Trang

21 thg 12, 2015

Đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục

Thứ ba, 22/12/2015 - 02:13 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác thi tại Học viện Kỹ thuật quân sự.              Ảnh: VĂN CHUNG
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác thi tại Học viện Kỹ thuật quân sự.              Ảnh: VĂN CHUNG
Thực hiện đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục theo Nghị định số 42 ngày 9-5-2013 của Chính phủ, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) đổi mới các hoạt động thanh tra theo hướng chuyển nội dung từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra công tác quản lý; không thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục cũng như hoạt động sư phạm nhà giáo. Tuy nhiên, trong hoạt động thanh tra giáo dục, vẫn còn một số địa phương chưa nắm rõ thẩm quyền thanh tra cũng như chưa nêu cụ thể nội dung thanh tra và đối tượng thanh tra.
Đềcập hoạt động thanh tra trên địa bàn thời gian qua, Phó trưởng phòng GD và ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) Lê Thị Kim Ánh cho rằng: Mặc dù không có lực lượng thanh tra chuyên trách nhưng các cộng tác viên thanh tra của phòng đều được bồi dưỡng thường xuyên. Trước đây, một thanh tra phải dự hai tiết/lớp để đánh giá và kiểm tra các hồ sơ, giáo án tốn nhiều thời gian nhưng chỉ tác động được một người. Trong khi đó, thanh tra theo hướng đổi mới đã tác động vào toàn bộ hệ thống, nhất là người đứng đầu để có điều chỉnh kịp thời. Hoạt động thanh tra trên địa bàn quận có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở những “điểm nóng”.
Trong khi đó, Chánh Thanh tra Sở GD và ĐT Quảng Ninh Lê Viết Thành khẳng định: Trong nội dung thanh tra chuyên ngành, tập trung vào công tác quản lý, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị. Việc đổi mới cách thức và tổ chức, hoạt động thanh tra được thực hiện khẩn trương, hiệu quả, rút ngắn thời gian so với trước đây. Đáng chú ý, theo Chánh Thanh tra Sở GD và ĐT Đồng Tháp Nguyễn Trung Vinh, khi có thông tin sai phạm hoặc kế hoạch thanh tra định kỳ, đột xuất, thanh tra Sở GD và ĐT phối hợp chặt chẽ thanh tra tỉnh, thanh tra huyện và các phòng GD và ĐT. Trong thời gian hai năm qua, Sở GD và ĐT Đồng Tháp đã tổ chức 17 cuộc thanh tra tại 38 cơ sở GD và ĐT, trong đó phát hiện 13 đơn vị sai phạm và bị xử phạt hơn 800 triệu đồng.
Bộ GD và ĐT cho biết, thời gian qua, phần lớn các sở GD và ĐT không còn thanh tra toàn diện nhà trường và thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo. Nội dung thanh tra tập trung vào những vấn đề bức xúc trong xã hội như: Dạy thêm, học thêm; thu, chi đầu năm; tuyển dụng, sử dụng giáo viên; chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý… Theo đánh giá của Chánh Thanh tra Bộ GD và ĐT Nguyễn Huy Bằng: Trước đây, thanh tra của bộ, sở, phòng thường đến dự giờ giáo viên làm việc chuyên môn, điều đó không đúng chức năng. Luật Thanh tra đã quy định, thanh tra phải đánh giá kết quả cơ sở GD và ĐT làm đúng hay sai theo luật, không phải thanh tra về dạy tốt hay không tốt. Nếu như trước đây giáo viên dạy giỏi môn Văn học, Toán học được lựa chọn làm cán bộ thanh tra thì bây giờ phần lớn là cán bộ quản lý. Vì vậy, các địa phương không đi thanh tra hoạt động sư phạm như trước, không nhất thiết phải dự giờ để đánh giá chuyên môn sư phạm của từng thầy giáo, cô giáo. Mục đích chính của việc thanh tra ở một trường, sở nhằm xem vấn đề quản lý như thế nào, từ đó tác động ra cả hệ thống. “Có thể thanh tra ít số lần nhưng khi phát hiện sai phạm cần công khai kết luận thanh tra để nơi khác biết và tự rút kinh nghiệm. Muốn như vậy, quy trình phối hợp phải đúng, chuyên nghiệp hơn”, Chánh Thanh tra Bộ GD và ĐT Nguyễn Huy Bằng chia sẻ.
Mặc dù đã có những đổi mới, nhưng theo Bộ GD và ĐT, việc xây dựng kế hoạch công tác thanh tra vẫn còn sở GD và ĐT chưa nắm rõ thẩm quyền; một số sở chưa xây dựng kế hoạch thanh tra các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý; việc triển khai hoạt động thanh tra chưa đúng trình tự, đủ thủ tục quy định. Một số địa phương như: Hà Nội, Bến Tre còn thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo. Việc phối hợp giữa thanh tra sở với thanh tra tỉnh, thanh tra huyện còn hạn chế; nhiều nơi thanh tra huyện hầu như chưa tổ chức thanh tra hành chính các cơ sở giáo dục. Một số sở GD và ĐT như: Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước chưa quan tâm đến tính đặc thù của hoạt động thanh tra. Đội ngũ cán bộ thanh tra, thanh tra viên, cán bộ công chức làm công tác thanh tra vì thay đổi thường xuyên cho nên đã ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra. Trong khi đó, năng lực, kinh nghiệm của một số thanh tra viên còn hạn chế, nhất là thiếu kiến thức về pháp luật, soạn thảo văn bản…
Trước thực trạng nói trên, Bộ GD và ĐT yêu cầu thanh tra các địa phương cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra; không quá chú trọng thanh tra theo số lượng mà tăng cường hiệu quả, khả năng tác động vào hệ thống. Thanh tra giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với thanh tra nhà nước ở địa phương; chú trọng thanh tra gắn với chức năng quản lý nhà nước của sở GD và ĐT theo phân cấp. Sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố cần tăng cường thanh tra các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn cũng như các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Đối với các Phòng GD và ĐT, không tổ chức thanh tra độc lập mà phối hợp các lực lượng: Thanh tra sở, thanh tra huyện, thanh tra tỉnh, thành phố để thanh tra, kiểm tra nội bộ các cơ sở giáo dục.
Từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, thanh tra sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố đã thanh tra hành chính 612 cuộc, thanh tra chuyên ngành 1.030 cuộc, thanh tra đột xuất 105 cuộc. Tại các cuộc thanh tra đột xuất của bộ và sở đã phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý, được chấn chỉnh kịp thời.
Nguồn: Bộ GD và ĐT
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét