Trang

18 thg 9, 2016

Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam

Thứ Bảy, 17/09/2016, 15:13:56
 Font Size:     |        Print

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến tại Đại hội.
 Font Size:     |  
NDĐT- Ngày 17-9, Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu ý kiến.
Hội Luật quốc tế Việt Nam ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế Việt Nam về một diễn đàn chuyên sâu để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của luật quốc tế.
Ngày 25-8-2014, Bộ trưởng Ngoại giao đã ký quyết định công nhận Ban vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam.
Ban vận động nói trên gồm nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực luật quốc tế của Việt Nam đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam.
Sau một thời gian hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục pháp lý, ngày 20-6-2016, Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 1616/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các luật gia luật quốc tế mà đối với cả cộng đồng luật gia Việt Nam. Thực tế cho thấy, từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế để khẳng định quyền độc lập, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
“Ngày nay, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, đó không chỉ là công cụ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước mà còn là phương tiện mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 ghi nhận sự đóng góp của những luật gia hàng đầu Việt Nam như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Phan Anh, luật sư Phạm Văn Bạch, luật sư Trịnh Đình Thảo và biết bao những luật gia yêu nước khác trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đầy bản lĩnh để bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản, tiến tới thống nhất đất nước”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Sau khi đất nước thống nhất, các luật gia Việt Nam tiếp tục góp phần vào việc đưa đất nước ra khỏi thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại và từng bước hội nhập quốc tế. Bước sang thế kỷ 21, khi Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang tích cực triển khai chiến lược hội nhập quốc tế, với một trong những định hướng lớn là tuân thủ, vận dụng cũng như phát triển luật pháp quốc tế để bảo vệ có hiệu quả quyền lợi của đất nước thì vai trò của các luật gia luật quốc tế Việt Nam càng quan trọng hơn.
Sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, là sự kế thừa và phát huy truyền thống vận dụng luật pháp quốc tế phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hội được thành lập cũng đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế thuộc nhiều thế hệ tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng nhận định tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, bên cạnh xu hướng hợp tác, hội nhập quốc tế, còn có nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt. Trong bối cảnh đó, hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học pháp lý quốc tế đã góp phần tích cực, chủ động và hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá một cách thực chất, mặt bằng trình độ luật pháp quốc tế của Việt Nam còn thua kém nhiều nước. Sau nhiều năm tham gia Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam hoặc đại diện của Việt Nam chưa được bầu vào các cơ quan hay tổ chức pháp lý quốc tế như Ủy ban Luật quốc tế hoặc Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, Toà án Công lý quốc tế... Điều đáng báo động là, với trình độ như vậy, nhiều khả năng nước ta sẽ phải chịu thua thiệt trong các “cuộc chiến pháp lý” nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của các pháp nhân, công dân Việt Nam tại các toà án, hoặc cơ quan trọng tài quốc tế.
Vì vậy, Hội Luật quốc tế Việt Nam cần tạo ra một diễn đàn tập hợp đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế; tổ chức những hoạt động có hiệu quả nhằm tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu luật pháp quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế cũng như các yêu cầu khác của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng tin tưởng rằng, trước những cơ hội và thách thức mới của đất nước cũng như nhu cầu bắt nhịp với sự vận động, phát triển mới của khoa học và thực tiễn pháp lý quốc tế, Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ không chỉ có vai trò quan trọng đối với các hội viên của Hội, mà cần có những đóng góp ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét