Trang

1 thg 11, 2017

Bảo đảm phù hợp điều kiện từng vùng

Thứ Ba, 31/10/2017, 03:28:14
 Font Size:     |        Print
 

Tại phân trường Nặm Cáp thuộc Trường mầm non, tiểu học Minh Khai (Thạch An, Cao Bằng). Ảnh: MAI MAI
Hiện nay, hệ thống trường, lớp học trên cả nước cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập tối thiểu của học sinh. Tuy nhiên, việc phân bố trường, lớp học chưa hợp lý, đồng bộ, đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) cần sắp xếp lại để phù hợp thực tiễn.
Năm học 2017-2018, Bộ GD và ĐT xác định chín nhiệm vụ chủ yếu, trong đó chú trọng rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GD và ĐT trên cả nước. Tuy nhiên, việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở các địa phương chủ yếu quy hoạch theo không gian, chưa chú trọng quy hoạch phát triển các nguồn lực, điều kiện bảo đảm chất lượng, dẫn đến tình trạng bị động trong thực hiện quy hoạch và có nơi còn gây lãng phí. Thực tế cho thấy, do những tác động của tình hình kinh tế - xã hội, chính sách dân số, sự dịch chuyển dân số... dẫn đến tình trạng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có một số thay đổi, thừa, thiếu cục bộ, manh mún, kém hiệu quả. Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, thiếu trường, lớp trầm trọng. Ở khu vực miền núi, trường lớp nhiều điểm lẻ; vùng nông thôn học sinh THCS, THPT giảm mạnh.
Theo Bộ GD và ĐT, các địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nhiều địa phương quan tâm phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp; thành lập mới một số trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn, nhằm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Thống kê của Bộ GD và ĐT cho thấy, mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông năm 2017 tăng về số lượng so với năm trước là 0,6%; trong đó, chủ yếu tập trung vào giáo dục mầm non (tăng 2,3%); số trường tiểu học, THCS, THPT tiếp tục giảm, phù hợp thực tiễn (tiểu học giảm 202 trường, THCS giảm 107 trường, THPT giảm tám trường). Đáng chú ý, nhiều địa phương chủ động xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông đưa vào chỉ thị, nghị quyết của UBND, HĐND tỉnh (thí dụ như Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định…), nhằm huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, toàn tỉnh hiện có 215 trường mầm non, 181 trường tiểu học, 187 trường THCS, 59 trường THPT, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Sau gần ba năm thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học, các mục tiêu chủ yếu trong nghị quyết của tỉnh đối với lĩnh vực GD và ĐT cơ bản hoàn thành. Cụ thể, đã chuyển bốn trường phổ thông dân tộc nội trú, 13 trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên từ trực thuộc Sở GD và ĐT về cấp huyện quản lý; hoàn thành việc thành lập 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Có chín trường học được sáp nhập, gồm hai trường mầm non, bốn trường tiểu học, ba trường THCS. Nhiều trường đã chuyển học sinh về học tại điểm trường trung tâm hoặc điểm trường tập trung, giảm được 188 điểm trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số địa phương thực hiện một cách nóng vội, cho nên hiệu quả chưa cao. Việc sáp nhập các trường, điểm trường ở một số địa phương chưa hợp lý, chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất khi thực hiện. Một số địa phương tổ chức sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đúng quy định, gây mất ổn định và có nguy cơ phá vỡ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên.
Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD và ĐT) Trần Tú Khánh cho biết, theo quy định, việc rà soát, phê duyệt quy hoạch là nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, một số địa phương dồn dịch các điểm trường, sáp nhập trường không đúng quy định; một số chuẩn bảo đảm chất lượng không phù hợp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Việc quy hoạch phát triển giáo dục ở các địa phương chủ yếu là quy hoạch theo không gian mà chưa chú trọng đến quy hoạch phát triển các nguồn lực, điều kiện bảo đảm chất lượng, dẫn đến tình trạng bị động trong thực hiện quy hoạch, gây lãng phí. Các địa phương hiện đã thực hiện quy hoạch phát triển GD và ĐT, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và 2030.
Vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD và ĐT sẽ giúp các địa phương thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo hướng vừa bảo đảm về số lượng, vừa bảo đảm chất lượng, phù hợp điều kiện từng vùng. Để thống nhất, có định hướng đồng bộ trong công tác lập quy hoạch trường, lớp đạt kết quả tốt, ngành GD và ĐT sẽ xây dựng một bộ chuẩn kỹ thuật quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để làm cơ sở cho các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa.
Thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đối với khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp học cần theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại ô để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất; tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cần có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp học hợp lý, trong đó chú ý đối với cấp học mầm non, tiểu học.
QUÝ TÙNG và LONG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét