Trang

30 thg 11, 2015

Hiệu quả công tác phân luồng học sinh ở Vĩnh Phúc

Thứ ba, 01/12/2015 - 03:41 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Giờ thực hành thí nghiệm tại Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1.
Giờ thực hành thí nghiệm tại Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1.
Bên cạnh đổi mới các hoạt động giáo dục, những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) Vĩnh Phúc chú trọng thực hiện phân luồng học sinh (PLHS). Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách giúp học sinh sau khi bước vào "luồng mới" có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề, ra trường có công việc ổn định.
Trước thực trạng nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm ổn định hoặc thất nghiệp, đồng thời nắm bắt được lợi thế là địa phương đã và đang hình thành nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, từ năm 2012, Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc đã triển khai công tác hướng nghiệp, PLHS; thực hiện đề án dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2020 và Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2012-2015. Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc xác định, muốn PLHS đạt hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức đến phụ huynh, học sinh, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Theo đó, mỗi năm một trường THCS có một giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng và một trường THPT có hai giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ mỗi trường THCS, THPT 2,5 triệu đồng/năm cho công tác hướng nghiệp, PLHS. Trong hai năm (2012-2013), sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho 440 giáo viên (151 giáo viên THPT, 289 giáo viên THCS); bồi dưỡng 525 cán bộ quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ đoàn, đội các trường THPT, THCS về công tác PLHS. Đáng chú ý, để PLHS đạt kết quả cao, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí dành riêng cho học sinh. Học sinh sau THCS đi học bổ túc văn hóa THPT cùng học nghề một tháng được hỗ trợ 350 nghìn đồng và 100 nghìn đồng tiền sách, vở, đồ dùng học tập. Học sinh sau THPT học cao đẳng nghề mỗi tháng được hỗ trợ 450 nghìn đồng và 100 nghìn đồng tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập.
Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 (phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) những năm gần đây thực hiện khá hiệu quả việc đào tạo nghề và dạy văn hóa cho học sinh. Bình quân mỗi năm, trường tuyển được 200 đến 300 học sinh THCS, trong đó, số học sinh là người Vĩnh Phúc chiếm 65%. Trường cũng tuyển được 300 học sinh THPT theo học cao đẳng nghề mỗi năm. Nhờ xác định đúng hướng trong đào tạo, học sinh học bổ túc văn hóa, trung cấp nghề và cao đẳng nghề khi ra trường có việc làm ngay tại các doanh nghiệp Toyota, Honda đóng trên địa bàn tỉnh hoặc tại doanh nghiệp Samsung (Bắc Ninh). Thầy giáo Trần Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 cho biết: Học sinh của trường đi thực tập cũng được trả lương từ ba đến bốn triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, doanh nghiệp vào “đặt hàng” người lao động với số lượng lớn hơn số học sinh mà trường đang đào tạo. Bên cạnh dạy nghề, văn hóa cho học sinh, trường còn tiếp nhận sinh viên các trường đại học ở Phú Thọ và Hà Nội đến học nghề (khoảng 10% trong tổng số học sinh tuyển mới).
Đáng chú ý, hai năm gần đây, do có những chuyển biến về nhận thức trong việc phân luồng, một số học sinh sau THCS (học lực khá, giỏi) vẫn xin học nghề. Thầy giáo Trương Xuân Thủy, Phó trưởng Khoa cơ bản, phụ trách hệ bổ túc văn hóa, nghề dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học. Đến phòng tư liệu thư viện, thầy Thủy mở tủ lấy một xấp học bạ của học sinh, trong đó không ít học bạ học lực khá, giỏi. Em Nguyễn Văn Tú vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 chia sẻ: Trước khi đi học nghề em có học lực khá, năm lớp 8 đã thi học sinh giỏi môn Toán. Năm 2008, được sự định hướng của gia đình, thầy giáo, cô giáo, em tự nguyện chuyển hướng sang học bổ túc văn hóa cùng học nghề, sau đó học liên thông lên cao đẳng nghề. May mắn, khi ra trường, em được doanh nghiệp Honda nhận làm việc với mức lương khởi điểm hơn bốn triệu đồng/tháng, nếu làm thêm thì được trả khoảng năm triệu đồng. Công việc hằng ngày của em là kiểm tra các thiết bị trên xe ô-tô. Vì được đào tạo đúng chuyên ngành cho nên trong quá trình làm việc, Tú không gặp nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Trọng cho biết: Điểm nổi bật đối với những học sinh nằm trong diện phân luồng là khi ra trường, các em được công nhận hai bằng: tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề (hệ THCS) hoặc cao đẳng nghề (hệ THPT). Mô hình này đã giải quyết được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, giảm đáng kể số lượng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Thông thường, học sinh trượt tốt nghiệp THCS, THPT thì mới học nghề. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều học sinh khá, giỏi cũng tham gia học nghề. Từ năm 2012 đến năm 2015, Vĩnh Phúc có khoảng ba nghìn học sinh THCS không thi vào THPT mà đi học nghề; Trường THCS Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên có 70% học sinh không thi vào THPT mà đăng ký đi học bổ túc văn hóa cùng học nghề… góp phần nâng cao hiệu quả công tác PLHS theo Chỉ thị 10-CT/T.Ư năm 2011 của Bộ Chính trị.

Sau khi thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giảm nghèo và giải quyết việc làm (2012-2015), tỷ lệ học sinh vào THPT giảm còn 70%; vào bổ túc THPT và nghề đã nâng lên 20 đến 25%. Mục tiêu giảm tỷ lệ học sinh vào THPT từ 75% xuống 70% và ổn định trong các năm sau; vào bổ túc văn hóa THPT, nghề chiếm 30%.
(Nguồn: Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc)
QUÝ TÙNG VÀ TIẾN ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét