Trang

11 thg 4, 2016

Cần linh hoạt trong tổ chức ôn tập cho học sinh

Thứ Ba, 12/04/2016, 04:51:13
 Font Size:     |        Print
 

Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) trong giờ ôn tập thi THPT quốc gia.
 Font Size:     |  
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi THPT quốc gia năm 2016, thời điểm này, bên cạnh việc giảng dạy bảo đảm chương trình môn học, nhiều trường THPT đã lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, công tác giảng dạy và ôn tập cũng đặt ra nhiều vấn đề, vừa phải bảo đảm chương trình môn học, vừa phải bảo đảm kế hoạch ôn tập, nhất là những môn có nhiều học sinh yếu kém.
Đa dạng cách thức tổ chức ôn tập
Đến nay, nhiều trường THPT đã lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh. Việc bố trí các lớp ôn tập được các trường căn cứ trên nhu cầu đăng ký môn thi của học sinh. Theo một số trường THPT, do việc đăng ký môn thi của học sinh rất đa dạng, môn nhiều, môn ít cho nên việc bố trí, sắp xếp các lớp ôn tập sẽ gặp khó khăn. Nếu như ở các tỉnh thuận lợi, môn Ngoại ngữ có nhiều học sinh lựa chọn, thì tại Cao Bằng, số học sinh đăng ký thi Ngoại ngữ chỉ chiếm tỷ lệ rất ít. Nguyên nhân vì phần lớn học sinh không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng cho nên các em được phép chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lạc Hà Thị Luân chia sẻ: Năm 2015 nhà trường chỉ có một học sinh dự thi môn tiếng Anh, năm 2016 dự kiến tăng thêm một học sinh, điều đó không thuận tiện khi bố trí giáo viên, sắp xếp lớp ôn tập.
Tại Hà Nội, nhiều trường THPT đã căn cứ điều kiện thực tế, linh hoạt trong tổ chức ôn tập cho học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên môn Toán, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: Là môn thi bắt buộc nhưng học lực môn Toán của học sinh chỉ ở mức trung bình. Kỳ thi đang đến rất gần, nhiệm vụ của giáo viên là giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản theo cấu trúc đề thi. Trên cơ sở phân loại học sinh, giáo viên sẽ dạy theo các cấp độ. Nhóm học sinh yếu sẽ dạy ở mức độ có thể đỗ tốt nghiệp THPT; nhóm học sinh khá hơn dạy chương trình nâng cao có thể vào được đại học. Trong khi đó, theo cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, sau khi học hết chương trình (khoảng cuối tháng 5), nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh. Căn cứ số lượng học sinh đăng ký các môn dự thi, nhà trường sẽ chia ra các lớp ôn tập phù hợp trên tinh thần môn học có ít học sinh đăng ký cũng tổ chức ôn tập. Việc ôn tập được nhà trường sắp xếp theo lớp; không tổ chức phân loại học sinh khá, giỏi. Kinh nghiệm ôn tập cho học sinh nhiều năm cho thấy, nếu phân loại, học sinh kém sẽ càng kém, trong khi các em ngồi theo lớp sẽ biết được lực học của nhau để giúp đỡ. Tuy nhiên, cô giáo Tạ Thị Bích Vân, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có nhìn nhận khác: Việc phân theo nhóm sẽ giúp giáo viên giảng dạy dễ dàng hơn. Bởi mỗi một buổi ôn tập là một chủ đề với lượng kiến thức đa dạng, nếu giáo viên chỉ ôn tập các kiến thức nâng cao thì những học sinh yếu hơn không theo được trong khi các em có học lực khá lại không có nhu cầu ôn tập phần kiến thức cơ bản. Việc ôn tập cho học sinh căn cứ theo yêu cầu đề thi THPT quốc gia năm 2015. Để việc ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả, hằng tuần, giáo viên trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tìm cách dạy hiệu quả và thống nhất cách dạy cho học sinh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu như cách đây vài năm, các trung tâm luyện thi đại học luôn trong tình trạng quá tải thì hai năm trở lại đây, ở các trung tâm nói trên có rất ít học sinh tìm đến. Điều đó cho thấy, việc đổi mới thi cử cũng như phương pháp giảng dạy tại các trường phổ thông bước đầu đi đúng hướng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Em Trần Đức Chung, lớp 12A6, Trường THPT Việt Đức chia sẻ kinh nghiệm: Em chủ yếu tập trung học ở trên lớp. Thời gian còn lại em tự sưu tầm đề thi năm trước để giải, những phần chưa hiểu sẽ nhờ thầy, cô giáo và bạn cùng lớp giúp đỡ. Vì vậy, mặc dù có nhiều trung tâm luyện thi với những lời giới thiệu hấp dẫn nhưng em đã không tìm đến.
Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình
Đề cập việc hướng dẫn ôn tập cho học sinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD và ĐT Hà Nội) Trần Đăng Nghĩa khẳng định: Từ ngày 20 đến 22-4, sở sẽ tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 trên phạm vi toàn thành phố ở ba môn thi bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Từ kết quả thi thử, các trường sẽ căn cứ lực học của học sinh để có giải pháp ôn tập hiệu quả. Trong khi đó, theo Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, thời điểm này các nhà trường cần nhanh chóng lập danh sách những học sinh yếu kém, học sinh bị hổng kiến thức, kỹ năng cơ bản để có giải pháp phụ đạo hiệu quả; khuyến khích hình thức giáo viên “đỡ đầu” học sinh.
Trước mong đợi của các trường, Bộ GD và ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức ôn thi THPT quốc gia năm 2016. Văn bản nêu rõ, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hoàn thành chương trình lớp 12 theo khung kế hoạch thời gian năm học 2015-2016; nghiêm cấm việc cắt xén chương trình đã quy định. Thời gian tới, các trường tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy chế đánh giá, xếp loại học sinh. Nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Vì vậy, Bộ GD và ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia. Sở GD và ĐT các địa phương chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm GDTX thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Sau khi kết thúc năm học, việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học; hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, gắn với thời sự quê hương, đất nước. Đối với môn ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định, nhất là bảo đảm tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học. Đáng chú ý, các đơn vị nói trên không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua các tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kỳ thi THPT quốc gia nói riêng... 
“Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch dạy, ôn tập cho học sinh cả kiến thức mới và hệ thống lại kiến thức cũ. Tuy nhiên, thời lượng, cấp độ sẽ tăng mạnh ở cuối năm học. Điều quan trọng là giúp học sinh biết cách tự học, củng cố kiến thức chứ không nhất thiết lúc nào cũng đưa lên lớp dạy”.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình
Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội)
Quý Tùng và Phong Chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét