Trang

17 thg 3, 2016

Lựa chọn môn thi, cụm thi phải dựa trên năng lực

Thứ Ba, 15/03/2016, 20:54:33
 Font Size:     |        Print
 

Giờ học môn Lịch sử của học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội)
 Font Size:     |  
Những ngày qua, phần lớn các địa phương cả nước tiến hành khảo sát đăng ký môn thi, cụm thi của thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Việc lựa chọn môn thi và cách thức tổ chức cụm thi đa dạng đã đặt ra nhiều vấn đề, thu hút sự chú ý, quan tâm của các học sinh và dư luận xã hội.
Đa dạng việc lựa chọn môn thi
Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Phần lớn học sinh đăng ký môn thi tự chọn để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là Vật lý và Địa lý. Nếu như năm ngoái môn Lịch sử có hơn 20 học sinh lựa chọn, thì năm nay chỉ còn hơn 10 em; môn Hóa học có giảm nhưng không đáng kể, môn Địa lý tăng lên. Trường có nhiều khối, lớp ở các ban khác nhau, sau một năm học, nếu học sinh cảm thấy ban mình học không phù hợp, có thể xin đổi và nhà trường luôn tạo điều kiện để các em phát huy năng lực. Học sinh ở ban cơ bản A (Toán, Lý, Hóa) thường đăng ký môn thi tự chọn là Vật lý, Hóa học; ban cơ bản D (Toán, Văn, Anh) chủ yếu chọn môn Địa lý. Việc học sinh lựa chọn môn thi, cụm thi là theo năng lực chứ không phải theo “phong trào” vì dựa trên hai yếu tố: Năng lực bản thân và định hướng của gia đình, thầy giáo, cô giáo. Tại Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), việc đăng ký môn thi vẫn như năm 2015, trong đó, môn Địa lý học sinh đăng ký để xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều hơn năm trước. Trong tổng số 530 học sinh lớp 12, môn Ngữ văn có 350 học sinh đăng ký thi để xét ĐH, CĐ; 280 học sinh đăng ký thi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điều đáng nói, môn Lịch sử không có học sinh đăng ký thi để xét tuyển ĐH, CĐ, chỉ có một học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp. Ở các môn tự chọn khác như: Địa lý, Vật lý, Hóa học, số lượng học sinh lựa chọn không giống nhau…
Em Trần Quỳnh Anh, lớp 12 D0, Trường THPT Việt Đức cho biết: Vì định hướng nghề nghiệp cũng như năng lực, em và các bạn đăng ký dự thi hai môn tự chọn là Vật lý và Địa lý. Môn Lịch sử ít có bạn nào lựa chọn vì đề thi chủ yếu yêu cầu học sinh học thuộc lòng. Trong khi đó, ở môn Địa lý, ít số liệu, sự kiện hơn và lại có Át-lát để hỗ trợ làm bài. Cô giáo Bùi Thị Phượng, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Việt Đức nhận định: Học sinh yêu sử là điều đáng mừng, nhưng việc chọn Lịch sử để thi là vấn đề khác. Thực tế, đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2015 chưa có sức hấp dẫn, nội dung thi còn nặng về sự kiện, ghi nhớ máy móc, học sinh muốn làm được phải học thuộc lòng rất nhiều.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội cho thấy, trong tổng số tám môn thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT (trừ ba môn bắt buộc), môn Địa lý có số lượng học sinh lựa chọn nhiều nhất (12.257 học sinh), môn ít nhất là Sinh học (1.550 học sinh). Đáng chú ý, các môn thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ được phân bố đều ở các môn học; môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ có hơn 50 nghìn học sinh lựa chọn, trong khi môn Lịch sử chỉ có 4.414 học sinh, Sinh học có 6.058 học sinh…
Mừng, lo chuyện cụm thi
Nếu như năm 2015 cả nước chỉ có 38 cụm thi ĐH (ở 23 tỉnh, thành phố) và 61 cụm thi tốt nghiệp, thì năm 2016, Bộ GD và ĐT dự kiến có khoảng 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì và nhiều cụm thi do sở GD và ĐT chủ trì. Việc điều chỉnh nói trên nhằm khắc phục một số hạn chế trong công tác tổ chức, đồng thời đây cũng là nguyện vọng của đông đảo học sinh, phụ huynh và xã hội.
Qua khảo sát một số tỉnh, thành phố, chúng tôi được biết, các đơn vị nói trên đều đăng ký tổ chức hai loại cụm thi. Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD và ĐT Hà Nội Ngô Văn Chất cho biết: Qua thăm dò, Hà Nội có tổng số 14.716 học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT tại cụm thi tốt nghiệp; 51.290 học sinh dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ tại cụm thi ĐH. Tại tỉnh Lai Châu, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hoàng Đức Minh chia sẻ: Với đặc thù điều kiện giao thông đi lại khó khăn, việc có thêm cụm thi ĐH đã gỡ nút thắt tâm lý cho nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên. Sở đã đăng ký và gửi về Bộ GD và ĐT phương án tổ chức hai cụm thi. Ở kỳ thi trước, vì chưa có cụm thi ĐH, hơn 1.200 học sinh của tỉnh Lai Châu phải di chuyển quãng đường khá xa để dự thi ở Phú Thọ. Dự kiến, mỗi huyện sẽ có một điểm thi thuộc cụm thi do Sở chủ trì; một số huyện khó khăn như: Sìn Hồ, Mường Tè sẽ có hai điểm thi. Ngay như tỉnh Thái Bình, điều kiện đi lại khá thuận lợi, qua thăm dò, số lượng học sinh có nguyện vọng thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT khá nhiều, cho nên tỉnh sẽ tổ chức cụm thi này.
Điểm mới trong cách thức tổ chức cụm thi năm nay cũng được một số địa phương linh hoạt điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế. Theo đó, chủ trương của các Sở GD và ĐT: Hà Nội, Lai Châu sẽ cho phép những học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng sinh sống gần cụm thi ĐH có thể thi tại cụm này. Theo Sở GD và ĐT Hà Nội, đăng ký cụm thi hiện nay mới chỉ là thăm dò, khi đăng ký chính thức, học sinh có quyền đổi nguyện vọng. Trường hợp thí sinh đăng ký cụm thi tốt nghiệp nhưng sinh sống gần cụm thi ĐH, Sở sẽ cân nhắc để ghép vào cụm thi ĐH. Trong khi đó, cũng có một số tỉnh như: Thái Bình, Vĩnh Phúc và Hà Giang không đồng tình quan điểm cho phép học sinh ở cụm thi tốt nghiệp dự thi cùng với cụm thi ĐH. “Học sinh đăng ký cụm thi nào thì thi ở cụm đó, kể cả trong trường hợp sinh sống gần cụm thi ĐH. Về cơ sở vật chất tổ chức cụm thi ĐH tỉnh Hà Giang sẽ đáp ứng được. Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên làm công tác thanh tra, coi thi, chấm thi đang được Sở tiến hành. Tổng số lượng thí sinh dự thi ở hai cụm không lớn, cho nên việc tổ chức chắc chắn bảo đảm theo kế hoạch” - Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử nêu quan điểm.
Bộ GD và ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia năm 2016. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp sở GD và ĐT và trường ĐH, CĐ khác tổ chức (cụm thi ĐH); cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD và ĐT chủ trì, phối hợp trường ĐH, CĐ tổ chức (cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cho cả hai đối tượng thí sinh dự thi ở cụm thi ĐH tại địa phương.
Chung quanh vấn đề về tổ chức cụm thi, một số chuyên gia giáo dục băn khoăn, lo lắng, vì khi tổ chức đồng thời hai loại cụm thi sẽ khó bảo đảm tính công bằng, khách quan. Theo PGS Văn Như Cương, Bộ GD và ĐT nên thống nhất hai loại cụm thi thành một cụm thi do trường ĐH chủ trì. Thực tế kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cho thấy, mặc dù ban đầu những học sinh đăng ký cụm thi tốt nghiệp, nhưng khi có kết quả, các em vẫn có quyền xét tuyển vào trường ĐH tự chủ tuyển sinh riêng, như vậy là không công bằng. TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) đánh giá: Nếu Bộ GD và ĐT giải quyết được việc sáp nhập hai cụm thi nói trên sẽ khắc phục được lo lắng của xã hội, khi cụm thi ĐH được đánh giá tốt, chặt chẽ trong khi cụm thi tốt nghiệp còn lỏng lẻo.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét