Trang

30 thg 7, 2017

Cần thống nhất cách hiểu để thực hiện hiệu quả giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ Ba, 25/07/2017, 17:00:57
 Font Size:     |        Print
 

NDĐT - Đó là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận, làm rõ tại Hội thảo giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 25-7 ở Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, STEM là thuật ngữ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Thuật ngữ lần đầu được giới thiệu bởi Quỹ Khoa học Mỹ vào năm 2001. Giáo dục STEM đã được quan tâm và triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới với sự đa dạng về quan điểm, mục tiêu, phương pháp và hình thức triển khai.
Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Hội Đồng Anh triển khai chương trình thí điểm giáo dục STEM cho một số trường trung học thuộc các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định. Đây là những bước đi quan trọng nhằm phát triển một chương trình giáo dục theo định hướng STEM mang tầm quốc gia.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, PGS,TS Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chủ biên chương trình môn Công nghệ cho biết: Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEM tại Việt Nam.
Một trong các giải pháp được chỉ rõ trong Chỉ thị nói trên là: “Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, Ngoại ngữ, Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông…”.
Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Thúc đẩy triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017-2018…”. Với việc ban hành Chỉ thị trên, Việt Nam chính thức ban hành chính sách thúc đẩy giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông. Điều này sẽ tác động lớn tới việc định hình chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo lý giải của PGS,TS Lê Huy Hoàng, STEM không phải là môn học mà thông qua đó thúc đẩy giáo dục các môn, lĩnh vực học như: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học; tiếp cận tích hợp, liên môn; phát triển năng lực và phẩm chất người học. Vì vậy, để triển khai hiệu quả giáo dục STEM trước hết cần thống nhất cách hiểu về STEM, tiếp đến là cách thực hiện.
Trong khi đó, theo PGS,TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đổi mới phương thức giáo dục theo định hướng STEM đã được triển khai như: Bàn tay nặn bột; dạy học tích hợp, liên môn; hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; mô hình trường học gắn với sản xuất, kinh doanh bước đầu khẳng định tính khả thi, hiệu quả.
Tuy nhiên, qua triển khai thực tế cho thấy, nhận thức về giáo dục STEM của cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế. Các chủ đề STEM chưa thay thế được các tiết học truyền thống. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các chủ đề giáo dục STEM chưa chú trọng khâu “thiết kế” mà chỉ tập trung nhiều vào “thi công”; nhiều dự án làm lại theo mẫu, theo quy trình có sẵn…
Vì vậy, hội thảo lần này được tổ chức với mục đích làm rõ khái niệm STEM để thống nhất cách hiểu và thực hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét