Trang

16 thg 11, 2015

Nhiều ý kiến trái chiều chung quanh việc tích hợp môn Lịch sử

Thứ hai, 16/11/2015 - 03:23 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Hồ Chí Minh) trong giờ học môn Lịch sử. Ảnh: TẤN THẠCH
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Hồ Chí Minh) trong giờ học môn Lịch sử. Ảnh: TẤN THẠCH

Ngày 15-11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”. Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, nhà giáo, nhà sử học thảo luận vấn đề tích hợp môn Lịch sử với các môn: Đạo đức - Công dân và An ninh - Quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT).
Lắp ghép thiếu cơ sở khoa học?

Tại hội thảo, nhiều nhà giáo, nhà sử học cho rằng, việc xây dựng một môn học mới là việc làm hệ trọng, có liên quan đến chất lượng giáo dục, sự thành bại của đổi mới giáo dục và tương lai của thế hệ học sinh. Nếu xây dựng môn học mới mà không dựa trên nền tảng khoa học và có cơ sở thực tiễn thì chắc chắn sẽ thất bại, gây nên tình trạng xáo trộn, mất phương hướng trong giáo dục phổ thông. Việc tích hợp môn Lịch sử như một phân môn trong môn học mới Công dân với Tổ quốc trên thực tế là sự lắp ghép thiếu cơ sở khoa học, không khả thi và chưa từng có tiền lệ.

GS, TS Trần Thị Vinh, Khoa Sư phạm, Trường đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm: Về cơ sở khoa học, ba môn học kể trên có đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy khác nhau. Lịch sử là một môn khoa học cơ bản, môn học bản lề trong hệ thống giáo dục phổ thông. Mục tiêu quan trọng nhất của môn Lịch sử là giúp cho học sinh thông hiểu những tri thức lịch sử cốt lõi có hệ thống về toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc. Vấn đề đặt ra ai sẽ là người dạy môn học Công dân với Tổ quốc, trong khi các trường đại học sư phạm hiện nay ở nước ta và trên thế giới không đào tạo giáo viên dạy những môn học lắp ghép kiến thức “tổng hợp” như thế. Trong khi đó, Thượng tướng, PGS, TS Võ Tiến Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng lại cho rằng: Việc tích hợp môn Quốc phòng - An ninh với các môn học khác ở cấp THPT là trái quy định của luật pháp. Quốc phòng - An ninh là môn học đặc thù cả về nội dung, phương pháp và hình thức, hơn 80% nội dung các bài giảng mang tính trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ Tổ quốc.

Theo GS, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Trong thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử cấp THCS, THPT sa sút nhiều, gây nỗi lo âu trong xã hội. Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu xếp là môn học tự chọn thì rất có thể phần lớn học sinh không chọn môn Lịch sử. Tích hợp không có nghĩa là cắt xén nội dung của một số môn học rồi ghép lại một cách cơ học mà phải dựa trên cơ sở những môn học gần gũi về nội dung, có quan hệ về lý thuyết và phương pháp luận. “Dù Bộ GD và ĐT có giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử” môn Lịch sử”- GS Phan Huy Lê nhìn nhận.

Tích hợp không nhằm giảm môn học

Lý giải những thắc mắc của các chuyên gia, GS Đinh Quang Báo (Bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông) đặt vấn đề: “Tôi không nghĩ môn Lịch sử phải độc lập mới giáo dục được. Tại sao những môn khác thì tích hợp được mà môn Lịch sử lại không? Tích hợp không có nghĩa là làm mất đi môn học mà tạo ra logic mới, chỉnh thể mới, giá trị mới”. Trong khi đó, ông Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD và ĐT), Trưởng Bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho biết: Việc đổi mới là theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Xuất phát từ yêu cầu đổi mới, việc thiết kế các môn học tập trung, giảm số môn học bắt buộc và tăng số môn học tự chọn ở THPT; tích hợp các nội dung giáo dục liên quan vào một lĩnh vực, môn học để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các môn học. Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tất cả học sinh đều phải học nội dung giáo dục lịch sử trong ít nhất hai môn: Công dân với Tổ quốc và một trong hai môn Lịch sử hoặc Khoa học xã hội. Ngoài ra, học sinh còn được học lịch sử trong các môn khác. Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình mới nhiều hơn chương trình hiện hành. Về tên gọi, để bảo đảm tầm quan trọng của môn học, lĩnh vực giáo dục thì không nhất thiết phải gọi tên môn học đó một cách đích danh, trực tiếp mà cần người học nắm được kiến thức của môn học, lĩnh vực đó ở mức độ nào, bằng cách nào, có hiệu quả không, kiến thức đó có chuyển hóa thành phẩm chất (hứng thú, niềm tin, đạo đức, thái độ…) và năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn hay không. Việc đặt tên môn học được thực hiện thống nhất giữa các môn và lĩnh vực giáo dục khác trong chương trình mới.

Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển không có chuyện “khai tử” môn Lịch sử. Môn học bắt buộc hay độc lập là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đổi mới cần kế thừa những cái đã và đang có giá trị nhưng nếu nhất thiết phải có tiền lệ mới làm thì không phải đổi mới. Nhiều ý kiến cho rằng, môn Công dân với Tổ quốc có ba phân môn trong một môn là chưa chính xác mà là ba mảng kiến thức chủ đạo. Mục đích của tích hợp không phải để thành ít môn mà là để các kiến thức bổ trợ lẫn nhau, liên hệ sử dụng một cách hài hoà, nâng cao hiệu quả giáo dục. Ngay từ đầu, ban soạn thảo đã coi trọng hiệu quả giáo dục từ kiến thức chuyển thành niềm tin, cách dạy thế nào để học sinh hứng thú, thích học và tự tìm hiểu kiến thức đó.

Tôi đề nghị chúng ta nên nghiên cứu kỹ tài liệu. Tôi không đồng tình việc bắt buộc học lịch sử đồng nghĩa với việc có một môn Lịch sử độc lập. Bắt buộc và độc lập là hai chuyện khác nhau.

Nguyễn Vinh Hiển

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo
Bộ GD và ĐT đã có giải trình và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề rất đáng trân trọng và ghi nhớ, nhưng không vì thế mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thay đổi ý kiến. Sẽ có một số vấn đề Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị lên cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

GS, NGND Phan Huy Lê

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

QUÝ TÙNG VÀ QUỲNH NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét