Cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” sẽ đúng tính chất câu hỏi mở nếu xóa bỏ từ “còn” trong câu lệnh. Học sinh sẽ được phát huy tính tích cực trong tư duy và trình bày suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất.
Câu 2 phần Nghị luận văn học đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” và “Hai đứa trẻ” giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm. Tuy nhiên, cách diễn đạt vấn đề nghị luận lại thiếu logic khi các hình ảnh đối lập trong cả hai tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu: khi tạo ra mối quan hệ so sánh đối chiếu giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu…Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm bài làm của học trò.
Cô giáo Vũ Thị Bình, giáo viên Trường Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội):
Cấu trúc đề đúng với cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT, học sinh, giáo viên sẽ không bị bất ngờ với đề thi này.
Các hệ thống câu hỏi ở phần đọc hiểu, bốn câu hỏi đã thể hiện được tiêu chí nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kỹ năng đọc hiểu với những kiến thức cơ bản về tiếng Việt, làm văn,…
Phần Làm văn, ở câu 1 nghị luận xã hội, hỏi về đánh thức tiềm lực, đây là câu hỏi không phải học sinh nào cũng làm tốt, bởi đây là vấn đề cần hiểu sâu, thấu đáo. Đây là phần phân hóa, em nào làm tốt được câu này chứng tỏ là học sinh nắm chắc kiến thức xã hội, có tư tưởng đúng đắn, có ý thức trách nhệm với sự phát triển của đất nước, thấy được trách nhiệm công dân.
Câu 2 có sự liên hệ, so sánh hai tác phẩm văn xuôi, là kiến thức cơ bản, các em đều có thể nắm được vấn đề này. Những bạn học tốt sẽ hiểu hơn, nắm chắc hơn. Tuy nhiên, kiến thức khá dài và rộng đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng xử lý kiến thức phù hợp với thời gian làm bài mới bảo đảm được cấu trúc và kiến thức trong bài văn nghị luận.
Theo tôi, đây là một đề phân hóa và phân hóa cao hơn so với đề năm ngoái. Với đề thi này, tôi cho rằng học sinh của trường tôi sẽ làm được từ 60-80%, đương nhiên sẽ có những em ở mức độ cao hơn nên điểm trung bình sẽ từ 6-8 điểm.
Cái hay của đề phân loại được học sinh. Ngữ liệu trong phần đọc hiểu cũng là ngữ liệu “đánh thức tiềm lực đất nước” và “đánh thức” được ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh đối với đất nước. Tùy theo trình độ, khả năng nhận thức của mỗi học sinh để có thể bàn luận theo những hướng khác nhau.
Cá nhân tôi rất mong có những vấn đề phân loại tốt, văn học gắn với cuộc sống, hình thành nhân cách cho học trò, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Cho nên những đề văn hay là những đề không chỉ có chất văn mà còn đạt được yêu cầu đó.
LÊ HÀ - QUÝ TÙNG - THANH TRÀ
Thực hiện

Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét