Trang

15 thg 12, 2015

Bảo đảm tính khoa học, hiện đại trong tiêu chí đánh giá sách giáo khoa phổ thông

Thứ ba, 15/12/2015 - 02:13 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Giáo viên sinh hoạt tổ chuyên môn để thay đổi cách dạy theo yêu cầu mới tại Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Giáo viên sinh hoạt tổ chuyên môn để thay đổi cách dạy theo yêu cầu mới tại Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Sau một thời gian công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tiếp tục công khai dự thảo bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh những ưu điểm, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá SGK nên thực hiện ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, bảo đảm tính khoa học và hiện đại.
Dự thảo bộ tiêu chí đánh giá SGK giáo dục phổ thông mới gồm năm nhóm vấn đề với 18 tiêu chí đánh giá. Trong đó, nhóm vấn đề thứ nhất là điều kiện tiên quyết có quy định: SGK cần tuân thủ quy định của Hiến pháp, pháp luật; không trái với truyền thống văn hóa, lịch sử, địa lý, đạo đức và thuần phong mỹ tục và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế... Vấn đề thứ hai, SGK phải tuân thủ chương trình môn học do Bộ GD và ĐT ban hành. Vấn đề thứ ba, yêu cầu SGK bảo đảm tính khoa học, hiện đại cũng như yêu cầu phân hóa, hướng nghiệp. Vấn đề thứ tư về phương pháp kiểm tra, đánh giá: lựa chọn và tổ chức nội dung; hỗ trợ phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; hỗ trợ kiểm tra, đánh giá; định hướng sử dụng học liệu. Nhóm vấn đề thứ năm, yêu cầu về hình thức trình bày SGK gồm: cấu trúc sách; quy cách văn bản; hình thức trình bày; minh họa; kích thước và chất liệu.
Ngay sau khi dự thảo được công khai, nhiều chuyên gia giáo dục cơ bản nhất trí với bộ tiêu chí nói trên và đưa ra những đề xuất cho việc đổi mới SGK. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Trường, dự thảo bộ tiêu chí đánh giá SGK giáo dục phổ thông mới xây dựng tương đối chi tiết, cụ thể, bảo đảm tính khoa học, lô-gíc, bao quát đầy đủ những vấn đề của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Tuy nhiên, theo lộ trình, Bộ GD và ĐT sẽ đảm nhận việc tổ chức biên soạn một bộ SGK bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Nhưng ở Vĩnh Phúc đã và đang dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Vì vậy, đề nghị Bộ GD và ĐT cần biên soạn thêm một bộ sách dạy các môn khoa học tự nhiên, tiến tới các môn khoa học xã hội theo dạng song ngữ. Ngoài ra, đối với học sinh hệ giáo dục thường xuyên, nội dung chương trình học chỉ bằng 70% so với chương trình phổ thông nhưng thực tế vẫn dùng chung một bộ sách, cho nên cần tính toán khi biên soạn thêm hoặc bỏ bớt nội dung nào cho phù hợp hơn.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Bộ tiêu chí đánh giá SGK cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên, trong đó, chú trọng bồi dưỡng kiến thức sư phạm. PGS, TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Hiện nay, các thầy giáo, cô giáo khi dạy học vẫn còn quá lệ thuộc vào SGK, tài liệu hướng dẫn. Vì vậy, lần đổi mới này, Bộ GD và ĐT cần trao quyền cho giáo viên trên nhiều phương diện để họ cùng tham gia, biết cách xoay xở cũng như vận dụng kinh nghiệm trong giảng dạy thì sẽ hiệu quả hơn. Khi giáo viên hiểu SGK, chuẩn đầu ra của chương trình mới, sẽ dạy học hiệu quả. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD và ĐT cũng cần làm rõ cơ sở để biên soạn bộ tiêu chí đánh giá SGK; cách xác định tên gọi; số lượng, nội dung cụ thể của các yêu cầu, tiêu chí và chỉ báo; làm rõ yêu cầu SGK theo hướng phát triển năng lực; cách cho điểm và những vấn đề khác. Về hình thức, kết cấu, một số ý kiến đề nghị Bộ GD và ĐT rút ngắn bộ tiêu chí đánh giá cho dễ hiểu, dễ nhớ; thay đổi một số câu chữ để phù hợp hơn…
PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD và ĐT), Ủy viên bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nêu quan điểm: Bộ tiêu chí nêu trên làm căn cứ để biên soạn, đánh giá SGK và kết quả giáo dục. Bên cạnh việc lấy ý kiến của xã hội về chương trình tổng thể, Bộ GD và ĐT đồng thời lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo bộ tiêu chí đánh giá SGK giáo dục phổ thông mới. Mục đích, làm căn cứ để các chuyên gia, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK giáo dục phổ thông. Đồng thời, làm căn cứ để các tác giả, nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân, biên soạn sách phù hợp chương trình môn học; hỗ trợ người dạy, người học và các bậc phụ huynh lựa chọn sử dụng SGK trong quá trình dạy và học.
Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Ở hầu hết các nước phát triển và nhiều quốc gia khác đều áp dụng “một chương trình, nhiều SGK”. Ở Việt Nam những năm qua tuy chưa phải là chủ trương chính thức nhưng trong một số trường hợp đã có các phiên bản SGK để đáp ứng yêu cầu thực tế. Bộ GD và ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Để việc tổ chức biên soạn SGK huy động được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có năng lực tham gia thì tiêu chí đánh giá và quy trình thẩm định SGK phải được công khai minh bạch. Trong đổi mới lần này, SGK do Bộ GD và ĐT hoặc tổ chức, cá nhân xuất bản phải được Hội đồng quốc gia thẩm định, bảo đảm tính khoa học, công bằng. Việc lựa chọn bộ SGK để dạy học trong từng trường sẽ do các ban giám hiệu quyết định trên cơ sở ý kiến của giáo viên bộ môn, có tham khảo ý kiến của học sinh và cha mẹ học sinh.
BÀI VÀ ẢNH: LONG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét