Trang

27 thg 2, 2017

Tiếp cận kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông

Thứ Ba, 28/02/2017, 02:58:58
 Font Size:     |        Print
 

Điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới giúp người học linh hoạt, nâng cao năng lực tự học. Trong ảnh: Phụ huynh dẫn con tìm mua sách, tham khảo tài liệu học tại nhà sách Tiền Phong (Hà Nội).
 Font Size:     |  
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) để bắt đầu thực hiện từ năm học 2018-2019. Điểm nổi bật trong xây dựng chương trình GDPT mới là tiếp cận kinh nghiệm quốc tế; thay đổi cách tiếp cận từ nội dung kiến thức làm cho người học quá tải và thụ động chuyển sang phát triển phẩm chất, năng lực người học; giúp người học năng động, linh hoạt, bảo đảm việc dạy chữ và dạy người.
Thực tế cho thấy, GDPT luôn có vị trí, vai trò quan trọng đối với ngành GD và ĐT nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ; sự biến động của xã hội, đòi hỏi GDPT cần tạo ra những công dân năng động, sáng tạo. Trong xây dựng chương trình GDPT mới, Bộ GD và ĐT đã bám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT” và Nghị quyết số 88-2014/QH 13 ngày 28-11-2014 về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT”. Hai nghị quyết nói trên đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đổi mới giáo dục là chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; đổi mới chương trình phù hợp xu thế quốc tế. Vì vậy, việc học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình GDPT là yêu cầu tất yếu.
Theo nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, xu thế xây dựng chương trình GDPT của thế giới (Anh, Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc…) thường tập trung vào các vấn đề như: triết lý và tư tưởng giáo dục; cách tiếp cận phát triển chương trình; mục tiêu và chuẩn GDPT; tích hợp, phân hóa; đánh giá và thi cử; cách xác định năng lực cốt lõi. Theo xu thế quốc tế, triết lý và tư tưởng giáo dục luôn bám sát bốn trụ cột của UNESCO là học để biết; học để làm; học để chung sống; học để sống và hiểu bản thân, phù hợp bối cảnh lịch sử. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện quan điểm phát triển chương trình theo hướng tiếp cận năng lực người học, bao gồm năng lực chung và năng lực cốt lõi. Một số năng lực được nhiều nước chú ý là năng lực tự học, học cách học; năng lực tự chủ, tự quản lý; năng lực hợp tác; năng lực giao tiếp; năng lực tư duy phê phán, sáng tạo; năng lực giải quyết vấn đề. Ngoài các năng lực chung, cốt lõi, nhiều nước cũng đưa ra các năng lực đặc thù, được thể hiện trong các lĩnh vực, môn học; cách tiếp cận năng lực không loại trừ cách tiếp cận nội dung.
Mục tiêu và chuẩn GDPT đều thể hiện yêu cầu phát triển năng lực; chú trọng phát triển toàn diện, hài hòa, coi trọng phẩm chất cá nhân, ý thức cộng đồng; bảo đảm chuẩn đầu ra. Xu thế quốc tế cũng nhấn mạnh và coi trọng việc tích hợp và phân hóa theo từng cấp học; hình thành các môn học tự chọn từ cấp THCS; chú trọng phân luồng sau THCS. Việc phân ban, tự chọn môn học và phân hóa sâu được thực hiện ở hai năm cuối cấp THPT. Học sinh sẽ học một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Đáng chú ý, xu thế quốc tế đặc biệt coi trọng việc đánh giá kết quả học tập và thi cử của học sinh (bao gồm đầu vào, đầu ra); coi trọng đánh giá quá trình; đánh giá hằng năm, định kỳ; đánh giá quốc tế. Ngoài ra, xu thế quốc tế cũng chỉ ra một số bước xác định năng lực cốt lõi và đề xuất trong điều kiện của Việt Nam như: Xác định triết lý, mục tiêu giáo dục, phát triển các thành phần nhân cách học sinh hướng tới; phát triển nhu cầu, lĩnh vực hoạt động trong thời gian tới.
Theo Ban soạn thảo chương trình GDPT, căn cứ quan trọng để xây dựng chương trình GDPT là dựa trên quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục cũng như xuất phát từ nhu cầu phát triển đất nước, những tiến bộ của thời đại về khoa học và công nghệ. Việc thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất người học trong chương trình GDPT dựa trên triết lý giáo dục như: thực học - thực nghiệp; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; phân luồng và hướng nghiệp. Trong đó, chương trình lấy người học làm trung tâm, tích cực hóa hoạt động học tập; kết hợp giáo dục nhà trường với gia đình và xã hội.
Qua tiếp cận kinh nghiệm quốc tế, dự kiến chương trình mới sẽ tích hợp mạnh ở cấp tiểu học (lớp 1, 2 và 3) đối với môn Lịch sử, Địa lý. Cuối cấp tiểu học và THCS sẽ tích hợp nội dung dạy học ở một số môn, lĩnh vực thành môn học mới (Khoa học, Tìm hiểu Xã hội hoặc Lịch sử, Địa lý). Chương trình mới cấp THPT sẽ có một số môn học bắt buộc, đồng thời học sinh được tự chọn một số môn và chuyên đề học tập; bố trí kế hoạch giáo dục linh hoạt. Các môn học có thể được xây dựng theo hai mức độ là cơ bản và nâng cao. Đối với lớp 10, học sinh có thể chỉ học từ sáu đến bảy môn (theo nhu cầu hướng nghiệp) thay vì 13 môn như chương trình hiện hành. Việc phân hóa bằng hình thức tự chọn môn học được thực hiện mạnh ở lớp 11 và 12 theo định hướng nghề nghiệp. Mỗi học sinh chỉ cần đăng ký năm môn học. Ngoài các môn học tự chọn, học sinh có thể đăng ký học thêm các môn theo sở trường, sở thích…
Cũng theo Ban soạn thảo chương trình GDPT, yêu cầu đặt ra trong chương trình GDPT mới là bảo đảm sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, lớp học; kế thừa, phát triển các chương trình GDPT đã có; tiếp thu có chọn lọc chương trình GDPT của các nước có nền giáo dục phát triển; liên thông giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Một trong những nội dung quan trọng mà chương trình mới hướng đến là phát triển phẩm chất, năng lực người học. Các phẩm chất chủ yếu trong chương trình GDPT mới đề ra đối với người học là nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật, trung thực, dũng cảm. Có hai loại năng lực chính trong chương trình mới là năng lực cốt lõi và năng lực chuyên biệt (năng khiếu). Trong năng lực cốt lõi bao gồm năng lực chung (tự chủ, hợp tác, sáng tạo) và năng lực đặc thù (sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất).
Đánh giá việc xây dựng chương trình GDPT mới, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đến nay, dự thảo chương trình GDPT mới được đánh giá có chất lượng. So với trước đây, dự thảo chương trình GDPT mới có điểm nổi bật là thay đổi cách tiếp cận từ nội dung kiến thức làm cho người học quá tải và thụ động chuyển sang cách tiếp cận phát triển năng lực người học, giúp người học năng động, linh hoạt, bảo đảm việc dạy chữ và dạy người.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét