Trang

3 thg 11, 2016

Vẫn còn tình trạng ép mua bảo hiểm tự nguyện cho học sinh

Thứ Sáu, 04/11/2016, 03:04:41
 Font Size:     |        Print
Năm nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), các trường không được thu bảo hiểm tự nguyện (BHTN) của học sinh (có nơi gọi là bảo hiểm thân thể, bảo hiểm toàn diện, bảo hiểm tai nạn); việc mua - bán BHTN là sự thỏa thuận trực tiếp giữa đơn vị kinh doanh bảo hiểm và phụ huynh, học sinh. Thế nhưng, nhiều trường bất chấp quy định, vẫn ép phụ huynh đóng BHTN cho học sinh như những năm trước.
Những bất cập trong triển khai BHTN trong trường học, Báo Nhân Dân số báo ra ngày 6-11-2014 đã đăng bài “Buông lỏng quản lý BHTN ở trường học". Đó là tình trạng nhà trường không nói rõ BHTN là không bắt buộc mua, nhà trường đơn phương thông báo mức đóng BHTN, phụ huynh không được biết con em mình tham gia BHTN của đơn vị nào, không được nhận giấy chứng nhận bảo hiểm. Trước phản ánh của dư luận và kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng về thực trạng làm trái quy định BHTN như nói trên, tháng 1-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời cử tri, cho biết, đã yêu cầu các sở GD và ĐT kiểm tra, rà soát thực trạng và có giải pháp chấm dứt tình trạng nêu trên tại các trường học. Đến tháng 9-2015, Bộ ban hành tiếp Công văn 4660/BGDĐT-CTHSSV yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo “không tổ chức thu các khoản BHTN”. Bộ GD và ĐT cho biết, sau khi ban hành Công văn số 4660 nói trên, Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại một số tỉnh, thành phố, kết quả cho thấy, các cơ sở giáo dục, các nhà trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Bộ. Nếu trường vẫn thu thì các cơ quan quản lý giáo dục địa phương phải nhắc nhở, đình chỉ việc thu và xử lý theo quy định. Thế nhưng, năm học 2016-2017 này, tình trạng nhà trường tổ chức thu BHTN vẫn tái diễn.
Tại Hà Nội, một phụ huynh có con học tại Trường Mầm non An Dương (quận Tây Hồ) cho biết, nhà trường thông báo mức thu 100 nghìn đồng nhưng không phổ biến có bắt buộc hay không, cho nên phần lớn phụ huynh tưởng là bắt buộc, đành phải tham gia. Một số người sau khi đóng tiền mới biết BHTN không phải bắt buộc nhưng vì ngại cô giáo, sợ ảnh hưởng đến con đang theo học ở đây, cho nên không yêu cầu nhà trường trả lại. Tại các trường như: THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trường Tiểu học Mai Động (quận Hoàng Mai), Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ)... nhà trường đều thu tiền BHTN, với mức tiền từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng. Một số trường dù thông báo BHTN không bắt buộc nhưng khi thu tiền lại không tách riêng BHTN, cho nên phụ huynh cũng “ngậm ngùi” nộp tiền. Ở tỉnh Nghệ An, nhiều phụ huynh băn khoăn khi quy định mới không được các nhà trường thực hiện nghiêm túc. Chị Nguyễn Thị Hiền là phụ huynh học sinh Trường THCS Hưng Dũng và Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 cho biết, cả hai trường cô giáo chủ nhiệm đều ghi BHTN trong danh sách các khoản phải đóng, dù biết đây là khoản thu không bắt buộc nhưng chị phải đóng vì ngại cô giáo. Dù đã mua BHTN cho con nhiều năm nhưng chưa năm nào chị Hiền được nhận giấy chứng nhận tham gia BHTN và không biết đã mua của hãng bảo hiểm nào. BHTN cũng được nhiều trường ở tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thu tiền, trái với hướng dẫn của Bộ. Tại Vĩnh Phúc, Phòng GD và ĐT huyện Tam Dương còn ban hành văn bản gửi các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn và yêu cầu các trường không giới thiệu các đơn vị cung cấp BHTN mà Phòng GD và ĐT sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ BHTN, bảo đảm thống nhất giữa các trường trong toàn huyện.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc năm nay triển khai bán BHTN tại các trường như thế nào sau khi Bộ GD và ĐT không cho phép nhà trường tổ chức thu tiền, đại diện một đơn vị kinh doanh bảo hiểm cho biết, mọi thủ tục vẫn phải thông qua nhà trường như các năm trước. Nguyên nhân, do đơn vị bảo hiểm không thể đủ người và thời gian để đến các trường, phải nhờ các cô giáo chủ nhiệm lập danh sách, thu tiền giúp. Nhà trường cũng không có phòng dành riêng cho cán bộ bảo hiểm đến bán bảo hiểm. Danh sách học sinh tham gia BHTN vẫn phải do nhà trường lưu lại để đối chiếu, xác nhận khi học sinh bị ốm, tai nạn. Đơn vị bảo hiểm này cũng cho biết, so với năm trước, số học sinh tham gia BHTN năm nay không giảm, các trường có học sinh tham gia đều được trích lại phần trăm hoa hồng trên tổng số tiền học sinh đóng. Một giáo viên dạy tiểu học tại TP Vinh (Nghệ An) cho biết, cô được nhận tiền hoa hồng khoảng 18 nghìn đồng/học sinh tham gia BHTN. Việc không có giấy chứng nhận bảo hiểm là không bảo đảm quyền lợi cho học sinh, đã có trường hợp học sinh cắt a-mi-đan, phải nằm viện điều trị dài ngày nhưng không được thanh toán theo quy định vì danh sách không lưu tên, giấy chứng nhận cũng không có. Một số giáo viên chủ nhiệm tiết lộ, do không được thu BHTN, nhiều trường đã không đưa việc tham gia BHTN vào chỉ tiêu thi đua của lớp như các năm trước, nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn yêu cầu giáo viên “nói khéo" để càng nhiều học sinh tham gia càng tốt.
BHTN trong trường học góp phần chăm lo sức khỏe cho học sinh qua việc hỗ trợ chi phí điều trị khi học sinh không may bị tai nạn, ốm đau... Không ít phụ huynh đã chủ động mua BHTN để bù đắp hậu quả tài chính khi rủi ro xảy ra. Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho bên mua. Điều 17 Nghị định 45/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức”. Nghị định 45/2007/NĐ-CP cũng khẳng định, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bảo hiểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Để BHTN trong trường học thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm thuận lợi cho bên mua và bán, Bộ GD và ĐT, các sở GD và ĐT cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh thực trạng, có hướng dẫn rõ hơn việc triển khai trong trường học chứ không chỉ “cấm thu” một cách chung chung; xử lý nghiêm các trường hợp ép buộc phụ huynh, học sinh mua BHTN; yêu cầu đơn vị kinh doanh bảo hiểm nghiêm túc cấp 100% số giấy chứng nhận cho học sinh tham gia. Các nhà trường cần tuyên truyền rõ BHTN là không bắt buộc, tuyệt đối không ép buộc hay đưa ra thông tin mập mờ khiến phụ huynh hiểu sai về BHTN. Việc chấn chỉnh không khó nhưng nếu không làm kiên quyết thì BHTN sẽ gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh trong những năm học tới.
Bộ GD và ĐT không quy định cấm mà yêu cầu các cơ sở giáo dục không tổ chức thu các khoản BHTN. Việc thực hiện BHTN là do các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành và việc tham gia là do cha mẹ học sinh và học sinh, sinh viên tự nguyện lựa chọn. Các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục không can thiệp vào việc lựa chọn bảo hiểm, không lựa chọn doanh nghiệp và không giới thiệu doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngũ Duy Anh
Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Hà Linh và Mai Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét