Trang

4 thg 11, 2015

Nhiều hoạt động đổi mới giáo dục ở Hà Tĩnh

Thứ ba, 27/10/2015 - 01:43 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Trường tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tạo sự tự tin, năng động cho học sinh.
Trường tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tạo sự tự tin, năng động cho học sinh.
Đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục phổ thông đang đòi hỏi những giải pháp đồng bộ của các địa phương trong quá trình triển khai. Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong các hoạt động đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Chú trọng “đầu tàu”
Trong các hoạt động giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý có vai trò quan trọng tạo nên những bước đột phá khi thực hiện đổi mới. Vì vậy, các hoạt động đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của Hà Tĩnh được coi là một trong những giải pháp có tính đột phá. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Tĩnh Trần Trung Dũng, việc tổ chức sát hạch quản lý cơ sở giáo dục góp phần quan trọng lựa chọn được những “đầu tàu” đổi mới. Trên thực tế có những giáo viên năng động, chuyên môn rất tốt nhưng làm quản lý nhà nước thì chưa có kỹ năng. Vì vậy, trước đây có tình trạng sáng là giáo viên, chiều thành quản lý, chủ yếu theo kinh nghiệm cho nên chất lượng quản lý giáo dục chưa cao. Thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 
29-NQ/T.Ư, Hà Tĩnh đã mạnh dạn thực hiện việc thi tuyển chức danh cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc sở. Đối tượng dự thi phải làm một bài thi viết nhằm kiểm tra nhận thức, hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách, về các quy định của Nhà nước, của ngành đồng thời xây dựng đề án công tác và được tổ chức báo cáo bảo vệ đề án. Việc báo cáo bảo vệ đề án được tổ chức công khai tại đơn vị với sự tham gia chứng kiến của ban giám hiệu, cấp ủy, trưởng các đoàn thể, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và đông đảo giáo viên. Sau khi thực hiện việc lựa chọn cán bộ quản lý theo phương pháp mới đã tác động tích cực đến giáo dục Hà Tĩnh. Kể từ năm 2014 đến nay, Sở GD và ĐT Hà Tĩnh đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cho 98 người đăng ký dự thi tại 31 trường THPT. Trong đó, có một hiệu trưởng và hai phó hiệu trưởng hết nhiệm kỳ không được bổ nhiệm lại; hai đơn vị có nhiều người tham dự nhưng chưa có người trúng tuyển. Điều đó thể hiện sự đổi mới, tính khách quan trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Hiện nay, Sở GD và ĐT Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch để tham mưu cho tỉnh thực hiện việc thi tuyển ở các cơ sở giáo dục do cấp huyện quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình đổi mới giáo dục.
Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng tiến hành các cuộc khảo sát năng lực giáo viên, cán bộ quản lý. Năm học 2014-2015, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thi khảo sát 612 cán bộ quản lý mầm non, đạt yêu cầu 553 người, tỷ lệ 90,1%; khảo sát chất lượng cán bộ quản lý THPT, đạt yêu cầu 70 người, tỷ lệ 89,2%; khảo sát giáo viên THPT, đạt yêu cầu 1.961, tỷ lệ 92,3%. Các cuộc khảo sát đã có tác dụng thúc đẩy cán bộ, giáo viên phải thường xuyên trau dồi chuyên môn, quan tâm nghiên cứu nắm bắt các văn bản chỉ đạo của ngành.
Đa dạng phương pháp dạy học mới
Nhờ sự vững vàng của đội ngũ quản lý, giáo viên cho nên giáo dục Hà Tĩnh những năm qua triển khai hàng loạt các hoạt động đổi mới. Trong đó, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên của khu vực Bắc Trung Bộ triển khai dạy học đại trà chương trình Tiếng Việt lớp một theo tài liệu công nghệ giáo dục. Đến năm học 2014 - 2015, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh đã hoàn thành chương trình này cho hơn 20 nghìn học sinh. Ngoài ra, các trường tiểu học còn triển khai mô hình trường học mới (VNEN) hiệu quả, có tác động tích cực đến giáo viên trong đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; giúp học sinh phát huy tính tích cực, sáng tạo, học sinh tự giác, tự quản, tự tin, hứng thú hơn trong học tập. Đến Trường tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh), chúng tôi khá ấn tượng bởi các lớp học được sắp xếp khoa học; học sinh ngồi học theo từng nhóm khoảng năm đến sáu em. Cô giáo Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Linh chia sẻ: Khi triển khai trường học mới, nhà trường phân định rõ từng phần việc của ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh. Ban giám hiệu đóng vai trò hướng dẫn đội ngũ giáo viên. Giáo viên đóng vai trò hướng dẫn học tập cho nên học sinh đến lớp học trong môi trường “mở”, không nặng nề mà bảo đảm tốt kiến thức, kỹ năng. Phụ huynh học sinh Thái Văn Đạt có con học Trường tiểu học Thạch Linh nêu cảm nhận: “Thông qua trường học mới, khi con đi học về đều tâm sự mọi chuyện với bố, mẹ. Chính vì thế, con nói với tôi rằng, cô giáo là bạn của con”. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hải Lý, qua hai năm triển khai, đến nay Hà Tĩnh đã có 129/267 trường tiểu học thực hiện mô hình VNEN, đạt tỷ lệ 48,3%. Tiếp nối thành công của mô hình trường học mới bậc tiểu học, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, năm học 2015-2016, ngành GD và ĐT Hà Tĩnh đã chọn 14 trường THCS với 64 lớp thực hiện mô hình trường học mới ở 13/13 huyện, thị xã, thành phố.
Cùng với nhiều hoạt động đổi mới giáo dục ở bậc học tiểu học, ngành GD và ĐT Hà Tĩnh còn triển khai có hiệu quả việc đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn ở bậc trung học. Nội dung sinh hoạt tập trung vào các vấn đề như: Xây dựng các chủ đề dạy học; đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đánh giá; tổ chức các tiết thao giảng, dự giờ, thăm lớp; triển khai các chuyên đề, chuyên sâu; thảo luận về các kỹ năng dạy học theo từng bộ môn, nhất là việc dạy học theo tiết sang dạy học theo chủ đề bước đầu đem lại kết quả tốt. Quá trình đổi mới còn có sự gắn kết thông qua việc triển khai hệ thống “Trường học kết nối” giúp nhiều tổ, nhóm chuyên môn và cá nhân có sản phẩm về các bài giảng, bài học, kinh nghiệm hay được đưa lên hệ thống dùng chung cho giáo viên, cán bộ. Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 800 sản phẩm của các trường THCS và 1.500 sản phẩm của các trường phổ thông được đưa lên hệ thống “trường học kết nối” giúp quá trình dạy học, điều hành quản lý của các cơ sở giáo dục hiệu quả hơn.
Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý và tổ chức dạy học, chất lượng đánh giá học sinh các bậc học được nâng lên. Trong đó giáo dục tiểu học mức độ hoàn thành về phát triển phẩm chất của học sinh đạt 100%; mức độ hoàn thành về phát triển năng lực đạt 99,5%. Đối với THCS có 53,44% học sinh có học lực khá và giỏi; THPT có 66,21% học sinh có học lực khá và giỏi.
Các hoạt động đổi mới giáo dục của Hà Tĩnh những năm qua triển khai khá hiệu quả, bài bản. Vì vậy, ngành GD và ĐT Hà Tĩnh cần phát huy thế mạnh, nỗ lực chủ động hơn nữa để việc đổi mới giáo dục đạt được mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện đổi mới nếu có vướng mắc, khó khăn thì có thể kết nối với bộ để tiếp tục thực hiện đổi mới hiệu quả nhất và chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương.
Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT
BÀI, ẢNH: GIANG SƠN VÀ QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét