Trang

1 thg 5, 2018

Tổ chức ôn thi THPT quốc gia hiệu quả

Thứ Ba, 24/04/2018, 01:22:57
 

Học sinh Trường THPT Phan Ðăng Lưu, huyện Yên Thành (Nghệ An) trong giờ ôn thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: LONG THÀNH
Còn hơn hai tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Từ năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia đã có nhiều thay đổi với phần lớn bài thi, môn thi được tổ chức thi trắc nghiệm. Năm nay, nội dung thi có đưa thêm khoảng 30% kiến thức của chương trình lớp 11. Ðể kỳ thi đạt kết quả tốt, nhiều trường đã có kế hoạch dạy học giảm tải, phân loại học sinh và tổ chức ôn thi hiệu quả.
Những ngày này, ngoài giờ học chính khóa, buổi chiều hoặc các ngày cuối tuần, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tổ chức các lớp ôn thi, dạy học phụ đạo miễn phí cho học sinh lớp 12. Theo thầy giáo Lê Ðăng Việt, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, bước sang học kỳ II, trên cơ sở đề thi minh họa của bộ, nhà trường đã tổ chức thi thử THPT quốc gia nhằm phân loại năng lực học sinh để điều chỉnh cách dạy, cách học. Trong bảy lớp 12, nhiều học sinh làm các bài thi Toán, Tiếng Anh kết quả còn yếu, một số em bị điểm liệt. Vì vậy, Ban giám hiệu đã điều động giáo viên giỏi để ôn tập tăng cường cho học sinh khá, giỏi; dạy học phụ đạo miễn phí cho một lớp gồm 100 học sinh yếu, kém. Cô giáo chú trọng dạy kiến thức cơ bản, kỹ năng phán đoán để học sinh trả lời đúng một số câu hỏi với mục đích tránh điểm liệt. Với cách ôn thi nói trên, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt từ 97 đến 98%, trong đó, nhiều em đạt điểm cao trong đợt xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Kỳ thi năm nay, có thêm nội dung kiến thức chương trình lớp 11, nhưng thầy và trò nhà trường không quá bất ngờ, lo lắng vì đã có kế hoạch phân bổ thời gian dạy học, ôn tập phù hợp. Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có phần lớn học sinh sống ở vùng thuần nông, nhưng những năm gần đây, trường được ghi nhận là "điểm sáng" trong dạy học vì không có học sinh trượt tốt nghiệp. Thầy giáo Ðặng Ðình Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên bộ môn phân tích mức độ khó, dễ của đề thi minh họa, từ đó điều chỉnh cách dạy, cách học phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường đã làm tốt công tác phối hợp cha mẹ học sinh trong định hướng nghề nghiệp, nhằm giúp các em sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn cho mình những trường nghề phù hợp; học sinh khá, giỏi biết cách lựa chọn trường đại học chất lượng, uy tín...
Một trong những yêu cầu đặt ra trong việc tổ chức ôn thi THPT quốc gia là bên cạnh việc tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh, các trường cần chú trọng giúp học sinh chủ động, có phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Học sinh Hoàng Thị Hồng Oanh, lớp 12 A4, Trường THPT Yên Dũng 3, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) chia sẻ, em đã đăng ký dự thi các môn xã hội để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Chương trình môn xã hội được nhà trường xây dựng chi tiết theo hướng giảm tải kiến thức khó, tăng kiến thức vận dụng, liên hệ thực tế. Các thầy giáo, cô giáo liên tục cập nhật những kiến thức mới, dẫn chứng cụ thể, thời sự. Vì vậy, thời gian ôn tập các môn bắt buộc và ba môn xét tuyển đại học, em đã lập kế hoạch cho từng ngày, từng tuần… Thông qua việc ôn tập, giải đề thi, Hồng Oanh nhận thấy, môn Ngữ văn nói riêng và các môn xã hội nói chung bản thân cần trau dồi hơn nữa các kỹ năng viết, tự học, sử dụng thành thạo sơ đồ tư duy để làm tốt bài thi tự luận, trắc nghiệm. Thầy giáo Ngô Quốc Ðường, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) cho biết, để học sinh ôn thi hiệu quả, nhà trường đã chia học sinh khối lớp 12 thành hai nhóm đối tượng thi với mục đích xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Qua phân loại, tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi chiếm 68%; yếu, kém dưới 20%. Trong tổng số 486 học sinh lớp 12, có 150 học sinh đăng ký dự thi với mục đích xét công nhận tốt nghiệp, còn lại là xét tuyển vào đại học. Việc dạy thêm, học phụ đạo được nhà trường tổ chức linh hoạt, học sinh có thể học buổi sáng hoặc buổi chiều và được chọn người dạy. Trong quá trình giảng dạy và ôn tập, thầy giáo, cô giáo thường xuyên rèn cho học sinh kỹ năng quan sát, kỹ năng phân bổ thời gian, kỹ năng trình bày. Các kỹ năng này được rèn luyện thường xuyên, liên tục trong từng chuyên đề, kiểm tra, thi, cho nên học sinh tiến bộ rõ rệt. Ðiều quan trọng, giáo viên phải biết cách giúp học sinh đề ra mục tiêu học tập, có ý thức tự học chứ không phải học do sức ép từ gia đình, nhà trường.
Việc ôn tập tốt kiến thức, trang bị kỹ năng làm bài giúp cho học sinh tự tin bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên cần quan tâm đến kết quả học tập của từng học sinh để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời; thống nhất với cha mẹ bảo đảm thời gian ôn tập, sức khỏe cho học sinh để việc ôn tập đạt hiệu quả cao nhất.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét