Trang

10 thg 10, 2016

Biến tướng dạy thêm, học thêm

Thứ Năm, 06/10/2016, 04:35:01
 Font Size:     |        Print
Những năm gần đây, dạy thêm, học thêm luôn là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Trên thực tế, nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật, nhưng điều mà dư luận lo lắng là làm thế nào để dạy thêm, học thêm không bị biến tướng.
Muôn kiểu tăng thu
Dạy thêm, học thêm (DT, HT) đúng quy định có mặt tích cực, góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh. Tuy nhiên, việc DT, HT thường bị biến tướng kéo theo những hệ lụy và ngày càng gia tăng.
Tại Hà Nội, nhiều trường THCS tổ chức DT, HT trong nhà trường với cách thức tổ chức, thu tiền gây bức xúc cho phụ huynh. Một phụ huynh có con học lớp 6, Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng) cho biết, trường vừa thu tiền học thêm hè ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh (11 buổi) là 1.250.000 đồng là quá cao. Tại Trường THCS Mai Động (quận Hoàng Mai), một số phụ huynh cho biết, một tuần học sinh học thêm ba buổi với mức thu 312 nghìn đồng/tháng. Tại Trường THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai), phụ huynh phản ánh ngày nào con em họ cũng phải học thêm bốn tiết buổi chiều. Chi phí học thêm của ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh là 1.230.000 đồng/tháng.
Giải thích về việc tổ chức DT, HT, phần lớn lãnh đạo các trường đều cho rằng “đúng quy định”. Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Nghiêm Thúy Trâm cho rằng, trường tổ chức cho học sinh học thêm theo đúng quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND của TP Hà Nội với mức thu 13 nghìn đồng/tiết/học sinh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND quy định việc thu 13 nghìn đồng/tiết/học sinh áp dụng cho những lớp học có 10 đến 20 học sinh. Còn những lớp có 40 đến 50 học sinh chỉ được phép thu 6 nghìn đồng/tiết/học sinh. Phần lớn các lớp học thêm của Trường THCS Ngô Gia Tự có sĩ số 40 đến 50 học sinh. Khi được hỏi vấn đề nêu trên, Hiệu trưởng Nghiêm Thúy Trâm cho biết, sẽ kiểm tra lại số tiền học thêm hè đã thu của phụ huynh.
Hiệu trưởng Trường THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Thủy khẳng định, trường chỉ dạy sáu tiết một tuần, áp dụng cho tất cả các khối và mức thu nhóm lớp dưới 20 học sinh là 12.500 đồng/tiết. Nếu tính như vậy, một tháng học sinh sẽ học 24 tiết và mức học phí sẽ khoảng hơn 300 nghìn đồng cho cả ba môn. Vậy số tiền nhà trường thu của phụ huynh lên đến 1.230.000 đồng/ tháng không hiểu là để làm việc gì?
Việc DT, HT không đúng quy định cũng được ghi nhận tại một số địa phương. Ở tỉnh Điện Biên, Trường THPT Thanh Chăn có hiện tượng giáo viên dạy thêm trước chương trình chính khóa và dạy thêm quá số buổi theo quy định. Tại TP Hồ Chí Minh, theo phản ánh của phụ huynh Trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình), cô giáo Đ.N, giáo viên môn Tiếng Anh vẫn dạy luyện thi chứng chỉ Cambridge cho học sinh lớp 4 và lớp 5 với mức thu là 500 nghìn đồng/học sinh/tháng. Tại Trường THPT Cao Bá Quát, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc, thời gian gần đây, nhiều phụ huynh có con học tại trường bức xúc vì từ đầu năm đến nay, tất cả các học sinh đều phải đi học phụ đạo tại trường. Tuy nhiên, lúc thì nhà trường cho biết là học phụ đạo, lúc thì giải thích là học tăng tiết.
Ngoài ra, việc DT, HT đã biến tướng khi có một bộ phận không nhỏ giáo viên thuê địa điểm rồi đưa học sinh tới học hoặc dạy thêm “núp bóng” dưới hình thức các trung tâm. Điều đáng nói là có nhiều giáo viên chủ nhiệm dạy thêm chính học sinh của mình và trực tiếp gửi tin nhắn thông báo lịch học, tiền học thêm cho phụ huynh trong lớp mà chưa có bất kỳ thỏa thuận nào với gia đình.
Đâu là giải pháp?
Việc DT, HT đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) quy định rõ trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Theo đó, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày; đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động DT, HT phải công khai danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu DT, HT; mức thu tiền học thêm.
Tại một số địa phương, đã có sự vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết những biến tướng trong DT, HT. Sở GD và ĐT Điện Biên đã xử lý nghiêm việc DT, HT hè 2016 của Trường THPT Thanh Chăn, dừng việc dạy thêm trước chương trình chính khóa và không tổ chức dạy thêm quá số buổi theo quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong việc tổ chức DT, HT trong hè 2016. Tại TP Hồ Chí Minh, cô Đ.N là giáo viên đầu tiên bị kỷ luật với hình thức khiển trách, không xét thi đua năm học 2016 - 2017 và trả lại số học phí còn lại cho học sinh. Sở GD và ĐT tỉnh Đác Lắc yêu cầu Trường THPT Cao Bá Quát dừng việc DT, HT trong trường đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra sai sót vì nhà trường chưa giải thích rõ ràng DT, HT, dạy tăng tiết, phụ đạo trong việc phổ biến đến phụ huynh, học sinh, dẫn đến hiểu nhầm, gây bức xúc trong xã hội...
Khẳng định việc giáo viên tự tổ chức các lớp, các nhóm dạy thêm ngoài nhà trường là sai nguyên tắc và vi phạm quy định, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT thành phố Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng: Để xảy ra tình trạng này, cần xem xét công tác quản lý của các trường và các địa phương. Các trường phải mạnh dạn đấu tranh với các hiện tượng như trên bởi phụ huynh vì cả nể, lo sợ hoặc vì lý do nào đó mới đồng ý cho con đi học thêm. Phụ huynh và học sinh phải xác định quyền học là do mình, do con mình, nếu gia đình muốn các con được mở mang và làm giàu kiến thức thì đăng ký với giáo viên mà mình tin tưởng.
Trong khi đó, ở góc độ là một nhà tâm lý giáo dục, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết: DT, HT là nhu cầu có thật. Người giỏi cần phát triển, người kém cần bù đắp kiến thức. Nhưng cần nhớ rằng, khi đã làm xong việc đó thì phải "thả" học trò ra, chứ không phải dạy thêm tràn lan theo cách các thầy cô đang thực hiện như hiện nay, sẽ khiến cho nền giáo dục càng tụt hậu thay vì phát triển. Thời lượng các cấp học khác nhau. Nhà trường không được đổ lỗi cho chương trình, sách giáo khoa nặng, thời gian dạy trên lớp ít cho nên phải dạy thêm, như thế là không có tính thuyết phục. Nếu giáo viên giỏi thì phải biết cân đối chương trình, biết dạy cơ bản và nâng cao. TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ĐT), cho rằng DT, HT về bản chất là một hoạt động tốt trong nhà trường. Tuy nhiên cần giải quyết triệt để những biến tướng trong DT, HT và xử lý trực tiếp những cá nhân, tổ chức đã làm sai.
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, quan điểm của Bộ GD và ĐT là cấm dạy thêm một cách tràn lan, không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm hay ra đề thi trong phần dạy thêm. Ngoài ra, ngành giáo dục đang trong lộ trình đổi mới chương trình, SGK cho hợp lý và hiệu quả hơn giữa các nội dung, môn học, cấp học. Trong khi chờ chương trình, SGK mới, Bộ GD và ĐT đang rà soát để điều chỉnh một cách hợp lý, hiệu quả chương trình phổ thông hiện hành. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần phải sát sao hơn nữa để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về DT, HT.
Có thể nói, DT, HT tràn lan, biến tướng gây bức xúc trong dư luận xã hội từ nhiều năm qua, nhất là ở các thành phố lớn. Điều đó đòi hỏi việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh của các cơ quan quản lý giáo dục đối với các trường, giáo viên cố tình làm trái quy định. Có như vậy mới đưa DT, HT trở lại với mục đích, ý nghĩa vốn có.
Quỳnh Nguyễn, Quý Tùng và Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét