Thứ Sáu, 21/10/2016, 02:35:41
Để khắc phục hậu quả của mưa lũ, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) cũng như các trường, lớp trên địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã và đang phối hợp các lực lượng: Bộ đội, công an, y tế… tăng cường nạo vét bùn, đất, lau chùi bàn, ghế, huy động học sinh tới trường.
Trên những nẻo đường dẫn đến các khu dân cư, trường học dọc vùng rốn lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn còn bùn, nước. Bùn non cùng với rác rưởi, xác động vật, thực vật chết tạo nên mùi xú uế khó chịu. Vết bùn nâu bạc còn hằn rõ trên từng bụi cây cao đến vài mét đã phần nào nói lên sự tàn khốc của trận mưa lũ vừa qua.
Đến Trường mầm non Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh), chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những hình ảnh hoang tàn sau lũ lụt. Tất cả các lớp học, sân trường, đồ dùng dạy học, đồ chơi của giáo viên, học sinh đều lấm lem bùn đất. Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Đô chia sẻ: Do trường ngập sâu cho nên các phòng ăn bán trú, hệ thống điện, loa, đài cùng nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy học bị hư hỏng hết.
Tại Trường mầm non Hương Trạch, mưa lũ cũng làm ba trong số bốn điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó, điểm Tân Dừa bị ngập sâu trong nước, năm phòng học bán trú bị hư hại hoàn toàn. Mưa lũ cũng nhấn chìm và làm hư hỏng nhiều máy chiếu, máy vi tính, loa, đài, đồ chơi, tài liệu học tập, giảng dạy. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Hương Khê Trần Ngọc Hùng thông báo: Một số trường học ở các xã như: Phương Mỹ, Phương Điền, Hòa Hải hiện nước còn ngập cho nên chưa thống kê đầy đủ các thiệt hại.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Tiến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Minh B (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) nhớ lại: Nước lên nhanh bất ngờ, ngập sâu hơn hai mét làm cho phần lớn bàn, ghế, sách vở học sinh để lại lớp và hệ thống máy chiếu của trường bị lũ cuốn trôi, hư hỏng. Sau khi nước rút, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tập trung làm vệ sinh. Đến nay, học sinh đã trở lại lớp nhưng trên khuôn mặt các em vẫn phảng phất nỗi buồn vì thiếu sách, vở, quần áo. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng chục trường học dọc sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cũng rơi vào cảnh tương tự khi các em đến trường nhưng còn thiếu sách, vở, đồ dùng học tập.
Tại Hà Tĩnh, với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, công tác vệ sinh trường, lớp đang gấp rút triển khai và cơ bản hoàn tất. Nước rút đến đâu, bùn cát được đẩy ra đến đó. Việc dọn dẹp vệ sinh, lau chùi bàn, ghế, đồ dùng học tập diễn ra hết sức khẩn trương. Nhiều nơi, phụ huynh còn mang máy bơm để xịt rửa tường, nền lớp. Ngành GD và ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trường lên kế hoạch dạy học bù và có biện pháp phòng, chống mưa lũ. Đến nay, 100% số học sinh ở thành phố Hà Tĩnh và các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đã đến trường học tập. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục trường, chủ yếu ở vùng thấp, vùng rốn lũ, dọc các triền sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La… với hơn 30 nghìn học sinh chưa thể đến trường. Trong đó, tại huyện Đức Thọ có hơn 11 nghìn học sinh phải nghỉ học, Hương Khê gần 7.700, Can Lộc hơn sáu nghìn, Vũ Quang gần ba nghìn, Hương Sơn khoảng 2.500 em…
Mưa lũ đã làm bảy học sinh chết và một giáo viên ở Quảng Bình bị thương. Ngoài ra, 70% số trường học trên địa bàn bị thiệt hại nặng, nhất là tại các phòng học, phòng chức năng, nhà nội trú và hàng trăm bộ máy vi tính, máy in, máy phô-tô-co-py... Ngoài ra, còn hơn 50 nghìn bộ sách giáo khoa và gần 30 nghìn bộ thiết bị dạy học của giáo viên bị ướt, hư hỏng.
Với tinh thần khắc phục khẩn trương, nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó, đến nay, hơn 90% số trường học, trung tâm và cơ sở giáo dục của tỉnh Quảng Bình đã đưa học sinh quay trở lại trường học tập. Tuy nhiên, vẫn còn 25 trường và điểm trường mầm non, tiểu học, THCS ở các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn do nước lũ chưa rút hết, đang dọn dẹp vệ sinh cho nên chưa thể tổ chức dạy và học. Dự kiến đến ngày 21-10, các trường còn lại sẽ tổ chức học bình thường. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Quảng Bình Trần Đình Nhân khẳng định: Trước mắt, các trường khắc phục bằng cách tổ chức học ghép lớp và tổ chức học tăng cường các môn liên quan đến máy chiếu, máy vi tính, đồng thời có biện pháp tích cực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho số học sinh có nguy cơ bỏ học sau lũ tiếp tục đến trường.
Bộ GD và ĐT kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành cùng các em học sinh, sinh viên cả nước ủng hộ giúp các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh vùng lũ sớm khắc phục hậu quả bảo đảm việc dạy và học. Bộ cũng yêu cầu sở GD và ĐT các tỉnh bị thiệt hại báo cáo kịp thời số liệu thiệt hại do mưa lũ gây ra với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND để xin ý kiến chỉ đạo và phương án hỗ trợ. Đồng thời, báo cáo về Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD và ĐT) để có phương án chỉ đạo, khắc phục và hỗ trợ kịp thời.
Bài, ảnh: MAI CHÂU GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét