Trang

25 thg 7, 2016

Khắc phục tình trạng “sốc phản vệ” trong giáo dục

Thứ Hai, 25/07/2016, 16:09:58
 Font Size:     |        Print
 

 Font Size:     |  
NDĐT - Ngày 25-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên. Nhiều vấn đề như: Triển khai mô hình trường học mới, đánh giá học sinh theo Thông tư 30, triển khai đề án “bàn tay nặn bột”, dạy học ngoại ngữ, dạy học hai buổi/ngày… được các đại biểu bàn thảo kỹ tại hội nghị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2015-2016, nhiều cơ sở giáo dục đã thực hiện việc đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như: Dạy học trực tuyến, trường học kết nối… Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, các cơ sở giáo dục đã coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ngoài nhà trường.
Năm học qua, các cơ sở giáo dục đã chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh. Việc đánh giá học sinh được thực hiện thông qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một số dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Nhiều địa phương đã chỉ đạo và thực hiện tốt việc xây dựng đề thi kiểm tra theo ma trận; kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan; giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành. Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn…
Tại hội nghị, một số sở GD và ĐT, như: Nam Định, Điện Biên, Nghệ An, Kiên Giang… đã bày tỏ một số băn khoăn về định mức, chế độ giáo viên còn thấp, nhất là giáo viên tiểu học; khó khăn trong việc thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 cũng như thực hiện mô hình trường học mới, giải pháp phát triển hệ thống trường THPT chuyên còn một số bất cập; khó khăn trong việc thiếu trường, lớp học.
Trước nhiều vấn đề còn băn khoăn, hạn chế nói trên, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Các kiến nghị nói trên bộ sẽ tiếp thu và có điều chỉnh để phù hợp hơn và khẳng định, cùng với các hoạt động đổi mới giáo dục, công tác quản lý giáo dục cũng được tích cực đổi mới theo hướng nâng cao tích chủ động của các trường.
Nhiều địa phương bày tỏ sự băn khoăn, khó khăn trong việc thực hiện mô hình trường học mới, đánh giá học sinh theo Thông tư 30 rất vất vả… và mong muốn Bộ hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Vấn đề này, nếu Bộ quy định quá cụ thể, tỉ mỉ từng hoạt động sẽ không còn “đất” để các địa phương phát huy tính sáng tạo.
Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn chi tiết một số địa phương nhưng không phải vì thế mà lấy điều đó để chỉ đạo chung cho các địa phương khác. Vì vậy, các địa phương cần chủ động đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu chung của Bộ.
Trước thông tin một số địa phương đã dừng mô hình trường học mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chỉ mới nghe nói có tỉnh Hà Giang; tỉnh Hà Tĩnh tạm thời chưa nhân rộng; còn những tỉnh khác vẫn thực hiện bình thường cho nên không có chuyện bỏ mô hình trường học mới hay thôi không đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Vấn đề là, trên cơ sở thực tế, các địa phương cần điều chỉnh phù hợp và làm ngày càng hiệu quả hơn. Thí dụ: “Ngày đầu chưa quen thì đường cày chưa thẳng. Cũng giống như khi kê cái tủ, nếu chưa có phương pháp sẽ rất khó kê, hoặc kê cao quá mà không cân đối sẽ bị đổ”.
Việc đổi mới giáo dục sẽ còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà không đổi mới. Vì thế, các trường có băn khoăn cần phải xem lại đã hiểu mô hình chưa, thực hiện tốt chưa hay tại mô hình không tốt hay ngại đổi mới. Nếu cứ kêu mà không tìm cách làm thì sao đổi mới được giáo dục; cần phải thống nhất quan niệm, cách tiếp cận.
Chung quanh việc đánh giá học sinh, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu vấn đề: Tại sao mấy năm trước điểm thi môn Tiếng Anh cao hơn hai năm gần đây? Vấn đề không phải do công tác coi thi hay chấm thi mà do yêu cầu đánh giá học sinh ngày càng ở mức độ cao hơn, như vậy chất lượng đã tăng lên.
Việc đánh giá học sinh cũng khác trước, có học sinh hoàn thành, học sinh sinh không hoàn thành nhiệm vụ năm học chứ không phải cộng cái tốt với cái chưa tốt rồi chia bình quân.
Với mô hình trường học mới, không nên triển khai đại trà, tập trung vào những nơi có điều kiện thuận lợi với đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tâm huyết thì khi gặp khó khăn sẽ biết cách vượt qua; khắc phục được tình trạng giáo viên, học sinh, phụ huynh không bị “sốc phản vệ”.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét